“Lợi nhuận FPT sẽ vượt kế hoạch”
Vừa qua Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (CIC) phối hợp cùng Hãng thông tin D&B - Hoa Kỳ đã tổ chức trao giải cho 20 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC). CIC là tổ chức duy nhất ở Việt Nam cung cấp kết quả phân tích, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Về việc FPT được CIC xếp hạng một trong 10 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu tại HOSE, ông Bùi Quang Ngọc - Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT - nói: "Chúng tôi rất tự hào!".
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc định mức tín nhiệm đối với thị trường tài chính Việt Nam?
Trong điều kiện mức độ hiểu biết của công chúng đầu tư còn hạn chế, các kênh cung cấp thông tin và đánh giá đúng rủi ro còn rất ít hoặc chưa có, sự xuất hiện của tổ chức định mức tín nhiệm sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin cho cộng đồng đầu tư, và chính bảng xếp hạng của tổ chức định mức tín nhiệm sẽ làm cho nhà đầu tư yên tâm hơn khi tiếp cận với thị trường.
Việc được CIC xếp hạng một trong 10 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu tại HOSE có ý nghĩa thế nào đối với FPT?
Chúng tôi rất tự hào, khi được đánh giá là một trong top 10 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu do CIC bình chọn. Đây là một sự khẳng định về vị thế của FPT trong cộng đồng các công ty niêm yết, củng cố niềm tin của nhà đầu tư dành cho công ty.
Có tên trong bảng xếp hạng vừa là động lực vừa là áp lực để FPT tiếp tục hoàn thiện và duy trì hình ảnh thương hiệu của mình trước các nhà đầu tư, đối tác, người tiêu dùng và cộng đồng. Đó chính là sự ghi nhận của cộng đồng đối với doanh nghiệp.
Ông có thể cho biết sơ lược về tình hình kinh doanh của tập đoàn trong năm 2007?
Chúng tôi xin thông báo rằng các hướng kinh doanh của FPT đều đạt kết quả khả quan. Tính đến hết quý 3 năm 2007, FPT đã đạt doanh số 566 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 41 triệu USD, hoàn thành 83% kế hoạch lợi nhuận năm 2007. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng về doanh số và lợi nhuận trước thuế tương ứng là 20,6% và 91%. Lợi nhuận dự kiến cả năm 2007 sẽ đạt vượt mức kế hoạch đề ra với tỷ lệ khoảng 115%.
Năm 2007 chúng tôi đã ký kết mới 19 biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác kinh doanh... với các đối tác nước ngoài, như các tập đoàn công nghệ, viễn thông, trường đại học... Trong đó, phải kể đến là việc trở thành đối tác cao cấp nhất của Microsoft tại Việt Nam, và vừa qua là ký kết thành lập quỹ đầu tư 100 triệu USD với SBI-Nhật Bản..
Ngoài ra số lượng hợp đồng, dự án công nghệ lớn với các tổ chức trong nước về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng tới hơn 10 dự án lớn. Cũng trong năm 2007, chúng tôi được cấp thêm 3 giấy phép kinh doanh viễn thông.
Chúng tôi đang xây dựng và từng bước chuyển sang chiến lược “e-citizen” (công dân điện tử), trong đó các dịch vụ của tập đoàn được liên kết để phục vụ đối tượng khách hàng chung. Chiến lược mới này sẽ hứa hẹn doanh số và lợi nhuận vượt trội của toàn tập đoàn trong những năm tới.
Ông có thể nói rõ hơn về chiến lược e-citizen?
Có thể gọi là chiến lược “Vì công dân điện tử”. Chúng ta đều thấy rằng, Internet đã và đang làm thay đổi toàn bộ thế giới. Các công dân và các tổ chức của thời đại Internet sử dụng điện thoại di động, PDA, Ipod, WiFi, ADSL, WiMax...
Mọi nơi, mọi lúc họ được kết nối với nhau, trong công việc, với việc sử dụng các dịch vụ được cá nhân hóa, thực hiện các giao dịch được tự động hóa, họ chính là những công dân điện tử, những khách hàng tiềm năng của thời đại Internet.
Chiến lược e-citizen của chúng tôi sẽ nhắm tới mục đích phục vụ họ, đem đến cho họ những dịch vụ hoàn hảo dựa trên những công nghệ thông tin viễn thông tiên tiến nhất.
TBKTVN
|