CP ngân hàng sẽ tiếp tục tăng giá?
Việc giá cổ phiếu ngân hàng phục hồi nhẹ những ngày gần đây đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Trong số đó, không loại trừ những người đã mua vào lúc giá cao nên nóng lòng chờ đợi giá tăng trở lại để đẩy hàng, cắt giảm lỗ. Cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn niêm yết và thị trường OTC đang có dấu hiệu ấm lại.
Ngày 24/9, cổ phiếu ngân hàng ACB đạt mức giá 144.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 30.000 đồng/cổ phiếu so với đầu tháng, trong khi đó, STB của Sacombank cũng đã tăng lên 66.500 đồng/cổ phiếu. Trên sàn phi tập trung, cổ phiếu của Eximbank, MB, Habubank, VP Bank tăng khoảng 5 - 10% so với đầu tháng.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) Chi nhánh Nguyễn Thị Minh Khai, các chỉ số hiện tại của hệ thống ngân hàng so với các nước trong khu vực là ngang nhau, trong khi các ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng cao hơn rất nhiều. “Sự sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua mang tính chất tâm lý nhiều hơn xu hướng của thị trường. Do vậy, khi thị trường bình ổn thì cơ hội tăng giá đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta không nên vội nhận xét gì về giá cổ phiếu trong lĩnh vực này, mà hãy chờ thêm một vài tuần”, ông Tuấn nói.
Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Theo dự báo của họ, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Thực tế, kết quả hoạt động của các ngân hàng thu về trong 8 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể, ACB đạt hơn 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thế trong 8 tháng đầu năm, tăng gấp đôi so với cả năm 2006. Sacombank đạt 900 tỷ đồng lợi nhuận và Eximbank thu về 382 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 8 tháng hoạt động...
Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Seriven, đưa ra nhận định, tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam còn rất lớn, vì số lượng người dân sử dụng dịch vụ tài chính mới chiếm khoảng 7% tổng số dân. Một điều quan trọng khác là, hoạt động của ngành ngân hàng luôn có sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông, có thể trước mắt, giá cổ phiếu ngân hàng khó phục hồi mạnh.
Đại diện VinaCapital cho biết, P/E của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá cao, lên đến 35 lần, nhưng trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu ngân hàng đã mất trên dưới 50%. Trong bối cảnh hiện nay, giá cổ phiếu ngân hàng được xem là hấp dẫn để mua vào. So với các lĩnh vực ngành nghề khác, ngân hàng vẫn là “mảnh đất” màu mỡ cho nhà đầu tư “rót” vốn.
Theo đánh giá của ông Đinh Như Đức Thiện, Trưởng phòng Phân tích CTCK Gia Quyền (EPS), mức độ tập trung của thị trường cao, một số ngân hàng lớn, chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh, chiếm phần lớn thị phần. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành được dự đoán gấp 2 lần tăng trưởng GDP. Doanh thu của các ngân hàng vẫn chủ yếu từ hoạt động tín dụng và còn hạn chế đối với lĩnh vực dịch vụ. Đây chính là mấu chốt của sự phát triển và tăng trưởng đối với lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn.
Trên thị trường đang xuất hiện những thông tin về việc định giá cổ phiếu của Vietcombank. Một số người cho rằng, nhiều khả năng cổ phiếu của ngân hàng “đại gia” này sẽ được định giá ở mức cao. Từ đó, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC sẽ được kích hoạt và tăng trưởng trở lại. Mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ được lặp lại sau khi IPO của Vietcombank (dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới). Tuy nhiên, điều làm các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra lo ngại đối với lĩnh vực tài chính Việt Nam là sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh đó, điều cũng cần tính đến là áp lực lạm phát ngày càng tăng do lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của ngành ngân hàng.
ĐTCK
|