Thứ Ba, 25/12/2007 15:35

Mở cửa thị trường hàng không: Vươn lên “top 3” trong khu vực

Cuối tuần trước, hãng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức được cấp giấy phép thành lập. Với sự kiện này, tình trạng “độc quyền” của Vietnam Airlines và Pacific Airlines trong nhiều năm qua ở thị trường hàng không nội địa đã chấm dứt.

Hãng hàng không tư nhân đầu tiên

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, trong thời gian qua, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. So với mức tăng trưởng chung của ngành giao thông, vận tải hàng không tăng gấp 2,5 lần. Để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn, Bộ GT-VT đã xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng không đến năm 2020. “Chiến lược này xác định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cả 3 mặt: hạ tầng, đội bay và dịch vụ hàng không. Vì thế, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng không” -Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

Với quan điểm này, VietJet Air – hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã được cấp phép ngay sau khi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực. VietJet Air có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, khai thác vận chuyển hàng không trên cả đường bay nội địa và quốc tế. Số vốn điều lệ này cao hơn mức quy định của Chính phủ đối với hàng không khai thác đường bay quốc tế (là 100 tỷ đồng).

Tổng giám đốc VietJet Air, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, hiện hợp đồng thuê máy bay chưa được ký kết, song hãng dự kiến sẽ đưa một trong hai loại máy bay là Boeing 737 và Airbus A320 vào khai thác trên các tuyến bay.

Theo kế hoạch, chuyến bay thương mại đầu tiên nối Hà Nội - TPHCM của VietJet Air sẽ được thực hiện vào cuối năm 2008, hoặc chậm nhất là đầu 2009. Ngoài ra, hãng còn dự kiến sẽ bay đường bay Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng. Đường bay quốc tế dự kiến khai thác là Bangkok, Hồng Công và Singapore. Dài hạn hơn, VietJet Air sẽ cung cấp cả các chuyến bay tới CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản.

Sẽ có thêm các hãng hàng không mới

Sự tham gia của VietJet Air vào cuối năm 2008 sẽ tạo thế chân vạc trên thị trường hàng không nội địa với 3 đại gia: Vietnam Airlines (bao gồm cả VASCO), Pacific Airlines và VietJet Air. Hiện nay, Vietnam Airlines (vốn pháp định gần 6.000 tỷ đồng) vẫn chiếm tới hơn 80% thị phần vận chuyển nội địa. Tỷ lệ này có thể sẽ được thiết lập lại sau khi có thêm hãng hàng không thứ ba hoạt động.

Ông Robert Hughes, Giám đốc điều hành VietJet Air không ngần ngại cho biết tham vọng chiếm được thị phần lớn từ hai đối thủ cạnh tranh là Vietnam Airlines và Pacific Airlines, khi hãng đi vào hoạt động. “Một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đã được cổ phần hóa. Ngành hàng không cũng như vậy và làm cho việc khai thác hàng không có hiệu quả và năng suất tốt hơn” – ông Robert Hughes nói.

Mặt khác, sự ra đời của VietJet Air cũng sẽ mở đường cho các hãng hàng không tư nhân khác tham gia thị trường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến cho phép nghiên cứu thành lập Hãng hàng không Phú Quốc. Một số nhà đầu tư trong nước như CTCP Đầu tư T&C... cũng đang trong quá trình chuẩn bị thành lập hãng hàng không.

Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Chính phủ về chính sách phát triển hàng không giai đoạn tới. Trong đó nêu rõ, số lượng hãng hàng không mới được cấp phép trong giai đoạn từ nay đến 2010 chỉ nên hạn chế ở mức 2-3 hãng. Đồng thời, ưu tiên cấp giấy phép cho các hãng hàng không của nhà đầu tư trong nước, các hãng vận chuyển hàng hóa, chưa cho phép thành lập thêm hãng hàng không có vốn đầu tư liên quan đến các hãng hàng không nước ngoài.

Phấn đấu lên “top 3”

Để đạt được mục tiêu vươn lên vị trí thứ 3 trong khu vực như lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, việc thành lập thêm nhiều hãng hàng không để tạo ra một thị trường hàng không mang tính cạnh tranh cao là điều cần thiết. Việc Vietnam Airlines ký hợp đồng mua 30 máy bay của Tập đoàn Airbus cho thấy, hãng hàng không quốc gia đã dự tính trước. Ngay từ lúc này, thị trường hàng không Việt Nam đã bắt đầu dấy lên làn sóng cạnh tranh “ngầm”. Nếu doanh nghiệp nào không tự nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, sẽ thua.

Để tạo sân chơi lành mạnh cho thị trường hàng không, hạ tầng là một lĩnh vực cần được phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo quy hoạch, sau năm 2010, Việt Nam sẽ có cảng hàng không quốc tế lớn nhất ASEAN với diện tích 5.000 ha tại Long Thành (Đồng Nai), tổng mức đầu tư 4 tỷ USD, công suất 100 triệu khách/năm và một cảng hàng không trung chuyển hàng hóa đạt tầm khu vực tại Chu Lai (Quảng Nam). Các dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng sẽ có các bước tiến mạnh mẽ. Đây sẽ là những điều kiện quan trọng giúp Việt Nam thay đổi vị trí của mình trên bản đồ hàng không thế giới.

SGGP

Các tin tức khác

>   Đi tìm giải pháp tài chính cho nhà thầu điện (25/12/2007)

>   Saigontourist phối hợp với Fashion TV quảng bá du lịch VN (25/12/2007)

>   Hải Phòng bàn giao tàu hàng 22.500 tấn (25/12/2007)

>   Nestlé hỗ trợ cà phê Việt Nam (25/12/2007)

>   Mục tiêu xuất khẩu sang Mỹ năm 2008 (25/12/2007)

>   Tổng quan xuất nhập khẩu, nhập siêu 2007 (25/12/2007)

>   27 công ty XK cá tra, basa của Việt Nam được rút khỏi đề nghị xem xét hành chính (25/12/2007)

>   Giá nông sản tăng, nhà nông mừng ít, lo nhiều (25/12/2007)

>   Biện pháp nào để kim ngạch xuất khẩu 2008 tăng 22% so với năm 2007 (25/12/2007)

>   Pacific 'đòi' Vietnam Airlines phải hầu tòa (25/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật