Thị trường tiếp tục giảm mạnh: Chờ đợi hay mua vào?
Các sàn chứng khoán trở nên thưa vắng khác hẳn những ngày thị trường sôi động. Không khí trở lại những ngày thị trường ảm đạm sau chuỗi ngày Vn-Index mất điểm.
Hầu hết khuôn mặt NĐT đều trở nên căng thẳng khi Vn-Index mất đến 15,23 điểm trong phiên điều chỉnh sâu ngày 20.11, kéo chỉ số này xuống còn 983,15 điểm.
Căng thẳng
Nỗ lực của phiên tăng nhẹ ngày 19.11 chỉ là sự "hồi phục giả" của thị trường, điều này càng khiến NĐT thêm thất vọng và căng thẳng. Một NĐT trên sàn Quốc tế chán nản: "Cứ "đỏ sàn" thế này thì không thể mua bán gì được".
NĐT này tỏ ra thất vọng rằng đối với những NĐT nhỏ lẻ vốn ít khi thị trường lên xuống bất thường và đặc biệt là những phiên điều chỉnh sâu như phiên ngày 20.11 này thì rất khó có sự lựa chọn trong việc quyết định mua hay bán.
Theo anh, nếu bây giờ mới bán thì mức lỗ đã lên tới mấy chục phần trăm, nếu mua vào trong thời điểm này khi giá các CP đã xuống đến mức có thể coi là hợp lý thì cũng chưa có thông tin nào đảm bảo thị trường sẽ hồi phục trong tương lai ngắn.
Cũng trên sàn này, chị Nguyên đã quyết định đặt lệnh bán hết 1.000 CP mã UNI vừa mua trong phiên ngày 14.11 khi thị trường có dấu hiệu của sự hồi phục. Mặc dù vào đầu phiên giá của CP này đang được khớp ở mức 145.000 đồng/CP nhưng để chắc chắn chị chỉ ghi trong lệnh bán giá 141.000đồng/CP với hy vọng thu hồi được vốn cho dù phải chịu lỗ.
Anh Hòa, NĐT trên sàn Agriseco chia sẻ: "Tôi chưa thấy có thông tin gì có thể cải thiện được sự lình sình của thị trường hiện nay. Có lẽ phải sang đến tháng 12 mới có thể khả quan hơn".
Anh Xuân, NĐT mới bước chân vào TTCK gần một năm nay, sau khi bán cắt lỗ còn nắm giữ ba mã CP, trong đó FPT khiến anh "đau đầu" nhất. Bởi lúc nào anh cũng "lót gối" vài nghìn CP này.
Mặc dù tình hình kinh doanh của Cty không đáng lo ngại nhưng khi giá CP liên tục xuống dốc không phanh từ 275.000 đ/CP xuống 260.000 đ/CP rồi đến 249.000 đ/CP thì buộc anh phải bán ra. Sau khi bán dần đuổi theo giá trong tài khoản của NĐT này vẫn còn 200 CP FPT với giá đóng cửa phiên 20.11 là 246.000 đồng/CP.
Lời giải cho sự sụt giá
Khi Vn-Index liên tục đi xuống, nhiều NĐT đã bán tháo CP cắt lỗ với hy vọng bảo toàn nguồn vốn. Anh Hòa, sàn Agriseco cho rằng trong giai đoan này sự kiên nhẫn là điều quan trọng. Bởi theo anh khi mọi thông tin đều trở lên bất lợi đặc biệt là thông tin đánh thuế thu nhập từ đầu tư CK đến 25% thì Vn-Index chưa thể hồi phục được.
NĐT này cũng cho rằng thông tin về đợt IPO của VCB thì không được mấy NĐT cá nhân quan tâm bởi NĐT nhỏ lẻ không thể cạnh tranh được với những "đại gia" vốn lớn, còn việc NĐTNN tăng mua trong những phiên gần đây cũng là điều hết sức bình thường bởi với nguồn vốn lớn khi mà giá CP trở nên hợp lý thì các quỹ này mua vào tăng nguồn dự trữ là một tất yếu đối với phương thức đầu tư theo giá trị.
Tuy nhiên, các CTCK luôn theo dõi và phân tích sát sao những diễn biến thị trường cho rằng không có một yếu tố nào thực sự tác động tiêu cực đến thị trường. Về kỹ thuật, nếu cho rằng các yếu tố như: NHNN chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ thị 03, IPO Vietcombank và các Cty lớn chậm, tỉ lệ trượt giá trong năm cao, TTCK thế giới sụt giảm..., đã "làm xấu" thị trường là không thuyết phục.
Ông Lê Văn Minh, GĐ chi nhánh CTCK NH Nông nghiệp tại TPHCM, cho biết: Chỉ thị 03 ban hành đã cách đây nửa năm, NHNN chưa bao giờ đề cập đến chuyện sửa đổi, nay tiếp tục thực hiện cũng là chuyện bình thường.
Hiện nay một số NH thương mại nhà nước đã bắt đầu tham gia cho vay cầm cố CP và tạo thêm nguồn vốn. Sự kiện IPO Vietcombank nếu có tác động cũng chỉ mang tính tương đối đến giá một số CP NH.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng nếu đem giá dự đoán CP Vietcombank làm thước đo cho giá CP các NH khác là rất khập khiễng. Tốc độ trượt giá trong năm tuy cao nhưng cũng chưa tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động của các DN.
Ông Lê Văn Minh và một số chuyên viên Cty CK khác đều công nhận là các yếu tố trên được thường xuyên nhắc đến trên các phương tiện thông tin đã ít nhiều tác động đến tâm lý NĐT và làm giảm giá CP. Một số CP giảm giá sâu buộc những người vay NH phải bán ra trả nợ và kéo theo hành động bán ra của những NĐT khác.
Theo LĐ
|