Nga nóng lòng trước chứng khoán Việt
Với tốc độ tăng trưởng hơn 8%/năm, Việt Nam đang là một thị trường đầy năng động và hứa hẹn đối với bất kỳ nhà đầu tư nào. Với riêng các nhà đầu tư Nga, thị trường Việt Nam còn được đánh giá cao bởi vai trò ngày càng lớn mạnh trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.
Đó cũng là lý do chính khiến cho hơn 130 nhà đầu tư, đại diện các công ty lớn của Nga và nước ngoài đang hoạt động tại Nga trong nhiều lĩnh vực như đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải, thăm dò khai thác khoáng sản... quyết định tới Việt Nam để khảo sát đầu tư từ ngày 19-23/11/2007.
Buổi hội thảo "Cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Nga" do Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Tập đoàn Đầu tư tài chính Metropol diễn ra vào chiều ngày 19/11/2007 là một hoạt động đầu tiên của đoàn tại Việt Nam. Ngay sau Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Nga cũng sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đối tác Việt Nam để cân nhắc những cơ hội đầu tư mới.
Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 35% GDP
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, qua 8 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với 217 doanh nghiệp niêm yết và giá trị vốn hóa thị trường tại hai thị trường niêm yết Hà Nội và Tp.HCM lên đến 29 tỷ USD vào cuối quý 3/2007, tương đương khoảng 35% GDP.
Sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ qua hai chỉ tiêu quan trọng: tỷ trọng giá trị giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 40-60% tổng giá trị giao dịch của thị trường niêm yết và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng lên, và đạt mức tối đa cho phép là 49% ở nhiều doanh nghiệp blue-chip.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc BVSC nhấn mạnh rằng, sự phát triển nền kinh tế vĩ mô cũng đã ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Từ năm 2002 đến 2006, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm luôn đạt trên 8% trong khi tỷ lệ lạm phát được đảm bảo ở mức 6%. Sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập WTO trong năm 2006 cũng đánh dấu một bước phát triển mới cho nền kinh tế, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, sự lớn mạnh và trưởng thành nhanh chóng của các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân đã chứng tỏ khả năng hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam như tài chính, ngân hàng, bất động sản, xây dựng cơ bản đóng góp một tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP.
Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23,2%/năm trong giai đoạn 2002- 2006. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tư nhân, cá thể và đầu tư nước ngoài) ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của nhóm này luôn tăng trung bình 0,5%/năm từ 1995 đến 2006 chứng tỏ những nỗ lực thành công của Việt Nam trong công cuộc chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường.
Chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp lớn là những lĩnh vực đầu tư đang được các nhà đầu tư Nga đánh giá cao. Chính vì vậy, họ sẵn sàng hỗ trợ phát hành cổ phiếu của các công ty Việt Nam ra thị trường thế giới, một lĩnh vực sẽ có lợi cho cả đôi bên. Với tinh thần sẵn sàng hợp tác nghiêm túc và lâu dài với các đối tác Việt Nam, các doanh nghiệp Nga có thể đầu tư vào các dự án từ 100 triệu đến 5 tỉ USD.
Theo ông Philip Townsend, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Tập đoàn đầu tư tài chính Metropol, bản thân Nga cũng là một thị trường hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng GDP là 7%/năm với thế mạnh là luyện kim, khai thác mỏ, khí đốt... và Việt Nam là một nước có quan hệ văn hoá với Nga cũng là một thị trường mà Nga quan tâm. Ông Philip Townsend cũng nhấn mạnh rằng những ngành mà Việt Nam đang phát triển như ngân hàng, bất động sản, đặc biệt là các công ty điện và viễn thông sẽ niêm yết thời gian tới.
Hai nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng
"Nền kinh tế của Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế Nga. thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động giống như thị trường Nga 20 năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng của các công ty trên thị trường chứng khoán Nga rất cao. Các công ty viễn thông có thể tăng 100%/năm. Do nhà đầu tư Nga đã có kinh nghiệm, có thể dự báo diễn biến thị trường nên họ rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Philip Townsend cho biết thêm.
Còn ông Vladislav Savkin, đại diện Công ty quản lý quỹ East Guardian, một người đã từng có thời gian làm đại diện cho một ngân hàng Nga ở Việt Nam chia sẻ: "Thị trường của các bạn năng động, có nhiều cơ hội tiềm năng. Trong 2 năm qua, thị trường có tính thanh khoản cao và nhiều cơ hội trong năm tới khi hàng loạt các đợt IPO lớn. Trong hơn một năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động và bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. Còn về dài hạn, nhìn vào các dòng tiền từ các quỹ nước ngoài đổ vào Việt Nam, tôi cho rằng thị trường rất khả quan".
Trong chuyến khảo sát tới Việt Nam lần này, lĩnh vực mà East Guardian quan tâm đến tài chính, bất động sản, hàng tiêu dùng, dầu khí, mỏ... và dự định thành lập một quỹ đầu tư quốc tế huy động tiền của nhà đầu tư Nga và các nước vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại buổi hội thảo tìm hiểu về thị trường chứng khoán Việt Nam, những câu hỏi mà các nhà đầu tư Nga đặt ra khá cụ thể. Họ hỏi đại diện của BVSC và những doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại hội thảo như: Tập đoàn Hòa Phát, Công ty DMC, Công ty Nhựa tiền phong... những vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, các đợt IPO lớn trong năm tới, ngành nào có IPO nhiều nhất, lộ trình cổ phần hoá của các doanh nghiệp Nhà nước lớn, đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp ngành dầu khí, khai thác mỏ, mức thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư chứng khoán...
Ngay sau hội thảo, đoàn doanh nghiệp Nga sẽ đến thăm và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà họ quan tâm tại Hà Nội và Tp.HCM để tìm hiểu và cân nhắc về những cơ hội đầu tư. Ông Townsend cũng cho biết, sau chuyến đi này, Metropol sẽ tiếp tục tổ chức một số đoàn nhà đầu tư Nga khác đến thị trường Việt Nam.
TBKTVN
|