Không nên trì hoãn IPO Vietcombank
Thị trường niêm yết đang "lình xình"; thị trường OTC, giá nhiều loại cổ phiếu (CP) ngành tài chính - ngân hàng giảm... Trong hầu hết các giải thích của chuyên gia, các công ty chứng khoán về tình hình này đều có nhắc đến sự trì hoãn đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB).
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullright tại TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
* VCB lại tiếp tục trì hoãn việc IPO, nhận xét của ông về việc này như thế nào?
- Vấn đề này có thể nhìn dưới hai góc độ. Nếu trì hoãn để cân nhắc kỹ việc lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) chiến lược, những người có thể giúp gia tăng giá trị cho VCB thì đó là sự trì hoãn cần thiết. Khi đó, việc có IPO năm nay hay để sang năm, nghĩa là chậm vài tháng, thậm chí 1 năm không quan trọng bởi việc chọn NĐT chiến lược và IPO bài bản sẽ tạo ra một cái chuẩn cho thị trường. Đây chính là điều mà VCB nói riêng và Việt Nam nói chung mong muốn. Ngược lại, nếu trì hoãn là do các NĐT chiến lược trả giá quá thấp trong khi kỳ vọng về mức giá của VCB trên thị trường rất quá cao thì lại khác. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu bán cho NĐT chiến lược với mức thấp sẽ làm tổn thất tài sản quốc gia, nhưng tôi thì lại không đồng ý với quan điểm đó, vì các NĐT chiến lược có đủ công cụ và khả năng để hiểu giá trị thực của VCB và đưa ra mức giá của mình.
Trên thực tế, không phải đến VCB các NĐT chiến lược mới chào giá thấp như vậy, mà điều này đã xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc và nhiều nước khác. Ví dụ, cách đây hơn 1 năm, Goldman Sachs và 2 nhà đầu tư khác chỉ chấp nhận bỏ ra 3,8 tỉ đô la để có được 10% cổ phần của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng mà giá trị thị trường ở thời điểm trước khi IPO lên đến gần 130 tỉ đô la và hiện tại đã trên 300 tỉ đô la và trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị thị trường. Trước đó, 10% cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc lần lượt cũng chỉ là 2,7 và 3 tỉ đô la. Từ đó quay lại vấn đề của VCB, chúng ta đang thấy kỳ vọng của thị trường quá cao trong khi các NĐT chiến lược trả thấp quá nên chần chừ thì không nên.
* Ông có cho rằng việc trì hoãn IPO VCB đang gây ảnh hưởng đến thị trường? Thị trường đang có tâm lý chờ đợi giá của VCB và xem đó như thước đo giá CP ngành tài chính - ngân hàng, điều đó có lý không, thưa ông?
- Trước khi có việc IPO VCB thì ACB và STB là những ngân hàng dẫn đầu trên thị trường. Việc mua bán CP của các ngân hàng dường như được NĐT tham chiếu vào giá CP 2 ngân hàng này. Nhưng về quy mô VCB lớn hơn 2 ngân hàng kia rất nhiều và tâm lý chờ đợi giá VCB làm giá tham chiếu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là điều không có gì ngạc nhiên.
Tuy nhiên trong ngắn hạn người ta thấy như vậy nhưng dài hạn thì lại khác. Đơn cử, trong bản cáo bạch của ACB do chính Công ty chứng khoán (CTCK) ACB xây dựng cách đây 1 năm chỉ định giá CP của ngân hàng này ở mức 105.000 đồng/CP và lúc đó chỉ có 110 triệu CP. Nghĩa là giá trị thị trường của ACB do chính người ta định giá chỉ khoảng 11.000 - 12.000 tỉ đồng. Nhưng sau đó, kỳ vọng thị trường đã đẩy CP ACB cao gần gấp ba lần con số nêu trên và bây giờ gấp gần 2 lần.
Thêm vào đó, trong thời gian qua đã có thêm 143 triệu CP mới và 55 triệu CP sẽ được hình thành từ trái phiếu chuyển đổi vào năm tới làm cho giá trị thị trường của ACB hiện nay gấp 4 - 5 lần giá được định ban đầu (nếu ở thời điểm công bố cáo bạch tính cả phần trái phiếu chuyển đổi coi như CP thì giá trị hiện nay cũng tăng gấp đôi). Tôi lưu ý là không bao giờ CTCK ACB lại định giá thấp cho ACB cả. Điều đó cho thấy, với tâm lý kỳ vọng cao hiện nay người ta chờ đợi VCB như một chuẩn mực là đúng thôi. Tôi cũng rất mong VCB sẽ là chuẩn mực của thị trường vì điều này tốt cho sự phát triển dài hạn của TTCK cũng như nền kinh tế VN. Nhiều người cho rằng, bán được giá càng cao càng tốt nhưng không dễ gì có thể làm được điều này đối với các NĐT dày dặn kinh nghiệm. Khi bỏ tiền ra, họ đã tính suất sinh lợi tối thiểu rất kỹ.
* Một số thông tin cho rằng các NĐT chiến lược chỉ trả giá CP VCB chỉ từ 4,3 – 6,5 lần mệnh giá, ông có thấy như vậy là quá thấp?
Với mức giá như vậy, 10% CP của VCB sẽ có giá từ 400-600 triệu đô la hay giá trị thị trường của ngân hàng hàng này vào khoảng 4-6 tỉ đô la. Tôi tin rằng mức giá như vậy là vừa phải vì từ trường hợp IPO của ICBC ở thị trường Trung Quốc năm ngoái cho thấy, Goldman Sachs khó có thể chấp nhận bỏ ra một vài tỉ đô la để sở hữu 10% một ngân hàng có quy mô về tài sản chỉ hơn 1 phần trăm của ICBC. Thêm vào đó, theo tính toán của tôi, nếu dựa vào nền kinh tế hiện tại thì giá trị thực của VCB chỉ vào khoảng 3,5 tỉ đô la và nếu dựa vào nền kinh tế sau 5 năm nữa thì con số này cũng chỉ khoảng 7 tỉ đô la.
* Nếu đó là mức giá hợp lý thì các nhà đầu tư đang giữ CP các ngân hàng khác với giá cao ngất hiện nay sẽ ra sao?
- Sự kỳ vọng đã đẩy giá CP ngân hàng - tài chính lên quá cao và khi bong bóng thổi lên quá thì khi có sự điều chỉnh nó sẽ bị xẹp cũng là lẽ đương nhiên. Điều này tôi đã nói rồi, những người đầu tư ăn chênh lệch giá không cần phân tích cơ bản hay giá trị doanh nghiệp (DN ) là bao nhiêu. Họ chỉ cần biết rằng, hôm nay nên mua nếu ngày mai có người trả giá cao hơn và ngày nay nên bán nếu ngày mai có thể mua được thấp hơn. Nghĩa là họ chỉ cần đoán được xu hướng của thị trường. Còn người thiệt hại là người “ôm bom” cuối cùng vì trò chơi có tổng bằng không, có người được ắt có người mất.
* Như vậy liệu có khả năng xảy ra việc bán tháo CP ngành tài chính ngân hàng không? Điều này có gây nguy hiểm đối với thị trường chứng khoán (TTCK) không thưa ông?
- Quay lại bản chất của vấn đề, TTCK giúp cho các DN huy động vốn. Ở một thời điểm nào đó, thị trường phi lý thì một số DN có thể huy động được vốn, các cổ đông trước đó cũng có lợi một ít. Các DN chỉ có lợi khi phát hành thêm CP ở mức giá cao, nếu không phát hành thêm CP thì không có gì xảy ra cả. Vì vậy, việc CP dao động lên xuống dường như không ảnh hưởng gì nhiều đến kế hoạch dài hạn của các ngân hàng, chỉ có những người mua đi bán lại CP mới được hoặc mất. Vì vậy, nếu giá CP ngành ngân hàng tài chính lúc này có giảm thì cũng không ảnh hưởng đến các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nhưng nếu thị trường xuống quá mức, bán CP trên thị trường thứ cấp không ai mua thì trên thị trường sơ cấp DN cũng không huy động vốn được và lúc đó mới thực sự là ảnh hưởng.
* Cuối cùng là theo ông, VCB có nên trì hoãn việc IPO hay không?
- Theo tôi, cả 3 NĐT chiến lược hiện nay của VCB đều rất tốt và muốn làm ăn lâu dài vì vậy VCB chẳng nên chờ đợi làm gì. Đó chính là những NĐT chiến lược thật sự. Chúng ta chỉ có thể bán giá cao cho những nhà đầu cơ, những người có thể dùng kỹ thuật để thổi giá lên đến hết thời gian yêu cầu nắm giữ người ta sẽ bán ngay để kiếm một món lợi khổng lồ như thực tế đã xảy ra. Vậy ta muốn ai? Người sẽ cùng ta xây dựng thương hiệu của mình lên hay sau một thời gian sẽ “bỏ của chạy lấy người”?
TN
|