Thứ Sáu, 14/09/2007 07:06

Sức hút cổ phiếu ngành khai khoáng

Hiện nay trên sàn, cổ phiếu (CP) ngành khai khoáng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, nhìn vào lượng giao dịch các CP ngành khai khoáng thời gian gần đây, có thể nhận thấy sức hút rất mạnh của ngành này đang lan tỏa trong một số các nhà đầu tư. Nhưng hầu hết các nhà đầu tư lại lúng túng trước câu hỏi vì sao quyết định đầu tư vào các CP ngành này.

Khẳng định vị thế

Dù chỉ chiếm số lượng rất khiêm tốn nhưng hầu hết các CP ngành khai khoáng đang niêm yết trên sàn hiện nay đều thuộc diện hàng "xịn". Có thể kể đến như Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (BMC) với hiện tượng tăng giá khó hiểu làm xôn xao dư luận trong thời gian qua, thậm chí bị đưa vào danh sách các CP phải giải trình vì sự tăng giá này. Với vốn điều lệ khiêm tốn, chỉ hơn 13 tỉ đồng nhưng CP BMC lại "làm mưa làm gió" trên sàn trong suốt thời gian qua với mức tăng giá kỷ lục và có thời điểm trở thành CP cao giá nhất trên thị trường niêm yết với mốc 733.000 đồng/CP. Vào thời điểm thị trường chứng khoán lình xình kéo dài hiện nay, BMC vẫn đang là một trong những CP dẫn đầu về giá trên thị trường niêm yết với mức dao động khoảng trên 500.000 đồng/CP.

Không nổi đình, nổi đám về giá như BMC nhưng CP MCV (Công ty cổ phần Cavico Việt Nam, khai thác mỏ và xây dựng) lại khẳng định thương hiệu và sự chuyên nghiệp của mình theo một cách khác. Trước khi niêm yết trên sàn giao dịch TP.HCM vào cuối năm 2006, Cavico đã nổi lên với việc trở thành công ty đầu tiên và duy nhất của Việt Nam niêm yết CP của mình trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ, với mã giao dịch CVCP. Ồn ào không kém là CP PVD (Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ dầu khí). Ngày đầu tiên chào sàn với mức giá cao 130.000 đồng/CP, cao gấp đôi mức giá trên thị trường OTC khiến cho các nhà đầu tư sửng sốt. Những phiên giao dịch sau đó, CP này liên tục tăng chóng mặt và đặc biệt là sự gom hàng nhiệt tình của các nhà đầu tư nước ngoài khiến cho CP ngành khai khoáng bị đốt nóng hơn nữa trong sự săn lùng của các nhà đầu tư.

Hấp dẫn bao nhiêu, rủi ro bấy nhiêu

Tại sao các CP này lại hấp dẫn và trở thành tâm điểm săn lùng của các nhà đầu tư? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm trước hiện tượng "hút hàng" của các CP này. Theo một chuyên gia tài chính, hầu hết các công ty trong ngành này đều đang ở vị thế "độc quyền" trong một phạm vi nhất định nào đó. Đơn cử như BMC, công ty này gần như độc quyền trong việc khai thác titan tại tỉnh Bình Định, một tài nguyên được đánh giá là có mức lợi nhuận hấp dẫn và khai thác dễ hơn là gỗ. Chẳng thế mà vốn điều lệ khiêm tốn (13 tỉ đồng) nhưng lợi nhuận của BMC năm 2006 lên tới 19 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2007, lợi nhuận sau thuế của BMC đạt gần 22 tỉ đồng, so với vốn thì đây là công ty có mức lãi lớn nhất hiện nay. Sức hấp dẫn của MCV lại nằm ở khía cạnh khác. Là công ty lớn nhất trong ngành khai thác mỏ hiện nay, máy móc thiết bị được đầu tư tiên tiến nhất so với các công ty cùng ngành nghề, chính vì vậy, Cavico ký được các hợp đồng lớn với các tổng công ty nhà nước...

Lợi thế là vậy nhưng rủi ro của các ngành này cũng lớn. Theo một chuyên gia tài chính, các công ty trong ngành này chịu ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách của Nhà nước như định hướng phát triển ngành khoáng sản, những ưu đãi, khuyến khích hay hạn chế... Chẳng hạn như với BMC, có người đặt vấn đề, nếu quặng titan cạn dần hoặc bị hạn chế khai thác tài nguyên quý giá thì BMC có còn được phong độ như ngày hôm nay?

Và những nhà đầu tư đã trót ôm CP BMC với mức giá trên trời thì rủi ro là điều có thể dự báo. Tương tự với Công ty Cavico, chi phí khai thác mỏ phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nhiên liệu như xăng, dầu và giá các loại nguyên liệu này trong những năm gần đây liên tục biến động theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng lớn tới kết quả khai thác nếu không có kế hoạch dài hạn trong việc dự trữ nhiên liệu hợp lý. Một yếu tố khách quan nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của ngành này. Đó là những rủi ro bất khả kháng, khó dự đoán nhưng có thể để lại hậu quả rất nặng nề cho các công ty.

Hấp dẫn càng cao, rủi ro càng lớn đó là điều đương nhiên. Lời khuyên của các chuyên gia tài chính đối với nhà đầu tư nói chung chứ không riêng gì trong lĩnh vực khai khoáng: hãy nghiên cứu thật kỹ các chứng khoán trước khi mua vào. Tránh hiện tượng mua bầy đàn, đẩy giá chứng khoán lên quá cao để hạn chế thiệt hại về tài chính sau này.

TT

Các tin tức khác

>   PPC: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc trả cổ tức (13/09/2007)

>   AGF: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (13/09/2007)

>   KDC: TB ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức đợt 1/2007 (13/09/2007)

>   ABT: Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2007 (13/09/2007)

>   VIP: Nghị quyết Đại hội Cổ đông (13/09/2007)

>   FPC Gia hạn giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng (13/09/2007)

>   PVD: Thông tin ký kết hợp đồng (13/09/2007)

>   SAV Nhận giải thưởng Cúp vàng ISO 2007 (13/09/2007)

>   SMC Chào bán cổ phiếu ra công chúng (13/09/2007)

>   VFC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (13/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật