Đấu giá PVFC: Nhà đầu tư cá nhân bị... trúng kế?
Cuộc đấu giá của Công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC) diễn ra không khác mấy kịch bản của các nhà “làm giá”. Có 99% nhà đầu tư cá nhân đã trúng giá, và 70% nhà đầu tư tổ chức trượt giá ra về tay không
Thặng dư béo bở cho PVFC
Tuy khá nhiều ý kiến cho rằng cuộc đấu giá của Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) không hấp dẫn, nhưng Trung tâm giao dịch Hà Nội (HaSTC) phải mất hai ngày làm việc (19 – 20.10) để xác định kết quả vì khá đông (8.212) nhà đầu tư tham gia. Kết quả, giá đấu thành công cao nhất là 170.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp ba lần so với giá khởi điểm 51.000 đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công thấp nhất là 66.600 đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công bình quân là 69.974 đồng/cổ phiếu.
Một nhà đầu tư kể, trước ngày đấu giá, một tổ chức đăng ký 15 triệu cổ phiếu và đi rao giá ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư cá nhân rơi đúng vào “trận đồ” làm giá của họ. Có 99% là nhà đầu tư cá nhân trong số 4.322 người trúng đấu giá. Nhờ vào sự nhiệt tình của nhà đầu tư cá nhân, PVFC bán thành công toàn bộ gần 60 triệu cổ phiếu đấu giá, tiền thu về xấp xỉ 4.200 tỉ đồng, thặng dư 1.000 tỉ đồng so với giá bán khởi điểm. Chính nhà đầu tư cá nhân đã mang thặng dư béo bở đó về cho PVFC.
Ngược lại, rất ít tổ chức chịu mua với giá trên. Mặc dù có 121 nhà đầu tư tổ chức đăng ký tham gia, chỉ có 43 tổ chức trúng giá. Hơn nữa, số cổ phần trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài chưa đến 1%. “Nhiều tổ chức bỏ giá chưa đến 60.000 đồng/cổ phiếu”, nhà đầu tư tên Lê mua được 10.000 cổ phiếu với giá 67.000 đồng/cổ phiếu nhận xét.
Lý do chính khiến nhiều tổ chức bỏ giá chưa đến 60.000 đồng bởi giá khởi điểm PVFC đưa ra, theo giới phân tích, đã khá cao. Trước khi đưa 11,93% vốn ra đấu giá, PVFC đã tăng vốn điều lệ gần 3 lần trong năm 2007 với gần 3.000 tỉ đồng. “PVFC tăng vốn rồi đưa ra bán khiến giá không còn hấp dẫn. Chính cách tăng vốn đó làm loãng giá trị PVFC, nhiều tổ chức phân tích nhận thấy 51.000 đồng/cổ phiếu là giá không hấp dẫn”, một phân tích viên chứng khoán nói. “Đồng thời, PVFC gặp thời khi đấu giá đúng thời điểm thị trường ấm trở lại, nhiều nhà đầu tư cá nhân không ngần ngại bỏ tiền vào”, một chuyên gia nhận xét.
Nguy cơ mất thế độc quyền
Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietNam), và là một định chế tài chính phi ngân hàng tiếng tăm có vốn điều lệ lớn đấu giá, PVFC được nhiều nhà đầu tư trông đợi trong tháng 10. Nhà nước hiện đang nắm giữ 70% vốn PVFC. Từ 2008 – 2011, PVFC sẽ thực hiện bán bớt phần vốn nhà nước để hạ mức nắm giữ xuống còn 40%.
PVFC định hướng phát triển thành một định chế tài chính đầu tư, bán buôn là chính. Trước khi bán đấu giá ra ngoài, PVFC thành lập 3 công ty con, gồm cổ phần Đầu tư - PVFC Invest, Bất động sản - PVFC Land, Truyền thông - PVFC Media. Sắp tới, PVFC sẽ lập thêm công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm. Theo ông Lê, PVFC là công ty tài chính, hoạt động đầu tư là chủ yếu, một phần giống quỹ đầu tư nên nhà đầu tư sẽ căn cứ vào chỉ số giá trị tài sản thuần (NAV) để đánh giá hiệu quả hoạt động. Thị trường lên thì nhà đầu tư nhờ, thị trường xuống thì phải chịu.
Nhưng rủi ro lớn nhất trong mắt nhà đầu tư là khả năng PVFC phải cạnh tranh với “mẹ” của mình. Theo đó, PetroVietNam đã tiến hành xin thành lập ngân hàng dầu khí. Vì vậy, tuy được cho là “xương sống tài chính” của tập đoàn, PVFC đứng trước một khả năng buộc phải sẻ chia, trước hết là khách hàng “VIP” PetroVietNam, và một lượng khách hàng là các thành viên trong tập đoàn. “Đó là bất lợi cho hoạt động của PVFC”, ông Lê nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, việc bán cổ phần suôn sẻ của PVFC cho thấy “cơn khát” của giới đầu tư cá nhân trước các đợt đấu giá ra ngoài sắp tới của các đại gia. “Qua PVFC, có thể thấy IPO Vietcombank được chờ đợi như thế nào”, ông nói.
SGTT
|