Cổ phiếu ngân hàng: Lên sàn có cứu được giá?
Trong số các chứng khoán niêm yết tái tăng giá, cổ phiếu của 2 ngân hàng ACB và STB cũng nhanh chóng phục hồi trở lại sau một thời gian dài "ngủ đông". Thế nhưng, trên thị trường OTC, giá cổ phiếu ngân hàng vẫn "bình chân như vại".
TTCK hồi phục mạnh mẽ trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10, thu hút lượng tiền lớn của NĐT đổ vào CK, với khối lượng giao dịch đạt mức bình quân trên 1.500 tỉ đồng trong những phiên đầu tháng 10.
Mất dần tính thanh khoản
Giá cổ phiếu ngân hàng (CPNH) tăng chậm so với các CP niêm yết trên TTCK nói chung và giá 2 CPNH ACB, STB nói riêng. Cụ thể: CP ABBANK vẫn đứng ở mức trên dưới 400.000 đồng/CP (mệnh giá 100.000 đồng); Sounthern Bank vẫn đứng ở ngưỡng 38.000 - 40.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng)...
Duy chỉ có CP của Eximbank, VP Bank, Habubank phục hồi nhẹ khoảng 10 - 20% so với tháng trước. Tính thanh khoản của CPNH trên thị trường OCT đang yếu dần so với các CP trên sàn chính thức.
Theo đánh giá của ông Đinh Như Đức Thiện, Trưởng phòng Phân tích CTCK Gia Quyền (EPS), sở dĩ giá CPNH trên sàn OTC tăng chậm do tính thanh khoản của hầu hết các CP chưa niêm yết đang yếu dần.
NĐT, trong đó đáng chú ý là các NĐT nhỏ, lẻ của VN không còn mặn mà với CP trên thị trường OTC. Một phần, do OTC thiếu tính minh bạch, chưa có sự quản lý chặt chẽ nên nguy cơ rủi ro cao.
Thứ hai, giá CPNH, nhất là các NH quy mô nhỏ đã "sốt" cao trước đó. Do vậy, sau khi sụt giảm mạnh khó có thể lấy lại đà tăng như trước. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến CP của NH quy mô nhỏ khó vực được giá khi TTCK tái gia tăng.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng thừa nhận, so với các ngành nghề khác NH vẫn là lĩnh vực phát triển tốt, an toàn và còn nhiều tiềm năng để khai thác. Đặc biệt, kết quả của các NH thu về trong thời gian gần đây cho thấy, tài chính vẫn là ngành thu lại nguồn lợi cao.
9 tháng, Tập đoàn ACB thu về gần 1.500 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó ACB chiếm gần 1.300 tỉ đồng; Sacombank cũng đạt hơn 1.000 tỉ đồng sau 9 tháng hoạt động...
Cả những NH nhỏ cũng có kết quả kinh doanh đáng kể. Đơn cử như HDBank vốn điều lệ 500 tỉ đồng, nhưng 9 tháng thu về gần 110 tỉ đồng lợi nhuận.
GĐ một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, giá CPNH giao dịch trên sàn OTC đang mất dần tính thanh khoản một phần do NĐT đang dành vốn để tham gia IPO của Vietcombank. Sức hút IPO của Vietcombank đang làm CPNH mất tính hấp dẫn đối với NĐT.
Theo ông này, nhiều khả năng giá CPNH sẽ được tái lập mặt bằng giá mới sau khi IPO của Vietcombank kết thúc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả CP của các NH đều tăng giá trở lại mà còn tuỳ thuộc vào tiềm lực, chiến lược cũng như quy mô phát triển của từng nhà băng.
Rậm rịch niêm yết
Trong một thông báo phát đi cho các cổ đông vào đầu tháng 10, VIB Bank đã thông báo việc chuẩn bị niêm yết CP trên sàn CK TPHCM vào cuối năm nay, đồng thời hoàn tất việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài.
VIB Bank đã định niêm yết CP trên sàn CK Hà Nội vào cuối năm 2006, nhằm chạy đua hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các Cty niêm yết trước ngày 1.1.2007. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan VIB Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết và đến nay bắt đầu rậm rịch lên sàn.
"Việc xây dựng kế hoạch lên sàn của chúng tôi một phần cũng vì mục tiêu nâng cao tính thanh khoản của CP", một cán bộ VIB Bank cho biết. Hiện VIB Bank đã trở thành Cty đại chúng, với tổng tài sản đạt trên 23.000 tỉ đồng; vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng.
Bên cạnh VIB Bank, hiện một số NH khác cũng có ý định đưa CP lên sàn CK. Theo kế hoạch của DongA Bank, sau khi CPH các Cty con trực thuộc dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay hoặc đầu năm tới, NH bắt đầu tính đến phương án lên sàn...
Có thể nói, việc niêm yết CP để nâng tầm hoạt động, thương hiệu cũng như tính thanh khoản đang thôi thúc các NH tham gia TTCK.
Theo đánh giá của ông Lê Nhị Năng - Phó TGĐ Sở GDCK TPHCM (HoSE), giá CP giao dịch trên OTC sẽ khó có thể sôi động như cuối năm 2006 và đầu 2007. Trên thực tế, thời gian gần đây giá CP niêm yết liên tục tăng hút lượng tiền lớn đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, lượng tiền NĐT chủ yếu bỏ vào các CP trên sàn, còn OTC vẫn trầm lắng. Thậm chí, nhiều NĐT phải chịu lỗ bán CP OTC để mua trên sàn, vì nguồn vốn được đảm bảo hơn.
LĐ
|