Thứ Tư, 26/12/2007 06:43

Lạm phát năm 2007 lên tới 12,6%!

* Giá thực phẩm cả năm tăng hơn 21%

Theo Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 12 tăng tới 2,91%, không những cao nhất so với các tháng trong năm nay (kể cả tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán cũng chỉ tăng 2,17%), mà còn tăng cao nhất so với tốc độ tăng trong tháng 12 của mười mấy năm qua! Do giá  tháng 12 tăng cao như vậy, nên tính chung 12 tháng (tháng 12.2007 so với tháng 12.2006), giá tiêu dùng tăng 12,63%, cao nhất  trong 11 năm qua.

Với một số tiền 100 triệu đồng vào cuối năm ngoái, nếu "bỏ ống" thì đến cuối năm nay, tuy vẫn còn nguyên trên danh nghĩa là 100 triệu đồng, nhưng nếu tính giá trị thực (sức mua) cuối năm trước thì còn chưa được 88,8 triệu đồng. Nói một cách hình ảnh là "thuế lạm phát" đã lấy đi mất trên 11,2 triệu đồng. Con số "lừng lững" này cùng với con số nhập siêu khổng lồ (12,45 tỉ USD, bằng 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu) đã có thể bác bỏ được các điều mà một số nhà hoạch định chính sách của các cơ quan chức năng vẫn nói rằng "kinh tế vĩ mô ổn định" hay "lạm phát" và "nhập siêu" vẫn trong tầm kiểm soát.

Hầu hết 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều tăng. Điều đó chứng tỏ, bên cạnh những yếu tố mang tính khách quan (như giá cả quốc tế, một số mặt hàng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh,...) thì không thể không có yếu tố tiền tệ, không thể không có nguyên nhân từ việc điều hành chính sách tiền tệ - một điều mà các nhà hoạch định chính sách của một số cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính vẫn cứ muốn "đẩy trách nhiệm" cho nguyên nhân khách quan.

Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ, nhóm thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong "rổ" hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng) giá tăng cao nhất (tháng 12 tăng tới 4,69%, cả năm tăng tới 21,16%). Nhóm lương thực (nhóm chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong "rổ" hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng) có giá tăng cao thứ ba (tháng 12 tăng 2,98%, cả năm tăng 15,4%). Tình hình này tưởng rằng sẽ làm cho nông dân có lợi, nhưng đó chỉ là "được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa" - điệp khúc lặp đi lặp lại đối với người nông dân, một bộ phận đi trước nhất nhưng lại yếu thế nhất trong kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập.

Giá nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) tháng 12 tăng 3,28%,  cả năm tăng tới 17,12% (cao thứ hai sau nhóm thực phẩm). Thế là nhiều gia đình nếu trước đây sớm "tiến lên" đun nấu gas, dùng điện nhiều hơn thì nay "lùi lại" để đun than tổ ong, còn không khí có ô nhiễm hơn hay không thì đâu có ai nhìn thấy. Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã làm cho giá bất động sản tăng kép (tăng do giá đất tăng, tăng do giá xây dựng tăng), khác với các lần sốt trước chỉ có giá đất tăng. Tình hình trên làm cho những người thu nhập thấp khó có khả năng "cải thiện" nhà ở.

Giá phương tiện đi lại, bưu điện tháng 12 tăng 4,38%, nhưng nếu không kể giá bưu điện giảm (- 0,77%) thì giá phương tiện đi lại còn tăng cao hơn nữa, do giá xăng dầu tăng cao. Đây mới là tháng 12 giá xăng dầu trực tiếp tăng (vào cuối tháng 11), nhưng tác động dây chuyền đến các hàng hóa và dịch vụ khác trong thời gian tới sẽ còn rộng, lớn hơn nhiều.

Đáng lưu ý là tốc độ tăng giá tiêu dùng đã cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tiết kiệm, nhất là lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại nhà nước (lãi suất cả năm chỉ dưới 8%); ngay các ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất trên dưới 9%/năm thì cũng thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng. Có 100 triệu đồng gửi tiết kiệm vào cuối năm ngoái, nếu gửi vào ngân hàng thương mại nhà nước thì cuối năm nay rút ra chỉ được 108 triệu đồng danh nghĩa, nhưng tính theo giá cuối năm ngoái thì chỉ còn 95,9 triệu đồng, lãi đã bị thực âm mất 4,1 triệu đồng; nếu gửi vào ngân hàng thương mại cổ phần (với lãi suất trung bình khoảng 9,5%) thì cuối năm nay rút ra được 109,5 triệu đồng, nhưng nếu tính theo giá cuối năm ngoái thì chỉ còn 97,2 triệu đồng, tức là bị âm mất 2,8 triệu đồng.

Đã có nhiều lý giải về nguyên nhân làm cho giá tiêu dùng năm nay tăng cao. Những nguyên nhân mà một số nhà lãnh đạo các của các cơ quan chức năng đưa ra cũng không sai, nhưng chưa đủ và chưa trúng. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính nằm ở chỗ: tầm nhìn còn yếu, dự báo kém, việc điều hành chính sách tiền tệ còn lúng túng, chủ quan,... Đưa hàng trăm nghìn tỉ đồng ra mua USD, chắc chắn làm cho nền kinh tế đô la hóa lớn, nhưng việc hút tiền từ lưu thông về chậm, thì giá cả tăng mạnh là không tránh khỏi.

TN

Các tin tức khác

>   Cho vay 90% vốn mua nhà tại Dragon City (25/12/2007)

>   Thẻ ATM Agribank có "đặc quyền" với lương hưu? (25/12/2007)

>   Ngân hàng cổ phần khẳng định vị thế (25/12/2007)

>   Vàng, dầu “tăng nhiệt”, USD tiếp tục đi xuống (25/12/2007)

>   VPBank dự kiến đạt lợi  nhuận  trên 300 tỷ đồng (25/12/2007)

>   3 - 6 tháng mới điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần? (25/12/2007)

>   Thị trường vàng tăng giảm khó lường (25/12/2007)

>   CMC ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ba đối tác (25/12/2007)

>   Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 9% năm 2008 (25/12/2007)

>   ABB: Mở rộng cửa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn (24/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật