Thứ Sáu, 30/11/2007 12:00

CPH gắn với niêm yết: chậm vì chờ cơ chế

Được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, mặt khác tạo hàng cho TTCK, nhưng kết quả thực hiện chủ trương CPH gắn với niêm yết năm 2007 vẫn còn nhiều hạn chế.

10 tháng đạt 23% kế hoạch CPH cả năm

Theo số liệu từ Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2007, cả nước đã sắp xếp được 135 DN (theo kế hoạch là 600 DN), trong đó có 95 DN, bộ phận DN được CPH. Một số tổng công ty lớn đã được CPH như Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Điện tử và Tin học, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Thương mại và Xây dựng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án CPH Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đề án CPH Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội.

Cùng với đó, đến nay đã có 8 tập đoàn kinh tế được thành lập bao gồm: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Công nghiệp Tàu thuỷ, Dệt may, Công nghiệp Cao su và Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm. Các tập đoàn này đã tiến hành sắp xếp lại, mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực tài chính. Bên cạnh đó, còn có trên 70 tổng công ty nhà nước chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - công ty con. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phát huy vai trò nòng cốt trong sản xuất, cung ứng sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đến tháng 10/2007, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã tiếp nhận 775 DN từ các bộ, địa phương với tổng số vốn sổ sách là 7.518 tỷ đồng. Tổng công ty đã thực hiện cơ cấu lại tài chính đối với Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines; tiến hành cơ cấu lại và bán bớt phần vốn nhà nước ở một số DN thu về cho Nhà nước 450 tỷ đồng.

Cho đến nay, theo số liệu từ Bộ Tài chính, đã có 214 công ty niêm yết với giá trị vốn hoá thị trường đạt 20 tỷ USD, bằng 30% GDP. Tuy nhiên, theo một quan chức của Cục Tài chính DN, tiến trình CPH gắn với niêm yết vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Dự kiến, trong năm 2007 sẽ sắp xếp, CPH khoảng 600 DN nhưng đến tháng 10/2007 mới chỉ đạt 23% kế hoạch. Việc xử lý tài chính trong CPH của các bộ, địa phương, tổng công ty triển khai chậm, tiến trình CPH kéo dài, việc chấp hành chế độ thu nộp tiền từ CPH thực hiện chưa nghiêm, những tranh chấp trong CPH tuy không nhiều nhưng chậm được xử lý.

Chậm vì sao?

"Trong bối cảnh thị trường vốn sôi động, chúng tôi rất muốn CPH DN để đổi mới cách quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK. Nhưng do thiếu văn bản hướng dẫn, chúng tôi đang loay hoay chưa biết nên làm như thế nào", giám đốc một DNNN cho biết.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Phó trưởng phòng Tổng hợp, Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc CPH chậm là do sự thay đổi chính sách. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP, nhưng Bộ Tài chính chậm ban hành thông tư hướng dẫn thi hành nên phần lớn DN vẫn nghe ngóng chờ đợi cách làm. Bên cạnh đó, do Chính phủ đến tháng 3/2007 mới ban hành tiêu chí phân loại DNNN. Ngành nào cần nắm giữ 100%, ngành nào nắm giữ ít hơn, ngành nào cần nắm giữ cổ phần chi phối... Do đó, đến tháng 6, các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty mới lên được kế hoạch CPH DNNN giai đoạn từ nay đến năm 2010. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ CPH các DN trong năm 2007.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Long là những DN làm ăn tốt, tài chính không quá phức tạp thì phần lớn đã được CPH. Các DN còn lại chủ yếu là DN lớn, chưa CPH bao giờ, nên vừa làm, vừa nghe ngóng.

Theo một chuyên gia tài chính, còn có một nguyên nhân khác khiến việc CPH chậm là do TTCK có những giai đoạn điều chỉnh nên các DNNN không muốn IPO do khả năng thành công thấp, thặng dư vốn thu về không cao. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần bởi số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong năm qua hoạt động bán cổ phần lần đầu của DNNN thông qua phương thức đấu giá đã tăng 5,6 lần so với mệnh giá và tăng 1,6 lần so với giá khởi điểm. Khối lượng bán cổ phần lần đầu đạt trên 90% cao hơn so với giá khởi điểm. Điều này cho thấy, NĐT vẫn dành sự quan tâm đáng kể đến các DNNN thực hiện IPO.

Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, với nhiều giải pháp như CPH gắn với niêm yết, thời gian vừa qua TTCK đã có một lượng hàng hoá đáng kể; đã đến lúc cần quan tâm đến chất lượng hàng bằng cách đưa lên sàn những DN lớn, có chất lượng tài chính và thương hiệu tốt để thị trường phát triển bền vững, thu hút được nhiều NĐT.

Tuy nhiên, do những vướng mắc nêu trên chưa biết đến bao giờ thị trường mới có hàng tốt, NĐT mới được mua cổ phiếu có tên tuổi như VCB, BIDV, MobiFone, Sabeco, Habeco...

Trong năm 2007, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sắp xếp, CPH DNNN như: ban hành Nghị định 109/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; ban hành Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 109/2007/NĐ-CP cũng như quyết định tiêu chí phân loại DN đã kéo theo việc CPH bị chậm trễ.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xây dựng số 7 (29/11/2007)

>   DN quốc doanh: Thắt túi tiền Nhà nước lại để phát triển (29/11/2007)

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết cho CTCP XNK Lâm Thủy Sản Bến Tre (29/11/2007)

>   Có 158 nhà đầu tư tham gia đấu giá CP Nutifood (29/11/2007)

>   Việt Nam có hãng hàng không tư nhân đầu tiên (29/11/2007)

>   IPO Vietcombank đáng quan tâm hơn lạm phát (29/11/2007)

>   Bổ sung 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho SCIC (28/11/2007)

>   Lilama 10 khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Công 3 (28/11/2007)

>   Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng IDICO (29/11/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (28/11/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật