Tìm địa chỉ sinh lời cho đồng vốn
TTCK diễn biến bấp bênh, làm thế nào để đồng vốn của mình sinh lời hiệu quả là nỗi băn khoăn chung của cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Một cách để thực hiện mục tiêu này là sử dụng dịch vụ quản lý danh mục đầu tư của các công ty quản lý (QLQ) quỹ. Tuy dịch vụ này mới được khối công ty QLQ triển khai từ 1/1/2007 theo quy định tại Luật Chứng khoán, nhưng tại nhiều công ty, các sản phẩm quản lý danh mục đã được nghiên cứu từ lâu và thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng…
Đa dạng dịch vụ quản lý vốn
Ngày 12/9/2007, Công ty QLQ Việt Nam (VFM) đã ký hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với CTCP Nhiệt điện Phả Lại. Theo đó, Phả Lại sẽ ủy thác một khoản vốn đầu tư cho VFM tiến hành đầu tư vào TTCK. Sự kiện này đánh dấu việc sử dụng các dịch vụ đầu tư chuyên nghiệp của người đầu tư đối với loại hình quản lý danh mục đầu tư do một công ty QLQ cung cấp. Theo bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Chuyên viên phát triển kinh doanh của VFM thì hợp đồng với Phả Lại là hợp đồng đầu tiên về quản lý danh mục đầu tư của VFM, nhưng thực tế từ đầu năm đến nay, VFM đã thương thảo với hàng chục khách hàng để đi đến ký hợp đồng chính thức. Các khách hàng của VFM là những đối tượng có tài sản uỷ thác quản lý tương đối lớn (thường từ 10 tỷ đồng trở lên), thời hạn đầu tư trung và dài hạn (từ 2 năm trở lên) và mức độ chấp nhận mất vốn tối đa đến 30%.
Bên cạnh việc triển khai dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, VFM đang hoàn tất các thủ tục để cho ra đời một quỹ công chúng mới có tên là Quỹ đầu tư DN hàng đầu Việt Nam (VF4) với quy mô vốn khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Dự kiến, Quỹ sẽ ra đời vào quý IV/2007. Đối tượng nhà đầu tư được nhắm đến là các cá nhân, pháp nhân trong và ngoài nước. Mục tiêu đầu tư của Quỹ chủ yếu vào cổ phiếu của các DN hàng đầu, hoạt động trong các ngành cơ bản của nền kinh tế Việt Nam. Hiện VFM đang quản lý Quỹ VF1 (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) và VF2 (vốn điều lệ 400 tỷ đồng, đang tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng). Ngoài Quỹ đầu tư DN hàng đầu Việt Nam, hai quỹ khác mà VFM đang chuẩn bị cho ra đời là Quỹ Hưu trí bổ sung (dự kiến quý I/2008) và Quỹ địa ốc (quý III/2008).
Tại Công ty liên doanh Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), ông Trần Việt Anh, Quyền tổng giám đốc VCBF cho biết, số tiền mà Công ty nhận quản lý danh mục đầu tư tính đến hết tháng 8/2007 lên đến 550 tỷ đồng. Mặc dù mới triển khai dịch vụ quản lý danh mục đầu tư từ 1/1/2007, nhưng ông Việt Anh cho biết, VCBF đã có khá nhiều khách hàng do có lợi thế khai thác hệ thống khách hàng của ngân hàng mẹ (VCB, hiện nắm 51% vốn của VCBF) và các khách hàng từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương chuyển sang. Cũng theo ông Việt Anh, trong năm 2007, VCBF chưa đặt ra tiêu chí chọn lựa khách hàng, mà sẽ thiết kế những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Đối với những nhà đầu tư có khoản tiền uỷ thác nhỏ, VCBF khuyến khích việc gộp chung thành một nhóm đầu tư và quản lý khoản đầu tư như một quỹ đầu tư dạng nhỏ.
Ngoài việc quản lý 2 quỹ hiện có (Quỹ VPF1 vốn điều lệ 200 tỷ đồng và Quỹ Vietcombank Partners Fund 2 có vốn khoảng 120 triệu USD), VCBF đang tập trung phát triển dịch vụ quản lý danh mục đầu tư và lập một quỹ mới - VPF3 - với số vốn 500 tỷ đồng. Theo ông Việt Anh, tổng tài sản VCBF quản lý tính đến 31/8/2007 đạt khoảng 2.300 tỷ đồng.
Công ty QLQ An Phúc (An Phúc) cũng đang đẩy mạnh dịch vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Ông Lê Văn Thanh Long, Giám đốc đầu tư An Phúc cho biết, Công ty hướng đến đối tượng khách hàng có số vốn uỷ thác tối thiểu 1 tỷ đồng, thời gian uỷ thác được thiết kế linh hoạt, tối thiểu 1 năm, nhưng nếu nhà đầu tư có nhu cầu thì có thể tất toán trước thời hạn.
Nhìn chung, đội ngũ nhân sự tại các công ty QLQ đều là những chuyên viên đầu tư dày dặn kinh nghiệm. Trong bộ tiêu chí để được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề thì nghề quản lý quỹ là nghề đòi hỏi cao nhất, người xin cấp chứng chỉ phải có tới 7 chứng chỉ đào tạo.
Chuyên nghiệp hoá việc đầu tư chứng khoán
“TTCK Việt Nam vẫn lên xuống theo tin đồn” là một trong những nhận xét được coi là xác đáng về TTCK Việt Nam đăng tải trên tờ báo hàng đầu thế giới Wall Street Journal hôm 8/9 vừa qua. Cơ số nhà đầu tư tham gia thị trường chủ yếu là cá nhân (chiếm 99% số tài khoản được mở), trong đó đa số chưa có kinh nghiệm, kiến thức đầu tư, là nguyên nhân chính khiến TTCK Việt Nam có những giai đoạn diễn biến tách biệt với thực lực hoạt động của các DN niêm yết. “Nhà đầu tư nhỏ, lẻ thường chờ đợi mức lợi nhuận quá cao, trong khi thực tế hoạt động của TTCK không thể mãi đáp ứng được đòi hỏi này. TTCK tăng trưởng ổn định từ 20-30%/năm là rất tốt”, ông Việt Anh nói.
Chuyên nghiệp hoá hoạt động đầu tư thông qua việc khuyến khích sự ra đời của các công ty QLQ là một trong những định hướng lớn của cơ quan quản lý để giúp TTCK Việt Nam dần phát triển ổn định. Một mặt, các công ty QLQ là nơi “sản sinh” ra các quỹ đầu tư - tập hợp nguồn tiền của nhiều đối tượng để tạo thành một khoản vốn lớn, được quản lý bởi các chuyên viên đầu tư chuyên nghiệp. Mặt khác, theo sự thay đổi tại Luật Chứng khoán, các công ty quản lý quỹ được cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, giúp nhà đầu tư có được một kênh đầu tư mới.
Nếu so với việc góp vốn vào một quỹ đầu tư thì việc sử dụng dịch vụ quản lý danh mục đầu tư có một số khác biệt căn bản. Khoản tiền uỷ thác của nhà đầu tư có thể coi như một quỹ đầu tư tư nhân dạng nhỏ, được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng người và bản thân mỗi người có thể đưa ra những dữ liệu đầu vào (thời hạn đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, khoản phí phải trả…) cho công ty QLQ. Hiện nay, các quỹ đại chúng phải thực hiện báo cáo hàng tuần, còn quỹ tư nhân hay quản lý danh mục đầu tư sẽ thực hiện báo cáo với nhà đầu tư định kỳ theo tháng.
Bạn có tiền nhưng thiếu kinh nghiệm hoặc thời gian để tự đầu tư, có thể xem xét đến dịch vụ quản lý danh mục đầu tư để không bỏ lỡ cơ hội sinh lời hấp dẫn nhờ TTCK. Các công ty QLQ với đội ngũ chuyên viên nhiều kinh nghiệm sẽ giúp những “thượng đế” tối ưu hoá lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian.
***
Tại Công ty Quản lý quỹ An Phúc
1. Ủy thác đầu tư kinh doanh chứng khoán toàn bộ:
+ Phí quản lý: 2% x Giá trị danh mục;
+ Phí thưởng: 20% phần lợi nhuận tăng thêm so với mức lợi nhuận so sánh là 12%;
+ Quy mô ủy thác: tối thiểu 1 tỷ đồng;
- Thời gian ủy thác: Tối thiểu là 1 năm. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc chuyển nhượng hợp đồng.
2. Ủy thác đầu tư kinh doanh chứng khoán chỉ định:
- Phí ủy thác:
+ Phí quản lý: không tính phí;
+ Phí thưởng: nếu lợi nhuận đạt được lớn hơn lợi nhuận so sánh là 12% thì An Phuc Investment sẽ được hưởng phần phí thưởng.
- Quy mô ủy thác: tối thiểu 1 tỷ đồng;
- Thời gian ủy thác: tối thiểu 1 năm. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc chuyển nhượng hợp đồng.
Tại Công ty liên doanh Quản lý quỹ Vietcombank
1. Đầu tư 100% vào các sản phẩm thu nhập cố định và các công cụ tài chính ít rủi ro khác. Loại danh mục này đặt mục tiêu bảo toàn vốn lên hàng đầu, đồng thời tận dụng các cơ hội kiếm lợi nhuận từ lãi suất trái phiếu và những thay đổi lãi suất.
2. Đầu tư 45% vào các công cụ tiền tệ, 35% vào các công cụ tài chính có thu nhập cố định và 25% vào cổ phiếu. Đây là loại danh mục đầu tư cân bằng, có tính thanh khoản cao, đồng thời tạo cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn danh mục 1 từ đầu tư vào thị trường cổ phiếu.
3. Đầu tư 10% vào các công cụ tiền tệ, 30% vào các công cụ tài chính có thu nhập cố định và 60% vào cổ phiếu. Danh mục này phù hợp với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm và có mức lợi nhuận kỳ vọng cao.
Tại Công ty Quản lý quỹ Việt Nam VFM
1. Danh mục tối đa tăng trưởng giá:
- Điều kiện: Khả năng chấp nhận mất vốn tối đa 30%.
- Phân bổ tài sản: 80% cổ phiếu, 5% tiền tệ và các công cụ tiền tệ, 15% trái phiếu.
- Thời hạn đầu tư: dài hạn.
2. Danh mục tối đa tăng trưởng giá:
- Điều kiện: Khả năng chấp nhận mất vốn tối đa 20%.
- Phân bổ tài sản: 70% cổ phiếu, 5% tiền tệ và các công cụ tiền tệ, 25% trái phiếu.
- Thời hạn đầu tư: dài hạn.
3. Danh mục tăng trưởng/lợi tức:
- Điều kiện: Khả năng chấp nhận mất vốn tối đa 15%.
- Phân bổ tài sản: 60% cổ phiếu, 5% tiền tệ và các công cụ tiền tệ, 35% trái phiếu.
- Thời hạn đầu tư: trung tới dài hạn.
4. Danh mục an toàn - lợi nhuận:
- Điều kiện: Khả năng chấp nhận mất vốn tối đa 5%.
- Phân bổ tài sản: 40% cổ phiếu, 5% tiền tệ và các công cụ tiền tệ, 55% trái phiếu.
- Thời hạn đầu tư: trung tới dài hạn.
5. Danh mục an toàn:
- Điều kiện: Khả năng chấp nhận mất vốn tối đa 0%.
- Phân bổ tài sản: 20% cổ phiếu, 5% tiền tệ và các công cụ tiền tệ, 75% trái phiếu.
- Thời hạn đầu tư: dài hạn.
ĐTCK
|