Thứ Ba, 11/12/2007 07:06

Giá đất lên, coi chừng bị lật lọng !

Tại Hà Nội trong 2-3 tháng gần đây, khi giá nhà đất lên cao, đã xảy ra tình trạng một số chủ đầu tư bội tín với khách hàng.

Cổ phần hóa xong là phủi tay

Tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nghĩa Đô do Công ty Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, một số hộ dân đã đóng góp hàng tỉ đồng để góp vốn mua nhà vườn tại dự án. Tuy nhiên, vừa qua họ đã được yêu cầu nhận lại tiền, sau khi công ty này đã cổ phần hóa trở thành Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội.

Ông Nguyễn Đào Sơn, đại diện cho 3 hộ dân cho biết: "Theo công văn do ông tổng giám đốc của công ty mới ký gửi chúng tôi về việc góp vốn mua nhà, chúng tôi đã gấp rút bán nhà, bán tài sản, vay mượn các nơi để đóng đủ tiền tương tương 50% giá trị hợp đồng theo đúng yêu cầu. Chúng tôi đã nộp bằng hình thức chuyển khoản và nộp tiền mặt mỗi nhà từ 1,6-2 tỉ đồng, có phiếu thu rồi nhưng không hiểu lẽ gì, bây giờ công ty lại yêu cầu nhận lại tiền và từ chối bản hợp đồng đã ký trước đây ?". "Họ nói có vi phạm là không có đơn xin góp vốn, rồi không đóng đủ tiền đặt cọc, nhưng thực tế là tôi đã làm đủ các thủ tục này", anh Sơn bức xúc nói và trình bày đủ bằng chứng với phóng viên Thanh Niên.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Nhật Thao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 về việc này. Cụ thể trường hợp của ông Nguyễn Đào Sơn, ông Thao chỉ giải thích một cách lạnh lùng là: "Bản hợp đồng mà ông Sơn ký với Công ty Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội là việc của ông Sơn với công ty này. Chúng tôi chưa hề ký một hợp đồng bán nhà cho ai vì phải tuân thủ pháp luật". Giải thích vì sao ông lại ký công văn gửi ông Sơn về việc đóng tiền, ông Thao lại nói rằng : "Đó là sự nhầm lẫn của phòng kinh tế kế hoạch (?). Khi thấy có khoản 1,9 tỉ đồng được nộp từ ông Sơn, chúng tôi đã có đề nghị chuyển lại cho người nộp".

Như vậy, phải chăng một công ty khi đã hoàn thành cổ phần hóa có thể phủ nhận sạch trơn những hợp đồng đã ký với các khách hàng trước khi tiến hành cổ phần hóa ?

Không nộp thêm thì nhận lại tiền + lãi

Một vụ lật lọng khác: năm 2001, Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội (nay là Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội) có ký một hợp đồng nguyên tắc huy động vốn của 100 người dân để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu. Khi đó, giá đất được tính cho các hộ là 2,5 triệu đồng/m2 và các hộ đã nộp 45% theo các đợt thông báo và đã ghi trong hợp đồng. Đây mới chỉ là giá đất chứ chưa hề tính giá trị phần xây thô, và nếu xét vào thời điểm năm 2001, thì mức giá này cũng không phải là rẻ.

Nhưng đến ngày 8.11.2007, công ty này bất ngờ tổ chức họp dân và thông báo tính giá mới 10.765.000 đồng/m2, và yêu cầu các hộ nộp ngay trong khoảng 10 ngày, nếu không sẽ hủy hợp đồng cũ và trả lại tiền cho các hộ, cộng với lãi suất ngân hàng với các khoản đã đóng góp. Đây quả thực là một sự lật lọng trắng trợn của Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển nhà và đô thị Hà Nội. Đã có ít nhất 50 hộ dân cùng ký vào một lá đơn phản đối cách làm trên của công ty này. Hiện nay chưa có hộ nào nộp tiền, và thấy tình hình căng thẳng, phía Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển nhà và đô thị Hà Nội đã phải thay đổi thái độ, đang thỏa thuận lại với dân để đi đến một giải pháp chung.

Việc các chủ đầu tư đơn phương phá bỏ hợp đồng đã ký thường do mức đóng góp nhiều năm trước của người dân không đủ đem lại lợi nhuận, trong khi giá nguyên vật liệu xây dựng, giá nhà đất biến động mạnh. Trong trường hợp các doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần như hai ví dụ nêu trên, có thể còn có thêm yếu tố sức ép của cổ đông và hội đồng quản trị mới. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư thản nhiên hủy bỏ các hợp đồng đã ký với dân, không kế thừa các quyền và nghĩa vụ của công ty tiền thân đối với khách hàng là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

TN

Các tin tức khác

>   Sắp xếp lại nhiều doanh nghiệp nhà nước (11/12/2007)

>   62 công ty chứng khoán làm đại lý đấu giá VCB (11/12/2007)

>   Thêm 2 Cty được chấp thuận niêm yết (10/12/2007)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Miền Đông (10/12/2007)

>   Về việc phát hành cổ phiếu của CTCP Nông dược Hai (10/12/2007)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Sông Đà – Thăng Long (10/12/2007)

>   Thị trường lo ngại Vietcombank IPO giá thấp (10/12/2007)

>   Bán đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty Cao su Phước Hòa (10/12/2007)

>   Thông báo đấu giá bán cổ phần của Công ty Liên doanh Bao bì Hà Tiên (10/12/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Cảng Đồng Nai (10/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật