Thứ Sáu, 21/09/2007 14:52

Khối CTCK thuộc ngân hàng tăng vốn đến “chóng mặt”

Gần đây, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) trực thuộc ngân hàng đua nhau tăng vốn điều lệ. Ngày 11/9, CTCK SBS (trực thuộc Ngân hàng Sacombank) công bố việc tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.

Ngày 6/9 vừa qua, CTCK Ngân hàng Á châu - ACBS cũng công bố tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên 500 tỷ đồng. Trước đó, ngày 17/8, vốn điều lệ của CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) cũng chính thức được điều chỉnh tăng từ 135 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Chỉ sau gần 3 quý đi vào hoạt động, CTCK Ngân hàng Phương Đông (ORS) cũng nhanh chóng nâng tổng vốn điều lệ lên gấp đôi vào ngày 6/9 vừa qua. Hiện vốn điều lệ của ORS đạt 120 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 330 tỷ đồng vào hồi tháng 4/2007 (vốn điều lệ cũ là 50 tỷ đồng), CTCK Ngân hàng An Bình (ABS) còn đưa ra tham vọng sẽ điều chỉnh vốn tăng lên 1.200 tỷ đồng vào cuối năm nay. ABS cho biết, để có đủ năng lực và nâng cao sức cạnh tranh khi thị trường ngày càng có thêm nhiều CTCK tham gia hoạt động, cách tốt nhất là ABS phải tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ tăng lên, Công ty sẽ có điều kiện để nâng cấp, đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động, nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng. Hiện ABS đã có trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh ở TP. HCM, phòng nhận lệnh tại Cần Thơ… Mặt khác, mục tiêu của ABS đưa ra trong năm nay là đạt kế hoạch lợi nhuận trên vốn khoảng 20 - 30%.

Còn ông Đặng Văn Thành, Chủ thịch HĐQT Sacombank kiêm Chủ tịch SBS từng cho hay, hoạt động dịch vụ chứng khoán sẽ gia tăng mạnh song hành với sự phát triển của TTCK Việt Nam. Do vậy, Sacombank luôn chú trọng đến việc mở rộng quy mô cũng như nâng cao năng lực tài chính cho CTCK trực thuộc là SBS. Mục tiêu lâu dài của SBS là trở thành một trong những CTCK hàng đầu trên TTCK Việt Nam về sức mạnh tài chính, công nghệ thông tin, thị trường và khách hàng. SBS đã và đang trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Hiện SBS đã ký hợp đồng mua giải pháp phần mềm của DST International (DSTi) - một trong những nhà cung cấp giải pháp phần mềm hàng đầu trong khu vực. Với hệ thống này, SBS có đủ điều kiện và khả năng kết nối trực tiếp với HOSE và TTGDCK Hà Nội. Bên cạnh đó, Công ty còn có dịch vụ giao dịch trực tuyến cho các nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ phục vụ nhà đầu tư trong nước mua bán chứng khoán qua Internet ngay sau khi HOSE triển khai giao dịch không sàn.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc chạy đua tăng vốn điều lệ của các CTCK trực thuộc ngân hàng thời gian gần đây không loại trừ mục tiêu ngân hàng mẹ đang lách Chỉ thị 03 bằng cách rót vốn cho CTCK “con” làm repo (mua - bán chứng khoán có kỳ hạn). Thực tế, sau một thời gian tạm ngưng cho vay, gần đây đã có một số ngân hàng ra thông báo cho vay cầm cố chứng khoán trở lại thông qua CTCK hoặc các CTCK trực thuộc ngân hàng mẹ vẫn duy trì hình thức repo cho nhà đầu tư. Đơn cử như Ngân hàng SeABank Hà Nội đã phối hợp với CTCK con là SeABS vào cuối tháng 8 vừa qua để cung cấp dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán.

Tại SBS, Công ty này vẫn cung cấp dịch vụ repo cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, SBS có sự chọn lọc các loại cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC khi nhà đầu tư có nhu cầu repo. SBS cho nhà đầu tư repo tối đa 50% thị giá cổ phiếu giao dịch tại thời điểm ký hợp đồng, với mức lãi suất 1,2%/tháng. Trong khi trước đó khoảng 3 tháng, hầu hết CTCK trực thuộc ngân hàng đều tạm ngưng repo, vì các ngân hàng mẹ đã ngưng “rót” vốn. Thế nhưng, ông Thành khẳng định, nếu thực sự muốn rót vốn cho nhà đầu tư thông qua hình thức repo, không nhất thiết phải lạm dụng việc tăng vốn điều lệ của CTCK con, mà có thể làm nhiều cách khác. Mặt khác, hiện Sacombank cũng đang triển khai dịch vụ cho vay cầm cố cho đến khi chạm ngưỡng 3% trên tổng dư nợ.

Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành dịch vụ chứng khoán, về cơ bản việc tăng vốn điều lệ sẽ hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng vốn điều lệ quá nhanh của các CTCK cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vì thực tế, khi hệ thống giao dịch chứng khoán được triển khai ổn định, các CTCK không nhất thiết phải bành trướng quy mô hoạt động, chỉ cần đầu tư công nghệ theo chiều sâu.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   TS4 sẽ tổ chức đấu giá 2 triệu cổ phần ra bên ngoài (21/09/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho COM (21/09/2007)

>   Công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (21/09/2007)

>   SHC: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông nội bộ (21/09/2007)

>   TNC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (21/09/2007)

>   MHC lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (21/09/2007)

>   “Chết” vì chữ “ngoại”! (21/09/2007)

>   Mở “room” không bằng tăng cung? (21/09/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho SIC (20/09/2007)

>   Chứng chỉ quỹ thời biến động (20/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật