Ngân hàng bồi hoàn cho chủ thẻ 'vô cớ mất tiền'
Techcombank vừa chuyển hơn 2 triệu đồng vào tài khoản của anh Nguyễn Phương Đức, khách hàng khiếu nại vì vô cớ mất tiền, và sẽ tiếp tục tìm nguyên nhân số tiền này "không cánh mà bay" khỏi tài khoản của anh.
Chiều 20/12, hai ngày sau khi làm việc với đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), anh Đức nhận được tin nhắn điện thoại từ hệ thống tự động của nhà băng này thông báo, khoản tiền 2,075 triệu đồng bị trừ đã được chuyển trả lại vào tài khoản của anh.
Một đại diện của Techcombank cho hay, số tiền bồi hoàn đó được trích từ quỹ dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ. Trong lúc này, ngân hàng vẫn tiếp tục điều tra để tìm ra người đã rút tiền trong tài khoản của anh. Để tránh rủi ro, nhà băng đã khóa thẻ của anh Đức, nhưng sau đó hệ thống vẫn ghi nhận có giao dịch với tài khoản này trên ATM.
Trước đó, ngày 6/12, anh Đức, nhân viên một công ty tin học của Nhật, nhận được tin nhắn đã có giao dịch rút 2,075 triệu đồng từ tài khoản của mình. Khách hàng này khẳng định không hề giao dịch, vì lúc đó vẫn đang làm việc tại cơ quan. Bộ phận kiểm soát ra vào cơ quan cũng không ghi nhận anh đã rời nơi làm việc.
Tuy nhiên, dữ liệu được lưu lại trên hệ thống của Techcombank cho thấy có người đã sử dụng thẻ và giao dịch rút tiền này được thực hiện bằng thẻ Visa trên ATM của Ngân hàng Công thương (Incombank). Techcombank và Incombank không cùng liên minh thẻ, song với thẻ Visa, chủ tài khoản của Techcombank có thể giao dịch trên bất cứ ATM của ngân hàng nào trên thế giới nếu ngân hàng chấp nhận thẻ Visa.
Theo đại diện Techcombank, nếu sự việc do lỗi kỹ thuật của nhà băng thì khoản tiền mới được chuyển vào tài khoản là phần bù lại cho khách hàng. Còn nếu kết quả điều tra cho thấy trách nhiệm thuộc về phía chủ thẻ thì ngân hàng sẽ thu hồi khoản tiền. Riêng trong trường hợp có yếu tố bên ngoài gây ra sự cố, như việc làm giả thẻ, sự việc sẽ được đưa ra cơ quan điều tra để làm rõ.
Hiện nhà băng đã khóa cả hai thẻ thanh toán nội địa và thẻ Visa của anh Đức. Khách hàng này có tài khoản tại Techcombank và đăng ký sử dụng 2 thẻ, gồm một thẻ thanh toán trong nước và một thẻ Visa debit do thường xuyên phải đi công tác ở nước ngoài.
Theo anh Nguyễn Phương Đức, nhiều khả năng thẻ của anh bị làm giả, vấn đề chỉ là làm rõ thẻ bị làm giả trong nước hay ở nước ngoài khi anh đi công tác.
Theo thông báo chính thức của Techcombank với anh Đức, sau khi nhà băng này khóa 2 thẻ, trong ngày 8/12, vẫn có 2 giao dịch, một lần rút 2,020 triệu đồng và một lần 1,970 triệu đồng từ ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên, do thẻ đã bị khóa nên các giao dịch này không thực hiện được.
Ngoài ra, còn có một số lượt kiểm tra số dư trên ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Hiện Techcombank cũng đang đề nghị Vietcombank kiểm tra dữ liệu tại các camera để tìm ra người kiểm tra số dư. Anh Đức khẳng định, anh không hề sử dụng từ khi 2 thẻ này bị khóa.
Hiện Ngân hàng Công thương (Incombank) cũng đã cung cấp dữ liệu về giao dịch rút 2,075 triệu đồng từ tài khoản vào ngày 6/12.
Một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho hay, việc khách hàng khiếu nại không giao dịch song vẫn bị trừ tiền trong tài khoản xảy ra thường xuyên, song đa phần do người thân hay bạn bè sử dụng thẻ và số PIN để rút tiền. Riêng trường hợp chủ thẻ khẳng định không sử dụng, thẻ cũng đã bị khóa mà vẫn có giao dịch ít khi gặp.
Với thẻ thanh toán trong nước, khả năng mất dữ liệu ít xảy ra, vì các ngân hàng Việt Nam hầu như chưa chấp nhận thanh toán trực tuyến, những kẻ có ý đồ xấu vì thế không có cơ hội lấy cắp thông tin khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp người sử dụng đánh mất thẻ, hay kẻ xấu lắp thiết bị ngoại vi gần ATM để lấy dữ liệu khách hàng, nguy cơ bị làm giả vẫn khá cao.
Riêng với thẻ Visa, khi chủ thẻ thanh toán trực tuyến, kẻ xấu có thể xâm nhập hệ thống để lấy cắp dữ liệu và mua hàng trực tuyến bằng các dữ liệu đó, hoặc in thẻ để rút tiền từ ATM. Tuy nhiên, những kẻ này ít khi rút tiền trực tiếp từ ATM, vì sau vụ một nhóm người làm giả thẻ để rút tiền bị bắt, những kẻ này đã thận trọng hơn.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, chủ thẻ nên đổi số PIN 3-6 tháng một lần để tránh trường hợp bị người khác biết được số này để lợi dụng.
VnE
|