Nóng lòng được rót vốn
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế, tài chính - chứng khoán khi nói về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Theo đánh giá của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, TTCK Việt Nam vẫn còn mới mẻ, hạn chế về quy mô, nên khó tránh khỏi được sự biến động trong biên độ rộng.
Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường còn rất lớn và chưa được khai thác hết, nhưng để thành công nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn, đồng thời biết chọn những doanh nghiệp có khả năng phát triển tốt trong tương lai.
Ông Andy Ho cho biết, nhà đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến các ngành có tiềm năng phát triển theo sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam như: bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng... Theo VinaCapital, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam năm 2006 là 35, với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận là từ 40% cho đến 50%; còn năm nay chỉ số ước sẽ là từ 20 đến 25 dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự đoán từ 25% đến 30% của các công ty niêm yết.
Theo đánh giá của VinaCapital, nhìn về góc độ chung, TTCK Việt Nam còn nhiều tiềm năng để bỏ vốn. Hiện các quỹ đầu tư nước ngoài đang tích trữ khoảng 3 tỷ USD để chờ cơ hội mua cổ phiếu khi giá cả xuống ở mức phù hợp và tham gia vào mua cổ phần của một số doanh nghiệp nhà nước lớn sắp được cổ phần hóa trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)...
Một trong yếu tố giúp TTCK Việt Nam hấp dẫn trở lại nhà đầu tư là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP thực của Việt Nam tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, kết quả cam kết đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến nay đã đạt mức 6,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 2,8 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra nhận định về TTCK Việt Nam và cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để mua vào, vì thị trường đang phản ánh đúng giá trị thực của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán nhận xét, các nhà đầu tư nhỏ, lẻ cần thông qua các quỹ đầu tư công chúng để hạn chế rủi ro, bởi dù sao thì các quỹ công chúng cũng chuyên nghiệp hơn nhiều so với nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài TTCK, cơ sở hạ tầng, bất động sản là 2 lĩnh vực chính của Việt Nam được các chuyên gia tài chính - chứng khoán đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới. Theo ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, hiện cơ cở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém và chưa được khai thác hết, nên còn cần rất nhiều vốn đầu tư. “Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 140 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng”, ông Don Lam nói và cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên còn nhiều tiềm năng để khai thác ngoài lĩnh vực hạ tầng. Riêng với bất động sản, nhà đầu tư có thể phân định ra 2 loại là công ty xây dựng và đầu tư vào đất hoặc tài sản (cao ốc, chung cư...).
Trong lần đến Việt Nam mới đây, ông Ron Nechemia, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính EurOrient cho biết, EurOrient mong muốn sẽ được đầu tư mỗi năm vào thị trường Việt Nam 3 - 4 dự án với tổng vốn 1 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, cơ sở hạ tầng, điện, khí... luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với lĩnh vực tài chính, ông Ron Nechemia cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam còn sơ khai và nhiều tiềm năng để khai thác, trong đó, đáng chú ý nhất là công nghệ của các ngân hàng. Riêng ngành điện, EurOrient rất quan tâm đến lĩnh vực sản xuất điện, vì Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu điện.
Với ngành điện, EurOrient đang trong quá trình đàm phán để đầu tư vào một nhà máy điện tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư khoảng 120 - 130 triệu USD, trong đó, vốn của Tập đoàn chiếm 70%. Bên cạnh đó, EurOrient rất mong muốn Chính phủ Việt Nam bật “đèn xanh” để có thể bắt đầu “rót” vốn đầu tư vào xây dựng sân bay quốc tế tại Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Theo ông Ron Nechemia, chủ trương của EurOrient là chỉ đầu tư vào những nước đang phát triển và Việt Nam là một trong những “đích ngắm” của Tập đoàn. “Do vậy, trong thời gian tới sau khi xây dựng xong bộ máy nhân lực EurOrient sẽ tiến hành tìm kiếm thêm nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam”, ông Ron Nechemia nói.
ĐTCK
|