Thứ Tư, 26/12/2007 11:12

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Sẽ có một loạt giải pháp hỗ trợ người thu nhập thấp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, để hạn chế ảnh hưởng tăng giá đến đời sống người dân có thu nhập thấp, Chính phủ đề ra một loạt giải pháp như: cấp dầu, hỗ trợ tiền điện cho người dân vùng sâu, xa, dân tộc...

Bên lề cuộc họp Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch KT-XH và NSNN năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh “cơn bão giá” hiện nay.

Ông Ninh nói: Dự báo năm 2008 kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng cao,  bình quân  5,2%. Vì lẽ đó, đòi hỏi nguồn nguyên liệu rất lớn, do vậy giá sẽ tiếp tục tăng. Giá dầu vẫn giữ ở mức 80- 90 USD chứ không thể xuống dưới mức này được.

Chúng ta phải có đối sách để phù hợp với mặt bằng giá của thế giới. Công tác điều hành phải rất linh hoạt và theo tín hiệu của thị trường, đảm bảo cân đối vĩ mô. Trong đó chính sách tiền tệ là cực kỳ quan trọng, làm sao hấp thụ tốt nguồn vốn nước ngoài vào rất lớn.

Chúng ta đặt ra mục tiêu là phải đảm bảo tăng trưởng, ưu tiên cho tăng trưởng thì phải chấp nhận mức tăng giá. Nếu chúng ta hy sinh tăng trưởng để giữ giá thì lại không có ý nghĩa.

Thưa Bộ trưởng, có phải việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2007 tăng trên 12,63 % so với tháng 12/2006 là không lường trước được?

Đúng là trong dự báo có vấn đề. Kể cả dự báo thị trường thế giới và tác động của chính sách vào chỉ số giá tiêu dùng. Chúng ta vẫn nghĩ rằng có thể khống chế được, nhưng trên thực tế giá cả đã tăng rất cao. Phải thừa nhận rằng đó là do điều hành chưa thành công.

Bộ trưởng dự báo những mặt hàng nào sẽ tăng trong năm 2008?

Rõ ràng giá dầu trong nước sẽ phải theo thị trường chung, Nhà nước sẽ không bù lỗ. Nếu tiếp tục bù lỗ giá dầu sẽ dẫn đến hạch toán của các ngành không thực, không minh bạch. Nhiều người nói chúng ta không thể bao cấp cho tất cả các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài.

Giá than cho sản xuất lớn là điện, giấy, xi măng, phân bón vẫn đang bán dưới giá thành, sắp tới đây sẽ theo giá thị trường. Giá bán điện sẽ điều chỉnh chậm hơn. Giá điện cũng sẽ điều chỉnh để thúc đẩy đầu tư vào ngành này và tiến tới chống độc quyền.

Thưa Bộ trưởng, liên quan tới giá cả vì sao trong Báo cáo của Bộ Tài chính không so sánh với những nước tăng trưởng cao và chỉ số giá thấp, mà lại so sánh với Iran?

Những nước so sánh là tương đồng với chúng ta. Còn những nước tăng trưởng cao thì họ chủ động rất lớn về nguồn nguyên liệu. Có những mặt hàng chúng ta phải nhập tới 100%.

Như nước Mỹ tỷ lệ nhập khẩu trên GDP chỉ 19%, trong khi Việt Nam trên 80%. Mặt bằng giá của người ta khác với mình. Chúng ta phụ thuộc nguồn nguyên nhiên liệu nước ngoài. Trong khi giá tăng của nước ngoài chúng ta không thể khẳng định chắc chắn là bao nhiêu, nên phải có độ co giãn để Chính phủ điều hành.

Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là nâng cao đời sống người dân, hiện chúng ta phát triển kinh tế với tốc độ cao nhưng trên thực tế đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân đang đi xuống vì “cơn bão giá”, Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?

Tôi thừa nhận giá cả tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Nhưng giá lương thực, thực phẩm tăng tới 16- 17% thì cũng có một bộ phận người dân được lợi.

Ví dụ như giá cà phê, hồ tiêu, hạt điều tăng thì người trồng được lợi. Tuy nhiên, nhìn tổng thể rõ ràng là Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, để làm sao người thu nhập thấp chịu tác động ít nhất của việc giá cả tăng cao.

Cụ thể của những chính sách này là gì, thưa Bộ trưởng?

Để hạn chế ảnh hưởng tăng giá đến đời sống người dân có thu nhập thấp thì Chính phủ đề ra một loạt giải pháp. Ví dụ như cấp dầu, hỗ trợ tiền điện cho người dân vùng sâu, xa, dân tộc. Hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, sử dụng ít nguyên liệu để đánh bắt xa bờ. Nghiên cứu hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ tăng cường đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu… Giá tăng quá cao như thế rõ ràng việc điều hành của Chính phủ là chưa thành công. Nhưng nhìn tổng thể cân đối vĩ mô của chúng ta đều đảm bảo. Giá tăng nhưng không có mặt hàng nào sốt cục bộ, hoặc tăng đột biến. 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

TP

Các tin tức khác

>   Năm 2008: Tăng giá các mặt hàng chủ lực (26/12/2007)

>   Do "bội thực" USD? (26/12/2007)

>   Lạm phát năm 2007 lên tới 12,6%! (26/12/2007)

>   Cho vay 90% vốn mua nhà tại Dragon City (25/12/2007)

>   Thẻ ATM Agribank có "đặc quyền" với lương hưu? (25/12/2007)

>   Ngân hàng cổ phần khẳng định vị thế (25/12/2007)

>   Vàng, dầu “tăng nhiệt”, USD tiếp tục đi xuống (25/12/2007)

>   VPBank dự kiến đạt lợi  nhuận  trên 300 tỷ đồng (25/12/2007)

>   3 - 6 tháng mới điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần? (25/12/2007)

>   Thị trường vàng tăng giảm khó lường (25/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật