Thứ Năm, 29/11/2007 17:38

DN quốc doanh: Thắt túi tiền Nhà nước lại để phát triển

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), giải pháp tốt nhất là hạn chế nguồn cung cấp tài chính cho khu vực kinh tế này dưới mọi chính sách, hình thức hỗ trợ, phân bổ một cách đồng đều các cơ hội về đất đai, tín dụng, đào tạo... cho tất cả các thành phần kinh tế.

Kinh tế quốc doanh: Càng ưu đãi sẽ càng yếu kém

Đòi hỏi các DNNN cư xử như DN tư nhân phải chăng là duy ý chí, bởi sự khác nhau về bản chất khi người ta tiêu tiền của mình và tiêu tiền của người khác (ở đây là tiền của Nhà nước và là tiền thuế của dân). Chính vì vậy, chỉ có thể kỳ vọng vào việc sắp xếp lại khu vực kinh tế Nhà nước thông qua chủ trương cổ phần hóa, chỉ để lại trong một số lĩnh vực quan trọng với tỷ trọng hợp lý.

Được ưu đãi hơn hẳn về đất đai, nguồn vốn, chính sách tín dụng, chính sách đào tạo, nhưng các DNNN lại tỏ ra kém hiệu quả hơn hẳn so với các DN tư nhân, vốn ít, non trẻ và hạn chế về nhân lực.

Với các DN tư nhân, không bao giờ có chuyện bỏ hoang hơn 2 triệu m2 đất như ở TP.HCM mà chỉ riêng tiền cho thuê lại diện tích mặt bằng này cũng làm Nhà nước thất thu hàng chục tỷ đồng.

Hay cũng không bao giờ có chuyện đầu tư ào ạt những dây chuyền sản xuất không hiệu quả, nhập khẩu máy móc và thiết bị lạc hậu, tuyển dụng nhiều nhân lực làm phình to bộ máy phải trả lương mà công việc vẫn không hiệu quả, bổ nhiệm nhiều chức vụ chỉ nhằm mục đích giải quyết căng thẳng trong nội bộ.

Bởi vì DNNN không bao giờ phải đối mặt như những ông chủ tư nhân thực sự, chi tiêu thận trọng như đếm tiền trong túi. Và khi gặp khó khăn về tài chính, DNNN luôn tìm được giải pháp từ Ngân sách Nhà nước hay hệ thống ngân hàng cũng của quốc doanh. Thậm chí, trong những trường hợp xấu, người lãnh đạo ra đi, thuyên chuyển công tác, hay về hưu "hạ cánh trong an toàn" là để lại những món nợ khổng lồ cho xí nghiệp, nhà máy và tập thể.

Các nguồn lực và tài nguyên của Nhà nước là hạn hẹp và cả khu vực kinh tế quốc doanh lẫn khu vực kinh tế tư nhân đều có nhu cầu sử dụng. Nhưng khả năng và cơ hội được thụ hưởng lại không ngang bằng nhau. Các DNNN sẵn có những mối quan hệ đã được tạo dựng với các ngân hàng và chính quyền. Đó là chưa kể, bản thân tầm vóc của các DNNN cũng tạo ra nhiều ưu thế để thu hút các nguồn lực.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNN không thể duy trì tư duy: Càng phải hỗ trợ cho nó nhiều hơn nữa để xây dựng nên những tập đoàn có tiềm lực lớn, để có khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài đang chuẩn bị cho cuộc “xâm thực” thị trường nội địa.

Bài học rõ ràng nhất là công cuộc đầu tư cho ngành dầu khí quốc gia. Việt Nam và Malaysia cùng một xuất phát điểm khi đầu tư cho nền công nghiệp khí từ những năm 1974-1975, nhưng đến nay, Petronas đã được biết đến như một tập đoàn dầu khí quốc tế, có hoạt động kinh doanh với 31 quốc gia khác trên thế giới, có nhiều công trình thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài, trở thành thương hiệu biểu tượng cho Malaysia đối với các quốc gia khác. Còn Petro VN mặc dù cũng đã có những cố gắng nhưng vẫn nhỏ bé và thương hiệu vẫn không vượt ra được ngoài vùng lãnh thổ.

Hạn chế can thiệp Nhà nước

Một quan điểm hoàn toàn trái ngược là, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế quốc doanh, ngoài việc sắp xếp chuyển đổi các DNNN làm ăn yếu kém càng nhiều càng tốt thông qua tiến trình CPH, thì phải kiềm chế tối đa các chính sách hỗ trợ, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay tín dụng đối với khu vực kinh tế quốc doanh, mà như Kornais János, nhà kinh tế học của Hunggary thời kỳ XHCN đã chỉ ra: “Việc tiêu tiền của Nhà nước là việc mà xã hội phải kiểm soát chi li. Đừng đụng tay can thiệp vào khu vực kinh tế tư nhân, nhưng đồng thời cũng đừng nhúng tay can thiệp vào khu vực quốc doanh!”.

Mặc dù không ít người có thể giải thích tầm quan trọng của DNNN, ngoài kinh doanh còn phải gánh vác nhiệm vụ ổn định kinh tế xã hội. Ví dụ như sự lúng túng trong chuyện bình ổn giá xăng dầu vừa qua chẳng hạn, có DNNN chiếm hơn 60% thị phần trong nước nhưng khi giá dầu thế giới tăng cao, đã phải “gồng mình” chịu lỗ khi nhận lệnh kiềm chế không tăng giá xăng dầu trong nước. Và Nhà nước phải có cơ chế bù lỗ cho DN này sau đó để cân đối hoạt động kinh doanh sản xuất.

Giải pháp giá thị trường nửa vời này có thể coi là làm “phá sản” Nghị định 55 được ban hành trước đó không lâu, khi Bộ Tài chính và bộ Công thương đã quyết định cho phép DN được chủ động định giá, trong lộ trình phấn đấu để có cơ chế giá được điều tiết bởi thị trường.

Hậu quả là những mệnh lệnh hành chính mang tính tình thế cũng không thể cưỡng lại được xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường. Xăng dầu vẫn phải tăng giá, kéo việc hình thành một mặt bằng giá cả mới của tất cả các loại sản phẩm khác trên thị trường. Lương cán bộ công nhân viên dù có được điều chỉnh vẫn không theo kịp tốc độ tăng của giá cả. Đời sống người dân đi xuống rõ rệt, khi thậm chí bữa ăn hàng ngày cũng đã nghèo nàn đi vì áp lực giá cả.

Trên thực tế, Nhà nước nên làm tốt việc thu thuế, sử dụng Ngân sách để giải quyết các vấn đề của xã hội (như khi bị tác động bởi tăng giá trong trường hợp này) bằng các công cụ khác, để nâng cao đời sống người dân mà không phải bằng cách can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DNNN để điều tiết thị trường.

Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu nào nằm trong top 1.000 thương hiệu mạnh của thế giới cũng như 1.000 thương hiệu mạnh của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cái đó là vì các DN của chúng ta sống trong một thời gian dài không việc gì phải cạnh tranh. 

Hiện nay, cơ chế quản lý không khuyến khích DNNN chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro, vì "thà là không làm gì còn hơn là làm mà bị khiển trách", nên tính năng động của khu vực kinh tế Nhà nước rất hạn chế.

Trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế VN tuy đã diễn ra hơn 20 năm nhưng việc cạnh tranh và hội nhập mới diễn ra trong vài năm gần đây, nên cần phải có thời gian mới xây dựng nên những thương hiệu là biểu tượng cho VN được. Ví dụ như Hàng không VN chẳng hạn, có thể đầu tư xây dựng thành thương hiệu biểu tượng của quốc gia, như Kinh Đô, như Ngân hàng ACB, Vinamilk.v.v. đều đang là những thương hiệu tốt, nhưng cần nỗ lực, cần thời gian, đầu tư để trở thành thương hiệu biểu tượng của quốc gia.

(Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn VietNamNet)

VNN

Các tin tức khác

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết cho CTCP XNK Lâm Thủy Sản Bến Tre (29/11/2007)

>   Có 158 nhà đầu tư tham gia đấu giá CP Nutifood (29/11/2007)

>   Việt Nam có hãng hàng không tư nhân đầu tiên (29/11/2007)

>   IPO Vietcombank đáng quan tâm hơn lạm phát (29/11/2007)

>   Bổ sung 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho SCIC (28/11/2007)

>   Lilama 10 khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Công 3 (28/11/2007)

>   Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng IDICO (29/11/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (28/11/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho EXIMBANK (28/11/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Xí Nghiệp Nước Nhơn Trạch (28/11/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật