Ngân hàng gặp khó vì Mỹ giảm lãi suất
Các nhà băng vẫn "nhìn" nhau, chưa quyết định có điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ trong nước hay không, sau động thái cắt giảm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nhà băng này còn phải cân nhắc nhu cầu sử dụng vốn và ước lượng nhu cầu vay vào thời điểm cuối năm, rồi mới xem xét việc điều chỉnh lãi suất. Hiện SHB duy trì lãi suất huy động ngoại tệ cá nhân ở mức 5,3% đối với kỳ hạn 12 tháng trả cả năm và 4,7% đối với trả theo tháng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang theo dõi nhu cầu khách hàng. Mức lãi suất huy động cá nhân kỳ hạn 12 tháng của Sacombank duy trì ở 5,1%.
"Nhu cầu vay USD ngắn hạn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, thậm chí có lúc cầu ngang ngửa cung", bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Giám đốc khối ngân quỹ Sacombank, lý giải. Lần trước, dù FED cắt giảm lãi suất, Sacombank vẫn duy trì mức trước đó.
Ngay sau thời điểm FED hạ lãi suất vào cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hạ lãi suất trong nước. Vì thế, theo ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ, trước mắt nhà băng này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung cầu trong nước, rồi mới tính tiếp.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho rằng, việc FED cắt giảm lãi suất đồng đôla không nằm ngoài dự đoán của giới tài chính. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam không hoàn toàn giống với Mỹ. Chính vì vậy, việc có thể làm bây giờ là đợi phản ứng từ các ngân hàng thương mại cổ phần khác và cân nhắc hướng xử lý.
Cùng lúc phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cân đối cung - cầu đôla trên thị trường và vẫn cần cạnh tranh với các ngân hàng khác là lý do khiến nhiều nhà băng chưa thể quyết định điều chỉnh lãi suất.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có khả năng các ngân hàng sẽ giảm nhẹ lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, song giữ nguyên lãi suất huy động từ người dân.
Vào thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại đang phải cạnh tranh lẫn nhau để huy động được lượng ngoại tệ lớn, phục vụ nhu cầu vay để nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm. Đồng thời, gửi tiết kiệm bằng VND hiện vẫn hấp dẫn với người dân hơn do lãi suất cao gần gấp đôi so với bằng USD. Vì thế, nếu hạ lãi suất huy động ngoại tệ lúc này, một số nhà băng có thể không đủ vốn để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng vào cuối năm.
Tuy nhiên, nếu không hạ lãi suất huy động vốn trong nước, nhà băng sẽ phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, do lãi suất cho vay tại các ngân hàng nước ngoài đã giảm theo quyết định của FED.
Các ngân hàng cũng có thể có một lựa chọn khác. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Giám đốc khối ngân quỹ Sacombank, cho hay, nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp lớn, rất nhiều đơn vị mở tín dụng thư (LC). Nếu nhu cầu của USD của doanh nghiệp cuối năm vượt cung, Sacombank sẽ vay ở thị trường liên ngân hàng với lãi suất mềm hơn, khoảng 4,7%.
Hiện một lượng lớn ngoại tệ đổ vào Việt Nam từ nguồn vốn chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, và tăng dần vào cuối năm do lượng kiều hối đổ về, tạo áp lực lên tỷ giá VND và USD. Trong khi đó, kiểm soát lạm phát đang là mục tiêu số một trong các chính sách về tiền tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hạn chế các ngân hàng cho vay ngoại tệ tràn lan.
Theo một quan chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Hà Nội, các ngân hàng sẽ không hạ lãi suất xuống mức thấp để tránh việc VND tăng giá quá cao so với đồng đôla, làm ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Trong những lần FED tăng lãi suất trước đây, một số ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động đôla nhằm thu hút được lượng vốn lớn, thông thường tăng 0,2-0,6%.
VNE
|