Chạy đua quản lý tiền đầu tư chứng khoán
Theo quy định mới, từ tháng 11/2007 các CTCK sẽ không được trực tiếp nhận tiền mà phải ủy quyền cho ngân hàng thương mại quản lý tiền của nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán. Tiềm năng cung cấp dịch vụ cho hàng chục nghìn NĐT cá nhân khiến các ngân hàng không ngại vất vả tham gia cuộc đua tìm đối tác. Cạnh tranh như vậy, NĐT có quyền hy vọng được hưởng nhiều tiện ích hơn, song điều này có được thực hiện hay không lại phụ thuộc vào CTCK.
Mời chào
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) đã tổ chức cuộc gặp với 30 CTCK tại Hà Nội, tiếp sau buổi hội thảo tương tự tại TP. HCM, để giới thiệu dịch vụ và tìm kiếm đối tác. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, việc chuẩn bị đưa ra gói sản phẩm dịch vụ quản lý tài khoản NĐT đã được ACB chuẩn bị từ nửa năm nay, chi phí để kết nối hệ thống giao dịch giữa CTCK và ngân hàng không mấy tốn kém, dự kiến 100 USD/thiết bị Smart Card lắp cho máy tính của một nhân viên môi giới. Ngoài tiếp cận khách hàng qua các buổi hội thảo, ACB còn trực tiếp làm việc với các CTCK để giới thiệu dịch vụ.
Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, cũng không bỏ lỡ cơ hội có thêm tài khoản, có thêm khách hàng nên đã rốt ráo giới thiệu dịch vụ này với các CTCK. Bà Phạm Thuý Nga, Phòng Chính sách và sản phẩm Ngân hàng bán lẻ Vietcombank cho biết, đã làm việc với khoảng 20 CTCK và nhận được thông tin phản hồi rất tích cực. Để quản lý tài khoản tiền cho NĐT chứng khoán, giữa CTCK và Vietcombank sẽ thiết lập một đường truyền On-line để trao đổi dữ liệu thông qua tài khoản tiền gửi của từng nhà đầu tư mở tại ngân hàng. Mọi giao dịch mua, bán, chi trả cổ tức,... được thực hiện hoàn toàn tự động trên tài khoản của từng NĐT với CTCK. Hơn thế nữa, các NĐT vẫn được hưởng các dịch vụ khác mà Vietcombank cung ứng.
Ngược lại, các CTCK cũng khảo sát, thăm dò và tiếp xúc với hàng chục ngân hàng rồi mới quyết định lựa chọn đối tác. Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Môi giới CTCK Tân Việt, cho biết, dù đã có thỏa thuận hợp tác với Vietcombank, Tân Việt vẫn muốn tiếp cận với dịch vụ của ACB để tìm hiểu thêm, nếu thuận tiện có thể hợp tác. Ông Nguyễn Ngô Tuấn, Phó giám đốc CTCK Kim Long cho hay, họ đã làm việc với 6-7 ngân hàng để tìm kiếm đơn vị tương thích về công nghệ.
Vướng rào
Ủy quyền cho ngân hàng quản lý tiền của NĐT, CTCK có lợi ở chỗ không phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ trong việc thu - chi, kiểm soát tiền, đối chiếu tài khoản. Ngân hàng được lợi ở chỗ có thể tiếp cận với lượng khách hàng lớn thường xuyên có nhu cầu về tài chính và các dịch vụ tiện ích liên quan đến thanh toán, thẻ… NĐT thì yên tâm về tiền gửi, được đảm bảo lợi ích về lãi suất cũng như khả năng thanh toán... Trong trường hợp được quản lý tiền của NĐT, ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, có thể khách hàng sẽ được hưởng một mức lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất không kỳ hạn, dựa theo số dư tài khoản tiền mặt và thời gian lưu tiền trong tài khoản.
Tiện lợi như vậy song vấn đề khó nhất khi thực hiện quản lý tiền của NĐT, theo cả CTCK và ngân hàng, là những yếu tố liên quan đến công nghệ. Nhiều CTCK sử dụng các phần mềm lõi khác nhau và cũng không tương thích với "lõi" của ngân hàng. Để tích hợp được các phần mềm này với nhau là điều khó thực hiện. Giải pháp được ACB đưa ra là cung cấp dịch vụ cho khách hàng dưới 2 dạng: với CTCK có thể tích hợp vào chương trình đặt lệnh của mình, ACB sẽ cử nhân viên hỗ trợ kỹ thuật; với CTCK không thể can thiệp vào chương trình đặt lệnh của mình, ACB cung cấp dịch vụ dưới dạng ứng dụng web. CTCK phải đăng ký sử dụng dịch vụ với ngân hàng để được cung cấp các thông số và quyền sử dụng dịch vụ này, trong đó có mã số và mật khẩu công ty.
Phức tạp về công nghệ như vậy, lại tế nhị ở chuyện bảo mật dữ liệu, nên ông Nguyễn Ngô Tuấn, Phó giám đốc CTCK Kim Long cho biết, trước mắt Kim Long sẽ dành hơn 100m2 để ngân hàng mở một quầy giao dịch ngay tại sàn chứng khoán, sau khi NĐT nộp tiền tại ngân hàng có thể mang ngay tờ phiếu thu sang quầy của CTCK để đặt lệnh (khi rút tiền, có thể NĐT lại phải trải qua một bước là lấy ủy nhiệm chi từ CTCK).
Một câu hỏi được đặt ra ngay tại hội thảo của ACB và được khá nhiều người quan tâm là trong trường hợp sử dụng dịch vụ dưới dạng ứng dụng web, nhân viên môi giới cùng lúc phải làm việc với hai giao diện màn hình máy tính, một của ngân hàng, một của CTCK, điều này rất dễ xảy ra thao tác nhầm lẫn. Dịch vụ của ACB cũng được đánh giá là chỉ tương thích hoặc thực hiện tốt trong trường hợp NĐT trực tiếp đến sàn, trong khi hiện nay, xu hướng giao dịch không sàn ngày một trở nên phổ biến.
Có coi trọng quyền lợi NĐT?
Theo quyết định của Bộ Tài chính, CTCK được quyền chỉ định ngân hàng, điều này có nghĩa là ở một chừng mực nào đó các ngân hàng sẽ chào những điểm có lợi cho CTCK để được lựa chọn cung cấp dịch vụ. Khi cuộc đua cạnh tranh cung cấp dịch vụ quản lý tiền NĐT ngày một trở nên quyết liệt, câu hỏi đặt ra là quyền lợi NĐT sẽ được coi trọng đến đâu?
Theo đại diện Ban quản lý kinh doanh, UBCKNN, việc quản lý tiền của NĐT tại ngân hàng phải được hiểu là tách bạch với tài khoản chứng khoán tại CTCK và ngân hàng quản lý những tài khoản này như những khách hàng sử dụng các dịch vụ khác.
Về nguyên tắc, tiền của NĐT CTCK không được động tới, song trên thực tế, nhiều công ty coi đây là nguồn vốn khá quan trọng, họ có thể mượn tạm vào một thời điểm nào đó và hoàn lại khi NĐT có nhu cầu. Cũng không loại trừ trường hợp CTCK nộp tiền vào ngân hàng với lãi suất theo thỏa thuận và ăn chênh lệch, cao hơn lãi suất NĐT được hưởng hiện nay từ 0,1-0,25%/tháng (loại không kỳ hạn). Điều này, theo giám đốc một ngân hàng cổ phần, vẫn có thể tiếp tục xảy ra nếu toàn bộ số tiền NĐT nộp vào ngân hàng được chuyển vào một tài khoản chung của CTCK. Thực chất, trong những trường hợp như vậy, ngân hàng chỉ đóng vai trò thu - chi hộ CTCK chứ không phải là quản lý tiền của NĐT.
ĐTCK
|