Giá nông sản tăng, nhà nông mừng ít, lo nhiều
Gần hết năm, trên thị trường giá nhiều loại nông sản, thực phẩm tăng, người dân làm nông nghiệp thu nhập dù có cao hơn, nhưng vẫn chưa thật vui vì hầu hết các loại vật tư nông nghiệp, các loại sản phẩm "đầu vào" cũng tăng giá chóng mặt.
Xoay xở hướng làm ăn mới
Cách trung tâm TP Hà Ðông tầm 20 km, thôn xóm làng nghề vùng ven sông Ðáy ở xã Minh Khai, huyện Hoài Ðức (Hà Tây) rộn ràng vào vụ sản xuất. Hai bên đường đê, chỗ nào cũng có những "sân phơi nổi" dựng bằng tre nứa, phía trên rải đầy miến dong, bún, phở tươi chờ nắng hong khô.
Lối vào sân nhà hai bác Ðỗ Ðức Tuấn và Phạm Thị Cương ở đội 2 dường như mất cả tầm nhìn bởi các giàn phơi nối nhau ra tít đầu xóm. Chỉ đàn gà choai suýt soát 150 con trước sân, người nông dân mấy năm trước được coi là chủ "trang trại lợn" hàng trăm con ở địa phương, xoa tay nói, đây là món hàng chờ "om" thêm tháng nữa mới xuất chuồng! - Năm nay tôi mới nuôi thử gà đàn thay cho nuôi lợn bị dịch bệnh liên miên, lãi kém. Bác Tuấn nói.
Nói chuyện chăn nuôi, cả hai bác Tuấn và Cương cho biết, từ giữa năm tới nay, khi các loại thức ăn gia súc, gia cầm tăng giá, gia đình phải thay đổi "cách nuôi" để không bị lỗ. Thay vì mua loại thức ăn tổng hợp, hằng ngày bác gái đi gom số thức ăn thừa ở hàng cơm phở xóm ngoài mang về. Số thức ăn tận dụng này trộn lẫn cám gạo, cho lẫn mấy loại rau trồng trong vườn nhà. - Nấu cám bằng rau, ngô nghiền rẻ hơn "cám cò" (loại cám công nghiệp). Bác Tuấn cho biết, sau đợt lợn dịch tai xanh, nhiều hộ trong xã chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm, thủy cầm.
Bên cạnh chăn nuôi, gia đình bác Tuấn và hơn 1.200 hộ dân thuộc mười xóm trong xã Minh Khai mấy tháng qua nhộn nhịp vào vụ cao điểm, tập trung mọi nguồn lực làm miến dong, mạch nha, bún khô, phở khô, đỗ xanh, các loại bánh kẹo... Sản phẩm của bà con nông dân Minh Khai đã có mặt tại nhiều chợ ở Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Thông qua một số doanh nghiệp xuất khẩu, các loại bún, miến nơi đây đã sang tới thị trường các nước khu vực Ðông Âu.
- Làng nghề năm nay gặp khó khăn do nguyên liệu thiếu. Nguồn sắn, củ dong riềng thời gian qua cung cấp cho các nhà máy mua với số lượng lớn, phần khác bị thu gom "xuất" sang Trung Quốc, nên càng đắt. Ðồng chí Ðỗ Trung Hải, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết thêm.
Dù khó khăn, bà con nông dân ở đây mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường trước Tết, đa dạng hóa các loại sản phẩm. Anh Ðỗ Xuân Trường, một chủ doanh nghiệp ở Minh Khai cho biết, để bù đắp chi phí sản xuất, cơ sở sản xuất ngoài việc sản xuất mỗi ngày 3 - 4 tạ bánh bim bim truyền thống nhãn hiệu "Chíp chíp giòn", đang huy động anh em làm hơn một tấn bún, phở khô/ngày. - Giá cả tăng, tiền lãi thấp hơn năm ngoái, chúng tôi phải tìm mặt hàng mới thay thế, vừa giải quyết lao động dôi dư, vừa hướng vào thị trường xuất khẩu có hiệu quả. Anh Trường nói.
Hộ nghèo thiệt hơn
Xoay quanh câu chuyện trượt giá ảnh hưởng tới đời sống bà con nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tây Ðặng Hữu Khiếu cho rằng, giá trị thực từ thu nhập mất cân đối trong khi phải chi tiêu quá nhiều khoản, "nhà nông hiện nay đang khó". Thực tế giá nông sản, lương thực, thực phẩm tăng, nhưng bà con chưa cải thiện được cuộc sống. Ông Khiếu phân tích: Giá thóc năm ngoái ở mức 2.500 đồng, nay 3.000 đồng/kg; lợn hơi năm ngoái hơn 20 nghìn, năm nay tăng lên 30 nghìn đồng/kg. Vậy mà, đầu năm mua bao thức ăn tổng hợp để nuôi lợn chỉ 210 nghìn đồng, nay lên tới 280 nghìn/bao, đắt hơn 70 nghìn/bao, tăng gần một phần ba (!) - Trượt giá ghê quá, khổ cho hộ bám ruộng, cả mấy ông chăn nuôi nữa. Ông Khiếu nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, tình hình giá cả thị trường trong thời gian qua đã tác động sâu sắc đến hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn, Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn): Khi có biến động về giá cả, thực tế bà con nhiều vùng quê thường "tự sản, tự tiêu", nhu cầu sinh hoạt chủ yếu dựa vào "cây nhà, lá vườn", nên sức ép chi tiêu đỡ hơn so với người dân ở thành thị. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất phải mua nhiều loại vật tư, trong khi không có nhiều sản phẩm để bán ra thị trường, thiếu tiền mặt, những hộ nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn. Với những hộ khá có vốn làm ăn, lại có nhiều sản phẩm bán ra với giá cao dịp này, ít bị tác động hơn.
Một số chuyên gia kinh tế và cán bộ ngành nông nghiệp cũng cho rằng, người nông dân còn phải chịu thiệt trước cảnh trượt giá do sản phẩm của ngành công nghiệp tăng nhanh hơn so với giá các mặt hàng ngành nông nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu, thu nhập trung bình của hộ dân vùng đồng bằng sông Hồng trong bốn năm qua tăng gấp đôi, chỉ vừa đủ bù mức tăng giá. - Do đó mức tăng thu nhập trừ lạm phát của nhà nông gần như dậm chân tại chỗ. Ðồng chí Lê Ðức Thịnh, Trưởng Bộ môn hệ thống nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phân tích thêm: Khó khăn đối với nông dân từ dăm năm trở lại đây diễn ra khi giá các loại vật tư tăng liên tục trong một năm. Sự tăng giá ấy, chủ yếu tăng "đầu vào". Nhiều loại vật tư nông nghiệp (như phân đạm) tăng 2- 3 lần, trong khi giá "đầu ra" các loại nông sản lại chỉ tăng khoảng 1,3 lần.
Có thể nói, giá phân bón tăng nhiều là một trong những vấn đề làm bà con nông dân lo lắng. Ðồng chí Nguyễn Ðình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho biết, từ tháng 3 đến tháng 11-2007, các loại phân bón chủ chốt trên thị trường thế giới như u-rê, ka-li, DAP... đều tăng, ảnh hưởng thị trường phân bón trong nước. Các loại phân bón sản xuất trong nước tăng giá bán sỉ từ 20 đến 30%. Trong khi đó, cuối năm ngoái đến nay, giá các loại phân bón nhập khẩu trên thị trường thế giới đã tăng nhiều, như u-rê, 59 - 72%; DAP, 89 - 92%; ka-li, 73 - 86%; xun-phua, 200 - 308%... Theo đồng chí Thúy, cả nước hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất hơn bốn triệu tấn và kinh doanh xuất, nhập khẩu khoảng ba triệu tấn phân bón các loại, với hơn 10 nghìn đại lý trong lĩnh vực này.
Bên cạnh tình hình giá cả thị trường bấp bênh, những hộ nông dân làm ăn nhỏ lẻ bị bất lợi, nhiều người cho rằng, biến động giá mang lại một số yếu tố tích cực, như góp phần thúc đẩy sức sản xuất, thay đổi cơ cấu hệ thống sản xuất. Theo khảo sát ở một số tỉnh phía bắc, dăm năm trước, có tới 70% số gia đình nông dân nuôi lợn dưới 10 con, gần 30% hộ nuôi nhiều hơn 10 con, chỉ 1- 2% số người nuôi dưới 100 con, dần bỏ chuồng không nuôi nữa, vì không có lãi. Nay cơ cấu thay đổi, phần lớn bà con nông dân trong lĩnh vực này "trụ được" đã và đang theo mô hình làm trang trại quy mô vừa và lớn, làm ăn bài bản.
Trước tình hình biến động giá cả như hiện nay, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh một số thủ tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tránh hiện tượng đầu cơ, tạo hiện tượng "khan hàng, đẩy giá" vật tư nông nghiệp. Vấn đề tăng cường kiểm tra chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ bà con nông dân, như các loại phân bón, cũng cần được quan tâm. Vì trong thời điểm hiện nay, bà con nông dân rất dễ mua phải hàng kém chất lượng, hàng "nhái".
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần xem xét tăng mức trợ giúp cho bà con vùng bão lụt, vùng sâu, vùng xa vượt qua khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều hộ nông dân sau đợt thiên tai triền miên vừa qua bị mất mùa, thiếu lương thực, nay chuẩn bị vào vụ mới không đủ tiền mua phân bón, vật tư nông nghiệp để sản xuất.
ND
|