Phương thức dựng sổ: Xu hướng mới trong phát hành trái phiếu DN
Thị trường trái phiếu DN (TPDN) Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định kể từ năm 2006 trở lại đây. Thành công của đợt phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế tháng 11/2005 đã tạo đà cho các hoạt động phát hành TPDN trong nước, đồng thời thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Khối lượng TPDN phát hành đã tăng lên đáng kể: năm 2005, khối lượng phát hành đạt 1.600 tỷ đồng; năm 2006, con số này là 11.000 tỷ đồng; trong 10 tháng đầu năm 2007, khối lượng phát hành đã đạt gần 20.000 tỷ đồng. Tỷ trọng trái phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là khá lớn, đặc biệt là trái phiếu do các DN lớn phát hành như Vinashin, EVN, BIDV…
Có được thành công trên là do nhiều DN đã áp dụng phương thức dựng sổ để chào bán trái phiếu. Đây là phương thức được áp dụng khá phổ biến tại các quốc gia có nền tài chính phát triển. Ở Việt Nam, đầu năm 2006, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đi đầu trong việc áp dụng phương thức này để phát hành trái phiếu cùng với xây dựng tài liệu phát hành theo chuẩn mực trái phiếu châu Âu (Eurobond). Trái phiếu BIDV đã được phát hành thành công vượt mong đợi, có kỳ hạn dài nhất, khối lượng phát hành lớn nhất, được Tạp chí Tài chính châu Á (Finance Asia) bình chọn là Trái phiếu phát hành nội tệ tốt nhất năm 2006. Đến nay, cách thức này đã được áp dụng phổ biến trong các đợt phát hành trái phiếu lớn tại Việt Nam.
Chào bán trái phiếu qua phương thức dựng sổ là quá trình mà theo đó tổ chức ghi sổ (là tổ chức thu xếp và/hoặc tổ chức phát hành) dựng sổ dựa trên phản hồi, đăng ký nhu cầu từ các nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư lớn). Quá trình này sẽ giúp xác định khối lượng, lãi suất trái phiếu phát hành và phân bổ trái phiếu cho nhà đầu tư sát với thị trường hơn.
Mở sổ được bắt đầu cùng với thời điểm bắt đầu chào bán. Trong giai đoạn này, tổ chức thu xếp phát hành sẽ gửi công bố thông tin sơ bộ về đợt phát hành đến các nhà đầu tư tiềm năng, kèm theo các tài liệu chào bán cần thiết, với khối lượng và lãi suất định hướng được xây dựng trên hệ thống các giá trị quan hệ như lãi suất tham chiếu, hệ số tín nhiệm của tổ chức phát hành cùng yếu tố thị trường khác. Ví dụ, trái phiếu CII phát hành tháng 7/2007 đã đưa ra lãi suất định hướng từ 10 - 10,25%/năm, trái phiếu Vincom phát hành tháng 10/2007 có lãi suất định hướng là 10,3 - 10,5%/năm…
Trước khi mở sổ, tổ chức phát hành tự mình hoặc cùng với tổ chức thu xếp phát hành có thể tổ chức các buổi thuyết trình rộng rãi để đưa thông tin về đợt phát hành đến nhà đầu tư, đồng thời tổ chức các cuộc gặp gỡ riêng với một số nhà đầu tư tiềm năng nhằm thăm dò nhu cầu và tiếp nhận phản hồi cụ thể. Đây sẽ là nguồn thông tin giá trị để đưa ra lãi suất định hướng và định giá trái phiếu.
Tổ chức ghi sổ tiến hành vào sổ ngay khi nhận được phản hồi và đặt mua từ các nhà đầu tư. Quy mô của sổ phản ánh nhu cầu của thị trường và là chỉ số quan trọng để tổ chức ghi sổ tiến hành xác định cơ cấu, khối lượng, lãi suất trái phiếu phát hành một cách tối ưu. Nếu khối lượng đặt mua lớn hơn nhiều so với khối lượng chào bán thì mức lãi suất trái phiếu sẽ được xác định ở mức phù hợp ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi.
Sổ sẽ đóng khi tổ chức thu xếp tiếp nhận phản hồi đủ để đảm bảo chắc chắn về khối lượng phát hành với mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do điều kiện thị trường bất lợi, đợt phát hành không thu hút được sự quan tâm cần thiết của các nhà đầu tư, khối lượng phát hành không đạt mức dự kiến với mức lãi suất nhất định thì tổ chức thu xếp có thể kéo dài, tạm hoãn hoặc huỷ đợt phát hành.
Ưu thế của phương thức dựng sổ là luôn luôn thu nhận được nhu cầu thực của thị trường, từ đó cho phép tổ chức phát hành xác định cơ cấu, quy mô và lãi suất trái phiếu phù hợp với thị trường, đảm bảo đợt phát hành sẽ thành công.
Một ưu điểm khác của phương thức dựng sổ là giúp tổ chức phát hành lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp. Khi lập danh sách nhà đầu tư tiềm năng để chào bán trái phiếu, tổ chức phát hành sẽ lựa chọn tiếp cận đối tượng nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, tổ chức tài chính hay kinh tế… để đảm bảo cơ cấu nhà đầu tư thích hợp. Khi có kết quả, tổ chức phát hành sẽ phân bổ trái phiếu theo nhu cầu đăng ký của các nhà đầu tư với các nguyên tắc và định hướng phù hợp với mục tiêu dự kiến của tổ chức phát hành.
Ngoài ra, quá trình dựng sổ cho phép có sự trao đổi, tương tác giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, đồng thời cho phép các bên đàm phán, trao đổi để đưa ra phương án phát hành hiệu quả, hợp lý nhất.
ĐTCK
|