Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa VCB
Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Theo đó, hình thức cổ phần hóa của VCB giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Tỷ lệ vốn nhà nước sẽ giảm dần qua nhiều giai đoạn, nhưng không thấp hơn 51/% vốn điều lệ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Vốn điều lệ của Ngân hàng là 15.000 tỷ đồng Việt Nam.
Cơ cấu cổ phần phát hành của ngân hàng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tổng khối lượng cổ phần phát hành là 30% vốn điều lệ, trong đó cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa không quá 20%. Giai đoạn 2, phát hành và niêm yết quốc tế không vượt quá 15% vốn điều lệ.
VCB được thực hiện việc lựa chọn tối đa là 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và việc này phải thực hiện trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu. Nhà đầu tư chiến lược cam kết đầu tư dài hạn, không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian ít nhất là 5 năm, kể từ ngày ngân hàng thương mại cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được quản lý một phần tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi hoàn thành cổ phần hóa VCB.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (tên tiếng Việt) được áp dụng mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất nếu không có xung đột với luật pháp Việt Nam; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện VCB đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
TTXVN
|