“Chết” vì chữ “ngoại”!
Thời gian gần đây, những báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế như HSBC và Merrill Lynch đã làm khuynh đảo thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp nhiều phản biện của nhiều tổ chức, cá nhân Việt Nam vạch ra những điều mà theo họ là không chính xác.
Điều gì đã làm cho các báo cáo này có sức nặng ghê gớm đến vậy?
Trước khi tìm câu trả lời, xin nhấn mạnh rằng trong bài viết này, người viết sẽ không bàn đến việc liệu các luận điểm trong các báo cáo trên có đúng đắn hay không, tuy rằng tác giả bài viết này cho rằng một số trong số đó là không. Tương tự như vậy, người viết cũng sẽ không bàn đến việc liệu các phản biện của các tác giả Việt Nam có đúng đắn hay không, mặc dù tác giả bài viết này cũng cho rằng nhiều trong số chúng là không hoàn toàn đúng.
Có lẽ rất ít nhà đầu tư Việt Nam không bị “khớp” bởi những cái tên như HSBC hay Merrill Lynch. Có thể nói không quá rằng một trong những nơi mà tâm lý “sợ ngoại, theo ngoại” được thể hiện rõ nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam. Cũng phải thôi, thử điểm mặt xem liệu có mấy tổ chức, mấy chuyên gia, học giả người Việt có đủ uy tín (và trình độ) để dẫn dắt dư luận?
Trong khi đó, chỉ nội những cái tên của những gã khổng lồ ngoại quốc nêu trên thôi cũng đủ làm người ta “chết khiếp” vì cho rằng ắt hẳn bộ phận nghiên cứu của những tổ chức này to đùng, quy tụ toàn những chuyên gia giỏi tầm cỡ quốc tế, nói gì trúng đấy; vì suy nghĩ họ có thừa tiền và tiếng tăm để tuyển dụng được những người này.
Thực tế không phải vậy! Tác giả bài viết này đã từng có dịp tiếp xúc và làm việc với một số tổ chức nghiên cứu, tài chính lớn nhỏ mà trong số đó có những cái tên nếu đem so sánh với HSBC thì cũng “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Bộ phận nghiên cứu của những tổ chức tài chính này thực ra rất gọn nhẹ, thường được bố trí ở một số nước làm bản doanh nghiên cứu cho những khu vực tương ứng.
Ví dụ, về châu Á thì các tổ chức này thường đặt bộ phận nghiên cứu độc lập ở Hồng Kông và Singapore, phụ trách tương ứng các vùng lân cận trong khu vực. Mỗi bộ phận này thường có không quá 10 nhà nghiên cứu (trong phạm vi các tổ chức mà tác giả biết). Con số này thường lại được phân chia để một (số) nhà nghiên cứu phụ trách một (số) thị trường nhất định.
Tất nhiên, khi hoàn thành một báo cáo quốc gia nào đó, các vấn đề cũng được đưa ra mổ xẻ và thông qua ở bộ phận, nhưng thường không có mấy thay đổi lớn so với nguyên bản của (các) tác giả ban đầu.
Điều quan trọng hơn là những người chấp bút làm báo cáo này thường không phải là người bản địa (ví dụ viết về Việt Nam nhưng lại không phải là người Việt Nam) nên họ không thể/không biết rõ tình hình nước đó bằng người bản địa. Nhiều báo cáo được thực hiện sau một vài ngày đi “thực tế” đến nước sở tại. Điều quan trọng không kém là không phải mọi nhà nghiên cứu ở những tổ chức này đều là những chuyên gia nghiên cứu, phân tích theo đúng nghĩa của nó.
Như tác giả đã từng viết trong bài “Quỹ đầu tư nước ngoài lựa chọn cổ phiếu như thế nào?” trên VnEconomy ngày 15/1, không phải tất cả những người làm nghiên cứu trong các tổ chức này đều giỏi, đều có một cái chứng chỉ kỹ năng mà theo tác giả là cực kỳ quan trọng và cần thiết cho loại hình công việc này - bằng tiến sỹ trong lĩnh vực liên quan, được kiểm nghiệm bởi một thành tích xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Hai điều giới hạn này (bên cạnh những điều khác) làm cho báo cáo quốc gia/thị trường của các tổ chức này đều dừng lại ở mức khá chung chung, không có mấy số liệu tự xây dựng và thông tin tự khai thác, không có/sử dụng những phương pháp phân tích và điều tra đúng đắn, để rồi từ đó những kết luận và khuyến nghị đưa ra, theo tác giả, là không hoàn toàn thuyết phục và có đầy đủ cơ sở, thường chỉ là cảm tính (chẳng hạn dự đoán thị trường sẽ xuống dưới 900 điểm).
Cũng có những báo cáo sử dụng đến những công cụ phân tích phức tạp hơn, như của Goldman-Sachs, trong đó có nói rằng Việt Nam có thể đứng thứ 17 về tiềm lực kinh tế vào năm 2025 (với GDP lên tới 436 tỷ USD). Như người viết đã từng phản biện trong một bài báo khác, chỉ cần mấy phép tính đơn giản cũng đủ thấy những nhận định kiểu này là phi thực tế, cho dù chúng được hình thành một cách rất có căn cứ.
Tất nhiên, lập luận như trên không thể phủ nhận được một điều rằng những báo cáo loại này rất có tính thuyết phục người đọc, bất chấp chúng chứa nhiều điều còn phải bàn. Ngoài cái “uy” của tổ chức mà người chấp bút đang làm việc (thực sự mà nói thì tác giả của những báo cáo này phần lớn là vô danh nếu tên của họ không được gắn họ với những thương hiệu như HSBC và Merrill Lynch), điều làm nên chuyện có lẽ nằm ở văn phong của người chấp bút.
Nếu có thể làm một phép so sánh, thì thật khó chỉ ra một báo cáo/bài viết của một tổ chức hoặc cá nhân trong nước nào có lối hành văn súc tích và chuyên nghiệp hơn những báo cáo của các tổ chức này. Ở đây, chẳng cần nhiều bột họ cũng có thể gột nên hồ!
Những yếu tố này gộp lại làm bản báo cáo của các tổ chức lớn này trở nên rất có ảnh hưởng đối với nhà đầu tư Việt Nam, cho dù không ít trong số họ vẫn bán tín bán nghi. Và như một quy luật, tin hay không thì không ai muốn là người chậm chân hơn người khác trên thị trường, khi người ta ý thức được rằng tâm lý bầy đàn sẽ hình thành, sớm hay muộn.
Như thế, kết cục thường sẽ không hiếm khi xảy ra sai so với dự đoán trong những báo cáo này. Một đôi lần tình cờ đúng như vậy thì tất nhiên là uy tín của những báo cáo loại này càng tăng vọt lên, để rồi mỗi lần các báo cáo này chuẩn bị ra đời là mỗi lần các nhà đầu tư Việt Nam lại được một phen thót tim.
Trong chừng mực Việt Nam chưa có một tổ chức hay cá nhân nào có tầm cỡ ít nhất ở khu vực đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan và khoa học, tình trạng khuynh đảo thị trường chứng khoán Việt Nam của những báo cáo ngoại chắc sẽ còn tiếp diễn dài dài.
VnEconomy
|