SCIC phải là tổ chức đầu tư chiến lược của Chính phủ
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cần khẩn trương nghiên cứu và xây dựng nghị định mới để SCIC hoạt động hiệu quả nhất, thực sự là tổ chức đầu tư chiến lược của Chính phủ.
Làm việc với lãnh đạo SCIC ngày 18/10, tại Hà Nội, nhằm giải quyết một số khó khăn vướng mắc mà SCIC gặp phải sau hơn 1 năm hoạt động, Phó Thủ tướng nêu rõ, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, SCIC đã bước đầu thực hiện việc quản lý nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có hiệu quả tốt, hình thành chế độ quản lý kinh doanh có mục đích tương đối rõ và hợp lý.
Tuy nhiên, kết quả đạt được của SCIC mới chỉ là bước đầu. Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới SCIC cần phân định rõ ràng và minh bạch trách nhiệm của SCIC với các doanh nghiệp thuộc địa phương hoặc do các bộ quản lý.
Theo báo cáo của SCIC, đến hết ngày 15/10, Tổng công ty đã thực hiện chuyển giao vốn Nhà nước tại 775 doanh nghiệp với tổng số vốn theo giá trị sổ sách là 7.518 tỷ đồng; thực hiện bàn giao vốn nhà nước đầu tư tại 3 Tổng công ty gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim); Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC).
Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị SCIC, cho biết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận doanh nghiệp và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau chuyển giao, SCIC bước đầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu, phân loại, phân nhóm doanh nghiệp trên cơ sở các tiêu chí về ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, tỷ lệ vốn, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Tâm cũng đã nêu ra một số vướng mắc mà SCIC gặp phải như việc chậm bàn giao các doanh nghiệp cho SCIC, việc kế thừa người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mới nhận bàn giao và kịp thời có phương án kiện toàn người đại diện, tái cơ cấu doanh nghiệp.
TTXVN
|