Mô hình công ty mẹ - công ty con đầu tiên của ngành dược : Kỳ vọng từ bài học bó đũa
Hôm qua 25-9, UBND TPHCM đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm hội đồng quản trị Công ty Dược Sài Gòn, được tổ chức lại từ Công ty Dược TPHCM (Sapharco), nay hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Với bộ máy mới, dự kiến bắt đầu từ tháng 10-2007, Công ty Dược Sài Gòn đi vào hoạt động với mô hình mới sẽ mang lại nhiều hứa hẹn cho ngành dược TPHCM.
Để xóa bỏ tình trạng và định hướng phát triển, tạo sức bật cho ngành dược TPHCM, 4 năm trước, 19 công ty dược trên địa bàn thành phố đã ngồi lại cùng nhau tính một bài toán cộng lực. Theo đó, tất cả 19 công ty sẽ cùng đứng trên một quyền lợi chung, phát huy thế mạnh của từng thành viên và cùng hỗ trợ cộng lực với nhau để tạo nên một sức mạnh tổng lực xây dựng ngành dược TPHCM lớn mạnh. Đề án công ty dược phẩm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với mong muốn thay vì những chiếc đũa riêng lẻ dễ gãy, các công ty dược thành phố sẽ có được sức mạnh không thể bẻ gãy của cả bó đũa đã được ra đời như thế.
Theo quy định, công ty mẹ là công ty 100% vốn nhà nước hoặc công ty cổ phần có số vốn nhà nước chi phối nhiều nhất; công ty con là công ty giữ vốn nhà nước trên 51%; những công ty còn lại có vốn nhà nước dưới 50% sẽ là công ty liên kết. Theo đó, hiện nay với đề án đã được duyệt, mô hình công ty mẹ - công ty con này sẽ là một tổ hợp gồm 19 công ty, trong đó Công ty Dược Sài Gòn (công ty 100% vốn nhà nước) là công ty mẹ nắm vai trò chi phối 3 công ty con gồm: Công ty Dược phẩm và Sinh học y tế (Mebiphar), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu vật tư y tế (Yteco); Công ty Dược phẩm Khánh Hội và 15 công ty liên kết.
Theo ông Lê Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Dược Sài Gòn, công ty mẹ sẽ nắm toàn bộ phần vốn của nhà nước chi phối hoạt động của các công ty con và công ty liên kết. Theo đó, công ty mẹ sẽ căn cứ thế mạnh của công ty con và các công ty liên kết để rót vốn hoặc hỗ trợ về nhân sự giúp các công ty chịu sự chi phối thực hiện được thế mạnh của mình.
Việc thống nhất để các công ty có chung một định hướng để tạo ra sức mạnh tổng lực là việc vô cùng cần thiết. Vì thế, theo ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế, thay vì sản xuất manh mún, giẫm đạp nhau, các công ty sẽ cùng ngồi lại nghiên cứu nhu cầu thuốc để sản xuất, tính toán theo nhu cầu của người dân, mỗi công ty sẽ đi theo một hướng được xem là thế mạnh của mình. Ngoài ra, để tăng cường sức mạnh nhằm tạo sức bật trong tương lai cho ngành dược thành phố, Công ty Dược Sài Gòn còn tính đến việc kinh doanh đầu tư tài chính ở các công ty cổ phần tạo thêm nguồn vốn cho nhà nước và thu hút các nhà đầu tư tham gia cùng chung tay xây dựng và phát triển ngành dược thành phố.
Với sức mạnh cộng hưởng như thế, mục tiêu của tổ hợp công ty mẹ - công ty con này là đưa ngành dược thành phố trở thành ngành dược vừa hiện đại, vừa truyền thống, chú trọng phát triển công nghệ sinh học, khai thác và đẩy mạnh mảng dược liệu, dược thảo vốn được xem là thế mạnh của các nước vùng nhiệt đới. Không chỉ tập trung cho sản xuất, tổ hợp này còn tin tưởng sẽ mau chóng trở thành nhà phân phối có uy tín trên cả nước và hướng tới hình thành một tập đoàn phân phối lớn.
Không chỉ thế, theo ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược Sài Gòn, tổ hợp này còn có tham vọng trong 5 - 10 năm sẽ trở thành tập đoàn kinh tế chuyên về dược; với việc hoàn thiện hệ thống phân phối theo tiêu chuẩn GPP, GSP, đây có thể là kênh phân phối có uy tín để đưa sản phẩm dược Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Dù đây mới chỉ là những kỳ vọng, tất cả còn đang là những thử thách phía trước, nhưng với sức mạnh liên kết theo mô hình bó đũa như vậy, hẳn nhiều người vẫn có quyền tin tưởng mô hình công ty mẹ - công ty con này có thể làm nên chuyện cho ngành dược TPHCM.
SGGP
|