Cho, tặng cổ phiếu: Cơ quan quản lý bó tay?
Thời gian gần đây, trên TTCK xôn xao trước những thông tin về thành viên HĐQT của một số công ty tặng quyền mua, cho CP với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Dư luận đón nhận những thông tin này với những cái nhìn trái ngược nhau và đặt vấn đề liệu rằng có hay không sự thông đồng để chuyển nhượng CP?
Thông đồng chuyển nhượng = tặng, cho Lớn nhất trong một số vụ tặng CP gần đây là việc ông Lương Cao Tùng, thành viên HĐQT CTCP Xuất khẩu Bến Tre (mã ABT-HOSE) tặng 250.000 CP ABT đang sở hữu cho bà Nguyễn Thu Hương, chị vợ của ông. Với thị giá CP này khoảng 100.000 đồng thì trị giá số CP lên đến hơn 25 tỷ đồng.
Trao đổi với báo giới, đại diện Sở GDCK TPHCM cho biết, đây là vụ trao tặng lớn nhất từ trước đến nay. Song vì là tặng cho nên ông Tùng không phải giải thích lý do chuyển nhượng với trung tâm. Trước đó, bà Lê Minh Trang, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (mã SAV-HOSE), cũng quyết định tặng quyền mua ưu đãi 6.580 CP SAV cho 2 nhân viên.
Luật không cấm
Xét trên góc độ pháp lý, tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp cũng không có quy định cụ thể nào về việc cho, tặng CP, trong khi đó, đây là một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc vì dưới nhiều góc độ khác nhau, hành động này có thể sẽ bị lợi dụng.
Nếu như cổ đông nội bộ muốn chuyển nhượng CP thì trước đó họ phải công bố thông tin, và nếu số lượng CP chuyển nhượng lớn thì có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền khiến giá CP giảm. Còn trong trường hợp là cho, tặng CP nếu có sự thông đồng giữa người cho và người nhận thì nhà đầu tư sẽ khó nhận biết, và có thể chỉ biết khi người nhận bán CP ra bên ngoài. Trường hợp này nếu xảy ra, nhà đầu tư sẽ khó phát hiện vì cũng không có quy định nào ràng buộc người nhận CP không được bán ra. Nếu hành vi này bị lợi dụng thì giá loại CK đó sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng nhà đầu tư khác sẽ bị thiệt hại nếu công ty đó đang làm ăn thua lỗ, lãnh đạo doanh nghiệp tìm cách bán tháo CP.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng theo thông lệ quốc tế, hành vi cho, tặng CP cũng không có quy định điều chỉnh sâu, tuy nhiên, những hành vi này cũng có thể dẫn đến tổn thương cho những nhà đầu tư khác nếu bị lợi dụng vì mục đích xấu. “Trên thực tế ở Việt Nam tôi cũng đã thấy có một số hiện tượng mang danh nghĩa là cho, tặng CP nhưng thực chất là bán CP” - ông Hải nói.
Sửa quy chế nhưng kiểm soát không dễ
Trao đổi với ĐTTC, một quan chức UBCKNN lại có cách giải thích khác, ông cho biết trên thực tế việc chuyển tên sở hữu (bằng hình thức cho, tặng) mà không phải giao dịch đã có trong hướng dẫn liên quan đến việc lưu ký, thanh toán, bù trừ CK của Trung tâm Lưu ký CK. Và việc chuyển tên sở hữu này theo quy định đã được coi là giao dịch của các cổ đông đặc biệt và họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế báo cáo thông tin. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nếu như việc này bị lợi dụng thì ngoài những ảnh hưởng liên quan đến nhà đầu tư, bản thân các CTCK, trung tâm lưu ký cũng sẽ bị ảnh hưởng vì thông qua hình thức này họ có thể trốn phí giao dịch vì việc chuyển tên sở hữu không bị mất bất kỳ khoản phí nào cho việc lưu ký số CP.
Cũng theo quan chức trên, hiện nay, UBCKNN đang tiến hành sửa quy chế liên quan đến việc lưu ký, thanh toán bù trừ trong đó cũng sẽ đề cập đến những nội dung liên quan đến việc chuyển đổi sở hữu theo hướng chặt chẽ hơn. Song ông cũng thừa nhận việc cho, tặng, thừa kế đã được quy định trong Luật Dân sự và trong bối cảnh giao dịch tiền mặt ở Việt Nam còn phổ biến thì việc kiểm soát đằng sau những hành vi cho, tặng có đúng hay sai là việc không phải dễ dàng.
SGGP
|