Cổ phiếu ngân hàng chờ tín hiệu từ VCB
Dự báo cuộc đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) sẽ sôi động. Nhiều nhà đầu tư vì không mua được VCB nên họ có thể chuyển sang mua cổ phiếu ngân hàng khác, làm cho giá cổ phiếu ngân hàng sẽ nóng lên.
Trong những ngày này, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng đang nóng lòng chờ thông tin công bố mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược và kết quả cuộc đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của VCB có thể xảy ra cuối tháng này hoặc tháng sau. Nếu giá IPO của VCB cao, sẽ kéo giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại khác lên, còn nếu thấp nó sẽ đè giá cổ phiếu toàn ngành ngân hàng xuống theo.
Lợi nhuận cao vẫn chưa kéo được giá lên
Năm 2007, lần đầu tiên các ngân hàng thương mại cổ phần đạt mức lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng cao nhất. Theo công bố của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đến hết tháng 9, đơn vị này đạt lợi nhuận trước thuế là 1.450 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với cả năm 2006; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) đạt lợi nhuận trước thuế là 1.006 tỉ đồng, tăng 1,6 lần so với cả năm ngoái. Còn các ngân hàng chưa niêm yết khác như: Eximbank, Techcombank, OCB, SCB... cũng đã đạt và vượt lợi nhuận cả năm ngoái với mức rất cao.
Mặc dù có các chỉ số tài chính tốt, lợi nhuận tăng trưởng cao, thế nhưng trên thị trường chứng khoán VN hiện nay giá cổ phiếu của các ngân hàng lại đang ở mức “hạng ruồi” (trừ ACB). Bởi thước đo giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp ngành này hiện chỉ trông vào cổ phiếu của ACB và STB niêm yết trên sàn. Nhưng thật trớ trêu, hai mã này đã hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc giao dịch hằng ngày chỉ “đơn độc” có các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước với nhau. Vì thiếu đối tượng cạnh tranh, thiếu các nhà đầu tư lớn tham gia nên mức giá ACB và STB bị kìm nén, thường tăng chậm hơn so với các cổ phiếu ngành khác còn nhiều room cho nước ngoài.
Sẽ diễn ra sôi động
Theo đề án được Chính phủ phê duyệt, VCB có vốn điều lệ là 15.000 tỉ đồng, trong đó sẽ bán khoảng 20% (tức 3.000 tỉ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và bán ra công chúng khoảng 6,5% vốn điều lệ, tương đương 975 tỉ đồng mệnh giá. Do thông tin về VCB vẫn còn trong vòng bí mật nên các nhà đầu tư phải bàn đến nhiều phương án để chuẩn bị cho cuộc đấu giá và chiến lược đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng. Nếu Chính phủ cho VCB giữ lại giá trị thặng dư trong đợt bán cổ phiếu lần này với tỉ lệ nhiều thì giá cổ phiếu bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và giá IPO lúc đó sẽ rất cao (vì nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều từ nguồn vốn thặng dư đó); còn nếu tỉ lệ để lại thấp thì giá bán cho nhà đầu tư chiến lược và giá IPO sẽ không cao như mức kỳ vọng.
Việc tham gia cuộc đấu giá mua cổ phiếu VCB là ước vọng của hàng ngàn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Vì vậy, nếu giá bán cho nhà đầu tư chiến lược có thấp, thì cuộc đấu giá IPO này cũng sẽ diễn ra sôi động.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ nóng theo ?
Do VCB IPO vào thời điểm thị trường chứng khoán đang theo xu hướng tăng, nên ngoài các yếu tố giá trị thực, còn được cộng thêm “lửa” của các nhà đầu tư. Vì vậy, chắc chắn cuộc IPO này sẽ thu hút mạnh số lượng nhà đầu tư tham gia trên cả nước. Khi thị trường IPO sôi động, giá cổ phiếu ngân hàng có thể cũng nóng theo. Sau khi IPO sẽ có nhiều nhà đầu tư không mua được VCB nên có thể họ chuyển sang mua cổ phiếu ngân hàng khác, làm cho giá cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, ngay thời điểm lình xình này nhiều nhà đầu tư nhìn xa đã gom cổ phiếu ngân hàng để đón trước cơ hội giá lên.
NLĐ
|