Các “đại gia” còn ngủ yên
Việc cổ phần hóa (CPH) của các doanh nghiệp thời gian qua, cho thấy nguồn hàng từ doanh nghiệp “đại gia” tung ra còn khiêm tốn và có lẽ còn nhỏ hơn nhiều lượng hàng mà các CTCP, Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần thực hiện việc tăng vốn điều lệ. Với các “đại gia” là ngân hàng, có lẽ trong năm 2007 chỉ có thể hoàn thành việc IPO Vietcombank nhưng với lượng hàng hóa ra công chúng không nhiều so với nguồn vốn trong dân cư.
Trong khi đó, tiến độ CPH của MHB, có lẽ phải sang năm 2008 mới hoàn thành. Với Incombank, mặc dù Ban lãnh đạo rất quyết tâm thực hiện nhanh việc CPH nhưng còn phải giải quyết nhiều công việc với các bên liên quan và dự kiến hoàn thành IPO vào quý 1-2008. Đối với BIDV, việc hoàn thành IPO cũng phải vào quý 2-2008. Còn Agribank thì chưa thấy tiến độ triển khai công tác đấu thầu tư vấn, có lẽ phải đến năm 2009.
Cùng nằm trong hàng ngũ “đại gia”, Mobiphone cũng không thể hoàn thành IPO trong năm 2007, mà phải dời đến quý 2-2008. Vinaphone thì chưa thấy tiến độ triển khai thực hiện, có lẽ phải sang năm 2009, hoặc 2010. Còn với Công ty di động Viettel thì không triển khai và EVN Telecom chưa có lộ trình.
Ở các tổng công ty nhà nước, hướng rõ nét nhất là CPH 2 Tổng Công ty Bia rượu Hà Nội và Sài Gòn. Theo nhận xét của Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), nhiều tổng công ty nằm trong danh sách CPH còn nhiều lúng túng, như xây dựng chiến lược phát triển tổng công ty ra sao khi chỉ hoạt động đơn thuần là đơn vị quản lý vốn trung gian cho nhà nước; bộ máy nhân sự của nhiều tổng công ty còn yếu kém hơn cả những đơn vị thành viên độc lập của tổng công ty đã CPH?.
Có lẽ trong giai đoạn từ cuối năm 2007 đến hết năm 2008, nguồn hàng hóa cơ bản và hấp dẫn từ CPH cho TTCK là những NHTM, Mobifone, 2 tổng công ty Bia rượu. Nguồn IPO này cũng không phải là nhiều khi dự kiến một tỷ lệ lớn 20%/vốn điều lệ sẽ dành cho các đối tác chiến lược nước ngoài, chỉ khoảng 10% - 15% mới thực hiện đấu giá ra công chúng. Nguồn hàng này sẽ làm cho thị trường sôi động và sẽ không ảnh hưỏng tiêu cực đến sự phát triển thị trường cũng như không cần thiết phải có sự điều tiết IPO.
Quan sát động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng 10 tới nay, dễ nhận thấy sức mua giảm sút so với thời điểm cuối tháng 9. Cũng có thể do giá nhiều cổ phiếu đã tăng lên khoảng 30%. Ngoài ra nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư bằng cách bán hoặc bán 1 phần những cổ phiếu tăng trưởng chậm, những cổ phiếu có giá cao hơn tốc độ tăng trưởng, hoặc hiện thực hóa những khoản đầu tư ở mức giá có lãi. Điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại đang sẵn sàng bỏ vốn vào các cuộc IPO.
Trong quý 2 và 3 năm nay, TTCK rơi vào ảm đạm, nhiều doanh nghiệp niêm yết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch huy động vốn, đồng thời nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết cũng trì hoãn việc niêm yết. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã gấp rút chuẩn bị việc niêm yết mới gia tăng được tính thanh khoản của cổ phiếu, giảm sức ép từ cổ đông hiện hữu. Dự kiến từ nay đến hết tháng 2-2008 sẽ có thêm khoảng 50 doanh nghiệp mới tham gia niêm yết trên sàn giao dịch. Đây cũng sẽ là một yếu tố làm cho TTCK thêm sôi động.
Vậy liệu các “đại gia” có còn ngủ yên?
SGGP
|