Bán cổ phần cho công đoàn: tính sao cho hợp lý?
Sau nhiều đề nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ cho phép tổ chức công đoàn tại DN CPH được mua cổ phần tối đa 3% vốn điều lệ, song trên thực tế 6 tháng kể từ khi Nghị định có hiệu lực, không một tổ chức công đoàn nào đủ khả năng thực hiện quyền lợi trên. Lý do là họ phải sử dụng nguồn quỹ hợp pháp nếu muốn mua cổ phần và oái ăm hơn là số cổ phần đó không được chuyển nhượng.
Câu chuyện bán cổ phần cho công đoàn và người lao động (NLĐ) trong các DNNN CPH nóng lên khi tới đây Vietcombank bán cổ phần. Theo quy định, công đoàn cũng có thể tham gia mua cổ phần, thể hiện quyền làm chủ DN song quyền lợi như vậy chỉ “có tiếng mà không có miếng”. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, nguồn vốn sẵn có của công đoàn rất eo hẹp, nếu mua cổ phần, đây cũng được coi như một hoạt động đầu tư và cần có lợi nhuận. Lợi nhuận được tạo ra do chuyển nhượng cổ phiếu, song Nghị định 109 lại yêu cầu số cổ phiếu đó không được chuyển nhượng. Nếu chỉ mua cổ phần và hy vọng vào cổ tức thì với giá cổ phần gấp 10 lần như hiện nay, cổ tức trung bình 17%, thậm chí 20% cũng không có gì hấp dẫn, chưa kể biến động trên TTCK rất lớn, giá cổ phiếu có thể giảm mạnh.
Bà Trịnh Thị Tuyết Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn nói thẳng: “Công đoàn làm gì có tiền mà mua cổ phần, nói gì đến nắm giữ mãi”. Mà ngay cả trong trường hợp có tiền cũng khó mua được cổ phần vì Nghị định chỉ nói chung chung là tiền mua cổ phần bằng nguồn vốn hợp pháp (không huy động, vay vốn), còn hợp pháp thế nào cần được Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn, song Nghị định đã ban hành gần nửa năm mà vẫn chưa có hướng dẫn.
Một điểm khó cho công đoàn ở chỗ, giá mua được ưu đãi bằng 60% giá trúng thầu bình quân của phiên đấu giá. Tuy nhiên, với phương thức đấu giá cổ phần như hiện nay, có thời điểm, giá đấu bình quân được đẩy lên rất cao. Hiện cũng chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc xác định giá trúng bình quân có tính tới khả năng bỏ cọc của những nhà đầu cơ suất mua, mà chỉ có một số đợt đấu giá được xác định lại trên cơ sở ý kiến của ban chỉ đạo CPH. Điều này đồng nghĩa với việc công đoàn phải chấp nhận mức giá bao hàm cả yếu tố đầu cơ, mua và nắm giữ cổ phần do đó là quyết định quá mạo hiểm.
Ông chủ hay người làm thuê
Một vấn đề được các DN lớn quan tâm là tỷ lệ cổ phần bán cho NLĐ. Nghị định 109 giới hạn lượng cổ phần NLĐ được phép mua, theo đó NLĐ có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm công bố giá trị DN CPH được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc.
Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, quy định này có nguy cơ biến “người làm chủ giả vờ thành người làm thuê thực thụ”. Ông Hà cho biết, nếu tính theo thâm niên, tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của CBCNV tại BIDV chỉ khoảng 0,7%. Với tỷ lệ này, không cẩn thận thì từ Tổng giám đốc đến Chủ tịch HĐQT “ra đường”. Cụ thể, theo quy định hiện nay, Tổng giám đốc nhiều năm cống hiến cho BIDV như ông Hà cũng chỉ được mua khoảng 25 triệu đồng giá trị cổ phần. Chính điều này không tạo động lực khuyến khích được NLĐ. “BIDV đã đề xuất Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của NLĐ trong Ngân hàng”, ông Hà nói.
Ngoài đề xuất tăng tỷ lệ cổ phần bán cho NLĐ như BIDV, Vietcombank còn có văn bản đề nghị Chính phủ dành một tỷ lệ nhỏ bán cho cán bộ đã về hưu, với quan điểm một DN có bề dày hoạt động 45 năm như Vietcombank, thành công như ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có. Tuy nhiên, ông Bình cho hay, câu trả lời từ Chính phủ là chiểu theo Nghị định 109 mà thực thi.
Trở lại câu chuyện bán cổ phần cho công đoàn, mới đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài chính và kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định trong Nghị định 109 theo hướng cho phép công đoàn huy động vốn mua cổ phần và chỉ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Đề nghị này sẽ mở ra cơ hội cho các tổ chức công đoàn dễ dàng trở thành cổ đông chiến lược của DN, tuy nhiên nhìn từ bên ngoài vẫn có những băn khoăn với đề xuất trên. Thứ nhất, nếu cho phép công đoàn huy động vốn thì với giá mua ưu đãi bằng 60% giá trúng thầu bình quân sẽ không thiếu những tổ chức, cá nhân sẵn sàng cho công đoàn vay vốn để chung tay đầu tư cổ phiếu. Trường hợp đầu tư có lợi nhuận không có gì đáng ngại, trong trường hợp giá cổ phiếu giảm, thua lỗ ai sẽ gánh rủi ro hay công đoàn lại tạo cơ hội cho một ai đó núp bóng đầu tư. Hơn nữa, công đoàn là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi NLĐ, “mở” như vậy thì công đoàn có khác chi một tổ chức đầu tư. Cho phép công đoàn được mua cổ phần và được chuyển nhượng là hợp lý, song để tổ chức này được huy động vốn mua cổ phần, thiết nghĩ cần phải được nghiên cứu, xem xét kỹ.
ĐTCK
|