Do "bội thực" USD?
Hôm qua 25.12, tại hội thảo "Phân tích diễn biến giá cả, lạm phát năm 2007, dự báo giá cả, lạm phát năm 2008" do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đã coi tình trạng "bội thực" về USD là nguyên nhân cơ bản của lạm phát cao.
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Khánh Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả nêu lên nhiều nguyên nhân làm tăng giá trong năm 2007. Nhưng theo ông, yếu tố cơ bản gây nên lạm phát chủ yếu do "tiền quá nhiều". Ông Long nói: "Năm nay, tiền về quá nhiều, riêng kiều hối có thể lên đến 5 tỉ USD, cũng có nhiều nguồn thông tin nói có thể lên đến 7,5 tỉ. Nhà nước cũng chủ động tăng dự trữ ngoại hối. Hàng trăm ngàn tỉ đồng đã tung ra trong thời gian ngắn để hút USD thì làm sao không gây tác động lớn đến tăng giá hàng hóa, dịch vụ". "Trước đây, chỉ vài chục ngàn tỉ đồng tung ra thôi đã đủ làm khuynh đảo thị trường, thế mà năm nay tung ra nhiều thế, trong khi dân chỉ hơn 82 triệu" - ông Long nói thêm.
Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia của Tổ chức Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) ước tính: "Có ít nhất 15 tỉ USD đã đổ vào Việt Nam trong năm 2007 từ các nguồn: dịch vụ (du lịch) 4,6 tỉ USD; vốn FDI giải ngân 2,2 tỉ USD; vốn vay ODA 1,8 tỉ USD, cổ phiếu và trái phiếu 2,5 tỉ USD... Đó là nguyên nhân chính gây nên tình trạng lạm phát ở Việt Nam hiện nay". "Việt Nam dường như có tất cả các dấu hiệu của một nước tiếp nhận nhiều tiền mà không hấp thụ tốt: sự bùng nổ về xây dựng, tài sản, dự trữ ngoại tệ tăng, định giá cao tỷ giá hối đoái, lạm phát gia tăng..." - ông Ohno nói.
Theo vị giáo sư này, chính sách tài khóa của Việt Nam hiện nay mở rộng quá mức, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. "Dòng vốn nước ngoài cần được kiểm soát đúng và điều chỉnh nếu cần thiết nhưng nếu có quá nhiều can thiệp và kiểm soát nó lại tạo thành rào cản với nhà đầu tư nước ngoài và làm lỡ cơ hội thu hút đầu tư. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu, chọn lựa chính sách cụ thể để nắn dòng vốn nước ngoài chảy sao cho có thể kiểm soát được rủi ro mà không phải hy sinh tiềm năng phát triển" - ông Ohno kết luận.
Bình luận về những phát biểu của giáo sư Ohno, TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, tình trạng dư thừa ngoại tệ là một nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số giá cả (CPI) tăng nhanh trong năm 2007 mà do các yếu tố về giá cả trên thị trường thế giới, tình hình dịch bệnh trong nước... Cũng theo diễn giả này, việc các cơ quan nhà nước không có những dự báo tốt, không đối thoại với những doanh nghiệp có tác động lớn tới thị trường, việc điều chỉnh giá xăng dầu vào thời điểm chưa hợp lý với mức tăng giá cao... thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành giá cả.
Dự báo về tình hình giá cả, lạm phát trong năm 2008, TS Lê Quốc Lý, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán mức tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 9% và chỉ số CPI tăng từ 7,5 - 8%. Vì theo ông Lý, năm sau, các giải pháp quản lý chặt tổng phương tiện thanh toán, mức tăng trưởng tín dụng sẽ được phát huy cho dù giá cả trong nước sẽ còn chịu nhiều tác động lớn bởi các yếu tố: giá dầu, sức ép tăng giá trên thị trường thế giới... nhất là dự báo nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng.
Cũng phân tích trên các yếu tố như vậy nhưng ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) cho rằng, CPI sẽ tiếp tục tăng cao, dự báo CPI 2008 bằng 108,2 - 108,5% so với năm 2007. Còn ông Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Phân tích dự báo giá cả thị trường, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả dự đoán: chỉ số CPI tháng 12.2008 so với tháng 12.2007 sẽ ở mức 108,5 - 109%.
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước VN: "Không nên quá tập trung cho tăng trưởng"
"Nói về CPI năm 2007 chúng tôi thấy sau hơn 10 năm thì thuật ngữä lãi suất âm đã bắt đầu xuất hiện. Điều này đang thực sự trở thành nỗi nhức nhối trong cộng đồng dân cư. Sau 1 năm gia nhập WTO, người tiêu dùng Việt Nam không những không được hưởng giá rẻ theo cạnh tranh quốc tế mà còn bị lạm phát tăng. Ngoài ra, việc chống lạm phát gần như chủ yếu từ Bộ Tài chính và các bộ ngành, còn phía ngân hàng thì chưa được quan tâm ở chỗ vị thế Ngân hàng Nhà nước chưa được đặt đúng tầm quan trọng của nó. Tôi cho rằng, yếu tố lớn nhất dẫn đến lạm phát là dòng vốn nước ngoài vào mà Việt Nam không hấp thụ được. CPI tăng đến hơn 12% là một con số rất lớn so với tốc độå tăng trưởng 8,44%. Bài học rút ra cho năm 2008, theo tôi là phải ưu tiên cho chính sách tiền tệ thắt chặt, không nên quá tập trung cho tăng trưởng. Vừa rồi chúng ta tập trung cho tăng trưởâng nhưng năng lực hấp thụ kém, giải ngân chậm. Theo tôi, Ngân hàng Trung ương phải có một quyền lực mạnh để thực thi một chính sách tiền tệ mạnh để thực hiện chính sách điều hành lạm phát tốt hơn".
TN
|