Thứ Sáu, 14/12/2007 12:09

Thị trường sớm đi lên

Tình hình TTCK và xu thế phát triển của thị trường là 2 nội dung chính được ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (UBCKNN) trình bày tại Hội nghị phổ cập kiến thức chứng khoán cho công chúng đầu tư cuối tuần trước. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi thêm với ông Minh xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, khi TTCK đi xuống, một số nhà đầu tư đổ lỗi cho chính sách hay sự can thiệp của Nhà nước. Ông nhận xét gì về việc này?

Bất kỳ một thị trường non trẻ hay hoạt động với quy mô nhỏ nào cũng chịu ảnh hưởng từ chính sách của Nhà nước. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chính sách ảnh hưởng đến thị trường một thì qua tâm lý nhà đầu tư, mức độ ảnh hưởng có thể mạnh hơn thế nhiều lần. Song, điều đáng ngạc nhiên tại Việt Nam là khi TTCK đi lên, nhà đầu tư có lãi thì họ lại cho rằng, đó là do mình tài giỏi; còn khi TTCK đi xuống, dẫn đến thua lỗ thì họ không tự nhận ra những hạn chế trong chiến lược đầu tư, mà vội vàng kết tội ngay cho chính sách của Nhà nước như trường hợp Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN hay luật thuế đánh vào đầu tư chứng khoán. Không thể phủ nhận Chỉ thị 03 có tác động lớn đến TTCK, nhưng việc nhiều nhà đầu tư phản ứng quá nhanh và mạnh đối với diễn biến của thị trường đã làm cho tâm lý đối với thị trường càng thêm nặng nề hơn.

Theo ông, IPO Viecombank sẽ tác động như thế nào đến diễn biến của thị trường?

Tác động của IPO Vietcombank được nhìn nhận trước hết đó là ảnh hưởng về giá cổ phiếu. Kết quả của đợt IPO Nhiệt điện Phả Lại cách đây 2 năm được giới đầu tư xem như một cơ sở để xác định giá cổ phiếu ngành điện. Gần đây nhất, diễn biến đợt đấu giá Bảo Việt là căn cứ để xem xét giá các loại cổ phiếu cùng ngành cũng như các loại cổ phiếu khác. Sắp tới, việc IPO Vietcombank được chờ đợi là sẽ xác định giá cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng như khả năng thiết lập một mặt bằng giá mới trên TTCK Việt Nam. Rõ ràng, IPO các công ty lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu ngành đó cũng như giá cổ phiếu của toàn thị trường. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, tại sao không phải là giá cổ phiếu ngành ngân hàng hiện nay (với khoảng 30 ngân hàng) tác động ngược lại đối với giá đấu cổ phần Vietcombank và liệu Vietcombank có thực sự là "con khủng long" trên TTCK khi kết quả kinh doanh của ngân hàng này chưa thực sự tốt hơn một số công ty khác .

Cổ phiếu phát hành tăng vốn điều lệ hiện không còn được đánh giá cao như thời điểm đầu năm 2007?

Đúng vậy. Hiện nhà đầu tư đang ngại ngần trước thông tin tăng vốn của các công ty niêm yết. Thực tế, tại các nước trên thế giới, ít có thị trường nào tăng vốn ồ ạt như TTCK Việt Nam, hiện như một trào lưu. Việc tăng quy mô vốn tại một số nước chủ yếu được thực hiện qua hình thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chứ ít khi thông qua hình thức tăng vốn.

Tuy nhiên, nếu sau khi tăng vốn, công ty sử dụng vốn nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh thì đó là điều tốt. Còn tăng vốn khiến EPS giảm, dẫn đến tỷ lệ trả cổ tức cũng giảm thì sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng thực tế thì sau khi tăng vốn, việc tạo ra lợi nhuận cao trong ngắn hạn là khó.

Theo ông, đầu tư vào cổ phiếu ngành nào là có triển vọng?

Có thể khẳng định, cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng - bất động sản luôn đi liền với sự phát triển kinh tế. Do đó, cổ phiếu các ngành này luôn dành được sự quan tâm của nhà đầu tư tại bất kỳ thời điểm nào. Song, nhà đầu tư cần nắm bắt được chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế để đầu tư vào cổ phiếu ngành đó. Cổ phiếu ngành năng lượng, dầu khí, khai khoáng hứa hẹn khả năng sinh lời lớn trong dài hạn. Cổ phiếu ngành điện tuy lợi nhuận không tăng trưởng mạnh, song thuộc loại cổ phiếu tương đối ổn định.

TTCK trong thời gian tới được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Giai đoạn từ nay đến năm 2009 được coi là thời kỳ hoàng kim, cơ hội vàng của các nhà đầu tư với đầy đủ yếu tố thuận lợi, do chưa áp thuế đầu tư chứng khoán cho đến năm 2009, nguồn cung hàng hoá dồi dào từ các đợt IPO, lượng tiền đổ vào từ nhà đầu tư nước ngoài hứa hẹn sẽ rất lớn… Song, ảnh hưởng của Chỉ thị 03, thuế thu nhập đánh vào đầu tư chứng khoán tại thời điểm này tới tâm lý nhà đầu tư được đánh giá là không nhỏ. Đặc biệt là khi thị trường đang trong giai đoạn chờ đợi, nghe ngóng thông tin IPO của Vietcombank hay việc nhà đầu tư nước ngoài chưa tăng mua mạnh cũng như chuẩn bị về nước để đón Tết Dương lịch từng gây ra ít nhiều sự mất phương hướng của các nhà đầu tư nội… sẽ là một trong những yếu tố khiến thị trường tháng 12 này chưa thể bật lên được ngay. Song, khi IPO Vietcombank đã có câu trả lời cùng với kết quả báo cáo năm khả quan của các công ty niêm yết thì có thể lạc quan nói rằng, thị trường vào tháng 1/2008 sẽ điều chỉnh trở lại và VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.170 điểm (mức đỉnh vào tháng 3/2007).

Về quy mô thị trường, sắp tới sẽ có khoảng 50 công ty niêm yết mới. Ngoài ra, nhiều ngân hàng sẽ niêm yết trong năm 2008, hứa hẹn quy mô thị trường ngày càng tăng trưởng mạnh về chiều sâu. Bên cạnh đó, trong quý I/2008 sẽ có khoảng 2.000 công ty đại chúng tham gia đăng ký giao dịch OTC tập trung tại Trung tâm GDCK Hà Nội.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   “Lợi nhuận FPT sẽ vượt kế hoạch” (14/12/2007)

>   Doanh nghiệp viễn thông thứ 3 lên sàn Hà Nội (14/12/2007)

>   Dệt may Thành Công đại hội cổ đông bất thường (14/12/2007)

>   Nhà đầu tư cạn vốn? (14/12/2007)

>   PhuGiaSC triển khai cho vay cầm cố chứng khoán (14/12/2007)

>   VNM: Kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2007 (14/12/2007)

>   ICF chuyển sàn (14/12/2007)

>   Về việc phát hành cổ phiếu thưởng của SSI (13/12/2007)

>   SSC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (13/12/2007)

>   ANV: Nghị quyết HĐQT (13/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật