Quản lý Thị trường OTC: Khuôn phép chưa đủ tường minh
Gần đây ở VN, người ta kể ra rất nhiều "khuyết tật" của giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (OTC) như "chợ đen", "rủi ro","thả nổi"... và vì vậy mà dường như dân chúng rất "dị ứng" với bất kỳ cái gì có dính đến OTC. Các nhà chính sách đã cố gắng lập ra một cơ chế để đưa OTC "vào khuôn khổ”. Liệu chính sách này có khả thi?
Thị trường OTC là sản phẩm khách quan của bất kỳ một thị trường tài chính nào trên thế giới. Có nhận định cho rằng các giao dịch OTC mới là các giao dịch thị trường nhất vì ở đây do bản thân thị trường tự thiết lập (do nhu cầu mua - bán gặp nhau và qua các phương tiện phù hợp nhất với họ, không cần chuẩn tắc, không nhất thiết phải có máy tính, tốc độ chậm trong tầm kiểm soát...). Thậm chí, người ta cho rằng, nếu thiếu OTC thị trường sẽ cực kỳ buồn tẻ và bằng chứng là ngay tại các nước phát triển thị trường OTC vẫn tồn tại hàng trăm năm nay.
OTC và niêm yết - đâu rủi ro hơn?
Một số quan điểm cho rằng, thị trường OTC là rủi ro và do đó cần xoá hay đưa nó vào khuôn khổ. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng thị trường nào cũng có rủi ro của nó, ở các khâu khác nhau:
Trên thị trường OTC, khâu phát hành thường có nhiều rủi ro. Khi phát hành, tính công khai và bình đẳng giữa các cổ đông thường không được bảo đảm. Biểu hiện của rủi ro này như người ta có thể áp dụng ưu đãi cho nhóm cổ đông này mà không có ưu đãi cho nhóm cổ đông kia; hoặc có thể gian lận do nhóm đặc quyền nào đó phát hành khống thêm cổ phiếu và bán để thu tiền.
Trong khâu mua - bán, thường người mua gặp người bán, thoả thuận về giao dịch thuận mua vừa bán và được đăng ký chuyển nhượng cổ phần tại bộ phận đăng ký giao dịch cổ phần của Hội đồng quản trị của Cty. Tuy nhiên, cũng vẫn có rủi ro, có trường hợp nhà đầu tư bị lừa.
Giá chứng khoán OTC biến động theo thị trường và có nguy cơ rủi ro và làm giá theo kiểu xây tháp ngược của một nhóm nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn, sau đó "bơm giá, kích giá",... rồi bán nhanh phần chứng khoán mình nắm giữ (hoặc bán khống chứng khoán) để kiếm tiền và rút khỏi chứng khoán đó. Thông tin trên thị trường OTC nghèo nàn và không chặt chẽ. Thường không bình đẳng về tiếp cận thông tin, có nhiều nguy cơ sử dụng tin đồn (thổi phồng)...
Nếu so sánh với thị trường niêm yết, thị trường niêm yết cũng tồn tại những rủi ro ở các khâu: nhập lệnh hoặc trì hoãn lệnh của khách hàng, hiện tượng làm giá của các đại gia hoặc nhóm người chơi chứng khoán...
Trong thời gian thị trường chứng khoán VN tăng vùn vụt, ta có thể nhận thấy ở đâu đó đã có một vài biểu hiện "xây tháp chứng khoán" ngay cả với chứng khoán niêm yết. Người ta có thể đặt dấu hỏi về một Cty chứng khoán mà trong năm 2006 đã tăng vốn điều lệ lên gấp 10 lần (từ 52 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng) mà "không báo cáo UBCKNN kịp thời" (chứng tỏ rằng khi giá chứng khoán lên giá rất cao, Cty đã "ngấm ngầm" phát hành cho "nhóm độc quyền" nào đó một lượng chứng khoán đủ lớn để họ bán ra và thu lợi độc quyền bằng dư giá rất lớn); Một số chứng khoán tăng giá liên tục (không giải thích được); Tình trạng cổ đông sáng lập nắm giữ thật nhiều cổ phiếu và "thổi giá chứng khoán lên thật cao" sau đó dùng các "thủ thuật" bán tháo chứng khoán để thu lợi...
Quản lý OTC - thế nào là hợp lý?
Nếu với quan điểm đơn thuần cho rằng chỉ có OTC là đầy rủi ro và đầy "cạm bẫy" thì có nguy cơ người ta sẽ tuyệt đối hoá thị trường chính thức không có rủi ro gì. Hậu quả sẽ là một bên nhà đầu tư hay xã hội sẽ coi nhẹ rủi ro đối với các chứng khoán niêm yết và "kỳ thị" một cách quá đáng đối với chứng khoán OTC. Các chính sách của Chính phủ sẽ có thiên hướng "khiên cưỡng" là "cố dẹp" OTC hay "cố lùa" chứng khoán OTC vào một "chuồng" nào đó.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nên có quan điểm phù hợp về thị trường OTC và thị trường chứng khoán niêm yết vì chúng đều là sản phẩm của thị trường tài chính, chúng tồn tại xen kẽ và bổ sung cho nhau. Cả hai đều có chức năng nhất định cũng như chứa đựng những rủi ro. Với quan điểm và nhận thức phù hợp thì chính sách bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ TTCK non trẻ của VN sẽ là tôn trọng sự tồn tại và phát triển khách quan của mỗi thị trường phù hợp với sự phát triển nền kinh tế - xã hội VN.
Các chính sách nhằm hạn chế rủi ro đối với TTCK (cả thị trường OTC hay thị trường chứng khoán niêm yết) hiện nay là cần thiết và chỉ đạt được một cách bền vững trên cơ sở tư duy chính sách một cách tổng thể: như tăng cường chế độ thông tin đầy đủ cho thị trường, nâng cao trình độ dân trí về TTCK, tăng cường thể chế thị trường, tăng cường hệ thống pháp luật minh bạch và hiệu lực...
Một số chuyên gia cũng cho rằng ý tưởng chính sách "lùa" tất cả các chứng khoán OTC về một "chuồng" hay "xoá bỏ" thị trường OTC trong ngày một ngày hai giống như như ý tưởng nóng vội về lập hợp tác xã nông nghiệp vào những năm 1960 theo kiểu "dồn tất cả lợn, gà về một nơi" là không thực tế!
DDDN
|