Định giá là định giá gì?
DĐDN đã đăng bài “Một cổ, hai tròng” với nội dung nói về những bất hợp lý trong thu tiền thuê nhà, thuê đất đối với những DN CHP từ DNNN tại Hải Phòng. Sau khi bài báo đăng, DĐDN tiếp tục nhận được thông tin về những bất hợp lý trong quản lý đối với các DN này.
Chẳng hạn, một DN đã CPH từ năm 1999 gửi công văn tới UBND thành phố Hải Phòng khẳng định: Nhà nước đang thu tiền thuê nhà trên diện tích... không còn nhà. Để dẫn chứng, DN này nêu: "Khi xác định giá trị DN, Nhà nước đã tính hết giá trị phần xây dựng cải tạo mới, phần xây dựng này trước đây là lán trại, kho dụng cụ... nằm trên khuôn viên nhà thuê của Nhà nước". Nghĩa là, những vật kiến trúc mà Nhà nước dùng cho DN này thuê đã không còn. Nhưng thực tế thì từ năm 1999 đến nay DN này vẫn tiếp tục trả tiền cho Nhà nước để thuê những vật đã... không còn ấy? Đó là bất hợp lý thứ nhất.
Thứ hai, cũng theo trình bày của DN, thì hiện "người đầu tư 100% vốn xây nhà lại phải nộp tiền thuê nhà cho Nhà nước". Theo đó, sau khi trở thành Cty CP, DN phải xây dựng nhà xưởng kinh doanh. Nhưng do DN đang thuê nhà Nhà nước, nên đương nhiên DN phải "xin" Cty Kinh doanh nhà đứng ra làm... chủ đầu tư, đứng tên trong các thủ tục cải tạo, xây mới nhà.... Dù Cty này chẳng phải bỏ một đồng vốn nào. Sau khi xây dựng xong, DN thuê nhà tiếp tục đều đặn trả tiền thuê cho Cty kinh doanh nhà. Dù khi ấy, tài sản cho DN thuê của Cty Kinh doanh nhà thực tế không còn nổi... một viên gạch?
Thực tế dường như còn phức tạp hơn cả trình bày của DN. Rõ ràng là, giá trị phần vật kiến trúc của Nhà nước do Cty Kinh doanh nhà đang quản lý tại DN khi CPH đã không được định giá. Vì Nhà nước chỉ bán tài sản tại DN đang CPH này. Chứ không định giá và bán phần tài sản của một DNNN khác (nhà của Cty Kinh doanh nhà) cho các cổ đông tại DN đang CPH. Về nguyên tắc, cách làm này không sai. Tuy nhiên, tính thiếu thực tiễn của nó thể hiện ở chỗ phát sinh đặc quyền cho một DN và làm giảm khả năng phát triển kinh doanh của một DN khác. Trong đó, DN được hưởng đặc quyền là Cty Kinh doanh nhà, còn người bị giảm khả năng kinh doanh là Cty CP. Ví dụ đã dẫn ở trên.
Mặt khác, cả hai DN đều sử dụng chung một tư liệu sản xuất (nhà của Nhà nước), nhưng lại chỉ có Cty CP buộc phải đầu tư để phát triển sản xuất. Cty Kinh doanh nhà mặc nhiên được hưởng lợi từ việc đầu tư của Cty CP. Tài sản đã đầu tư (cải tạo, xây mới) của Cty CP chỉ có thể là công cụ kinh doanh chứ không được công nhận là tài sản hợp pháp để thế chấp, cầm cố. Như vậy là Cty CP đã mất cơ hội để huy động vốn. Cũng có nghĩa là cách làm "đúng nguyên tắc" trong định giá tài sản để CPH DNNN đã hạn chế quyền định đoạt với tài sản và quyền kinh doanh của DN.
Cho đến nay, Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh để CPH DNNN. Trong đó nhiều nội dung quan trọng như bán cổ phần, định giá đã có những thay đổi cơ bản. Chẳng hạn, hiện nay DN có quyền lựa chọn thuê hoặc "mua" quyền sử dụng đất của Nhà nước. Giá trị vật kiến trúc có thể được định giá và bán toàn bộ cho cổ đông Cty CP. Thế nhưng, thực tế là có nhiều DN - nhất là DN CPH trong giai đoạn trước năm 2005 - lại không được quyền lựa chọn phương án định giá như những DN CPH sau này. Về bản chất, những DN này chưa có tính chủ động thực tế trong hoạt động do vẫn phụ thuộc về tư liệu sản xuất vào Nhà nước. Mà, khi còn phụ thuộc, khi quyền lợi các DN đã khác nhau, thì không thể nói tới môi trường kinh doanh đã bình đẳng, công bằng. Đó là vấn đề đang cần có sự điều chỉnh ngay để giải phóng khả năng kinh doanh của DN, thúc đẩy việc đạt tới mục đích cải tạo, phát triển DNNN của Nhà nước.
DDDN
|