Thứ Sáu, 09/11/2007 10:07

Chính sách cổ phiếu ưu đãi cho người lao động: Từ danh nghĩa đến làm chủ thật sự!

Thời gian gần đây khi TTCK phát triển, nhiều DN bắt đầu thực hiện chính sách bán cổ phiếu (CP) ưu đãi cho NLĐ như một hình thức phúc lợi nhằm khuyến khích năng lực, giữ chân người tài trong thời buổi cạnh tranh nhân lực ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thực hiện thành công  phương thức này.

Nhiều hình thức ưu đãi mới

Chính sách cổ phần ưu đãi đối với NLĐ (ESOP - Employee Stock Ownership Plan) đã được nhiều DN tại VN áp dụng từ lâu, đặc biệt là trong một số lĩnh vực có nguy cơ "chảy máu" chất xám cao. Phương pháp thông thường là tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ sở hữu CP như ưu đãi về giá, ưu đãi về điều kiện thanh toán...

Gần đây, một số hình thức mới được áp dụng như trả một phần lương bằng CP của CTCP Hợp Nhất Việt Nam: tất cả các nhân viên có thời gian làm việc trên 1 năm được quyền sử dụng tối đa 20% tiền lương hàng tháng để mua CP của Cty với mức giá bằng với mệnh giá, liên tục trong vòng 5 năm. Đối với các nhân viên, tổng mệnh giá CP tối đa mà 1 nhân viên được mua trong 5 năm là 25 triệu đồng; đối với CB cấp trưởng phòng, phó phòng, tổng mệnh giá được mua là 50 triệu đồng. Riêng đối với các CB cấp cao, giá trị CP bán theo mệnh giá được mua sẽ dựa trên các đóng góp của CB đó cho sự phát triển của Cty.

Tập đoàn kinh doanh dược phẩm Viễn Đông mới đây cũng triển khai chương trình "CP hạt giống". Theo đó, toàn bộ NLĐ được tập đoàn tặng 60% giá trị CP hạt giống mà NLĐ được mua.  Các CB quản lý cao cấp chưa có cổ phần trong Cty hoặc số lượng nắm giữ cổ phần dưới 250 triệu đồng sẽ được nhận trái phiếu mệnh giá 250 triệu đồng. Nhân viên vượt khoán trên 300% công việc mỗi năm sẽ nhận được trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng, nhân viên xuất sắc và quản lý trung gian có tiềm năng được nhận mệnh giá 50 triệu đồng. Sau thời hạn 5 năm, CP hạt giống được quy đổi thành CP phổ thông theo tỉ lệ 1:1 và được tự do chuyển nhượng trên thị trường. Đặc biệt, hàng năm, ngoài cổ tức từ phần 40% đóng góp, NLĐ còn được hưởng  thêm 40% của 60% tập đoàn tặng.

Ưu đãi CP có phải là tất cả?

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách CP ưu đãi dành cho NLĐ là gắn chặt lợi ích của mỗi cá nhân với lợi ích của toàn bộ DN. Về mặt lý thuyết, mối quan hệ này sẽ tạo động lực làm việc cho cá nhân, tuy nhiên thực tế đã cho thấy không phải DN nào cũng thành công. Một trong những ví dụ rõ ràng là sự thất bại của nhiều chương trình ưu đãi cổ phần cho NLĐ tại các DN CPH. Hai nguyên nhân cơ bản nhất là bản thân NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc tham gia sở hữu cổ phần trong DN và bản thân DN không coi trọng hình thức này mà chỉ xem như một kiểu thực hiện nghĩa vụ theo chính sách của Nhà nước.

Thông thường đối với NLĐ, lợi ích trước mắt có thể nhìn nhận được luôn là lợi ích quan trọng nhất. Trong thời điểm TTCK sôi động, giá CP tăng cao và lợi ích được cụ thể hoá bằng khoản chênh lệch giá. Mặc dù CP ưu đãi luôn bị hạn chế chuyển nhượng trong một thời hạn nhất định nhưng điều đó không ngăn cản được hoạt động giao dịch trên giấy tờ. Như vậy chính sách ưu đãi CP mang tính dài hạn đã bị biến thành một dạng ưu đãi vật chất ngắn hạn.

Hiện tượng này phần lớn xuất phát từ tình trạng "làm chủ trên danh nghĩa" của NLĐ dù đã sở hữu cổ phần khiến họ không thấy sự khác biệt nào khi sở hữu CP ngoài khoản chênh lệch giá. Theo lãnh đạo của Cty Hợp Nhất Việt Nam và Tập đoàn Viễn Đông, sở dĩ chương trình trả lương bằng CP và CP hạt giống tại 2 đơn vị này được NLĐ ủng hộ vì đã có sự cam kết rõ ràng. Cũng nhờ đó, NLĐ nhận thấy lợi ích của việc trở thành cổ đông lâu dài của DN.

Đối với tầng lớp nhân sự cao cấp, chẳng hạn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mặc dù chính sách ưu đãi CP được áp dụng nhiều nhưng hiện tượng thay đổi nhân sự vẫn thường xuyên diễn ra. Mặt khác, chính sách CP ưu đãi theo quy định hiện còn có hạn chế cơ bản là chỉ tính theo thâm niên công tác mà không quan tâm đến mức độ đóng góp. Ngoài ra, số lượng cổ phần ưu đãi tối đa chỉ 100 CP/năm công tác nên không đủ sức hấp dẫn.

Tạo dựng động lực làm việc đối với NLĐ là một trong những mục tiêu hàng đầu của bất kỳ chính sách quản trị DN nào. Theo phương pháp cổ điển, các DN thường chú ý xây dựng chế độ lương và thưởng tiền mặt để khuyến khích, tôn vinh các nỗ lực đóng góp của nhân viên. Tuy nhiên, hình thức này chỉ nhắm đến các mục tiêu ngắn hạn. Một trong những nhu cầu của NLĐ là được hưởng thành quả tương xứng với những gì DN đạt được, gắn chặt sự gia tăng lợi ích cá nhân với sự gia tăng lợi ích của DN.

Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ESOP, tạo điều kiện để từng cá nhân làm việc trong DN đều có thể sở hữu CP của DN đó. Chính sách này hướng NLĐ tới các mục tiêu dài hạn, được chia sẻ thành công trong tương lai của DN tương ứng với mức độ đóng góp của mình. Mức độ đóng góp càng nhiều, thời gian làm việc với công ty càng lâu thì lợi ích mà nhân viên được chia càng lớn. Chính sách này còn thể hiện triết lý kinh doanh mang tính nhân bản: chia sẻ sự thành công của DN cho những người đã góp phần tạo nên thành công đó.

Xung quanh vấn đề bán CP ưu đãi cho NLĐ, phóng viên Báo LĐ đã ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý, CB CĐ và NLĐ.

TS Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ:  Việc bán CP ưu đãi cho NLĐ về bản chất là người chủ sở hữu đã phải chịu thiệt quyền lợi của mình để ưu đãi cho đối tượng được mua. Vấn đề là tại sao họ lại chấp nhận chịu thiệt thòi như thế? Điều này chỉ có thể giải thích rằng: Họ chấp nhận chia quyền lợi như thế là để nhằm mục đích thu về được những lợi ích khác lớn hơn. Đó chính là việc giữ NLĐ, là chính sách thu hút nhân tài cho DN, tạo mối quan hệ cùng chung sở hữu để những người được mua CP ưu đãi không đi làm cho DN khác, làm cho những đối thủ cạnh tranh khác. Tuy nhiên, nếu là DNNN mà cũng bán CP ưu đãi thì cần phải xem xét. DNNN thuộc tài sản sở hữu của toàn dân, do Nhà nước làm đại diện. Nếu một vài cá nhân lãnh đạo trong DN lại nhân danh chủ sở hữu để bán CP ưu đãi cho NLĐ trong DN, trong đó có chính những cá nhân đang giữ các cương vị lãnh đạo ở DN thì đây cũng có thể coi là việc "lạm dụng" và có nguy cơ làm hại đến quyền lợi của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc NHTMCP SHB: Mục đích việc bán CP ưu đãi cho CBNV DN của chúng tôi là thu hút NLĐ và người có trình độ năng lực, có kinh nghiệm về làm việc tại SHB. Khi phát hành CP ưu đãi cho NLĐ, chúng tôi đã tạo ra sự gắn bó lâu dài của NLĐ với NH, làm cho họ trở nên là người có trách nhiệm với các hoạt động của NH. Bởi khi đó NLĐ trở thành một thành viên chủ sở hữu của NH. Việc làm này của SHB đã được CBNV rất quan tâm và ủng hộ. NH cũng rất muốn dành một lượng CP ưu đãi lớn cho CBNV của mình. Nhưng theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán, việc bán CP cho CBNV chỉ cho phép tối đa không quá 5% vốn hiện hữu nên NH sẽ dành tối đa khoản quyền lợi này cho anh em với mức giá ưu đãi là 10.600đ/CP, sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá trị giao dịch mua bán loại CP này trên thị trường.

Bà Mai Thị Nga - Quản lý nhân viên bán hàng Tập đoàn Viễn Đông: Tôi làm việc tại tập đoàn từ năm 2000. Ngoài số CP ưu đãi dựa trên thâm niên công tác và mức lương, tôi còn được hưởng thụ chương trình CP hạt giống là 100 triệu đồng. Trong đó tôi chỉ phải trả 40 triệu đồng, Tập đoàn tặng 60 triệu đồng. Trước khi có chương trình này, một vài người trong số nhân viên cũng không tránh khỏi dao động khi có lời mời chào từ các Cty khác. Tuy nhiên hiện nay, với số CP hạt giống và CP ưu đãi, chúng tôi hoàn toàn yên tâm và có trách nhiệm hơn với DN. Đặc biệt, nếu vì một lý do gì đó chuyển khỏi Cty chúng tôi vẫn được hưởng lợi tức của toàn bộ số CP hạt giống đến thời điểm rời khỏi Cty và được trả lại phần vốn đã đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Tiến - CB CĐ Dầu khí VN: Khi còn công tác tại TCty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tôi cũng như CB CNVC-LĐ được hưởng một số cổ phần nhất định mà hiện đã thành CP vì TCty đã niêm yết. Với 27 năm công tác tôi được nhận 2.700 CP. Từ góc độ của CB CĐ, tôi thấy đây là hình thức hiệu quả để gắn bó NLĐ với DN, đồng thời tăng thêm tinh thần trách nhiệm của NLĐ đối với DN. Ở góc độ của NLĐ thì tôi cho rằng chỉ riêng hình thức này cũng chưa đủ để giữ chân NLĐ, nhất là người giỏi, bởi điều quan trọng vẫn là công việc ổn định, thu nhập khá.

Các tin tức khác

>   Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của HAGL (09/11/2007)

>   Casumina và Continental AG hợp tác (09/11/2007)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (08/11/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai (08/11/2007)

>   Định giá thương hiệu: Bao nhiêu cho đủ? (08/11/2007)

>   Nhà đầu tư nước ngoài mua 60% lượng cổ phiếu Khu công nghiệp Tam Phước (08/11/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Công nghiệp và XNK Cao Su (07/11/2007)

>   Gia hạn Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Giấy Viễn Đông (07/11/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (07/11/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Nhựa Xây dựng Đồng Nai (07/11/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật