Ai chịu thiệt?
Từ tháng 12/2006 đến nay đã có 3 lần xảy ra sự cố ở sàn TP HCM. Cả 3 lý do mà Sở GDCK TP HCM (HOSE) đưa ra để lý giải đều khác nhau. Nhưng, sự thiệt hại vẫn tựu trung dồn vào các nhà đầu tư.
Sự cố xảy ra gần đây nhất là vào ngày 30/8 vừa qua, toàn bộ hệ thống giao dịch của HoSE và 50 Cty đã hoàn toàn tê liệt. HoSE lý giải là do nhân viên của sở đã nhập địa chỉ máy chủ vào một máy khác và hệ thống không nhận ra vì vậy không hoạt động.
Lãnh đạo HoSE cho rằng, nhà đầu tư hoàn toàn không bị thiệt hại gì khi sự cố xảy ra, vì giao dịch hoàn toàn không bị ngưng. "Vì khi màn hình điện tử bị mất, sở đã thông báo kết quả giao dịch cho nhân viên đại diện sàn của các CTCK ngồi tại sở. Qua màn hình tại bàn nhập lệnh tại Sở, nhân viên đại diện sàn của các CTCK vẫn nắm bắt được thông tin và thông báo về Cty của mình, để CTCK thông báo cho nhà đầu tư biết, nắm bắt tình hình diễn biến giao dịch. Như vậy, không thể nói nhà đầu tư hoàn toàn bị "mù" thông tin, mà qua thông báo của CTCK, vẫn nắm bắt được thông tin tại thời điểm đó, và vẫn có thể đặt lệnh mua bán" - ông Lê Hải Trà - Ủy viên HĐQT Hose cho biết.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tại 10 CTCK đều khẳng định, không có việc CTCK thông báo tình hình giao dịch trong phiên 1 và chắc chắn họ bị thiệt hại. Theo ông Thành, nhà đầu tư trên sàn ACBS: "Làm gì có chuyện CTCK thông báo lại tình hình diễn biến giao dịch. Tôi đã đến rất nhiều sàn, không có sàn nào làm cái chuyện thông báo đó cả. Mã cổ phiếu HAF tôi đặt lệnh mua đến cuối giờ vẫn cứ trắng toát, mặc dù lệnh tôi đặt đã được CTCK nhập vào. Như vậy, Sở GDCK nói nhà đầu tư không bị thiệt hại là không đúng. Bởi, tôi đã không thể mua hay bán được theo như phân tích và dự báo của tôi. Mặt khác, nếu nói như Sở GDCK là nhà đầu tư vẫn đặt lệnh, tức là chúng tôi "đặt mò". Nhỡ giá thấp mà chúng tôi không biết, đặt mua giá cao thì sao gọi là không thiệt hại?". Nhiều nhà đầu tư khác bức xúc nói, chỉ cần có một giao dịch có ảnh hưởng là bị nhắc nhở, phạt, nhưng những đình trệ của Sở GDCK lại chưa bao giờ được xem xét mức độ ảnh hưởng và trách nhiệm, là không công bằng.
Nhiều nhà đầu tư thắc mắc, nếu nhà đầu tư chứng minh được thiệt hại thì Sở GDCK có bồi thường cho họ và có quy định nào về bồi thường hoặc sở đã có bao giờ lập phương án nào nếu có thiệt hại xảy ra? Ông Lê Hải Trà trả lời: "Theo thông lệ, xưa nay trên tất cả các sàn GDCK trên thế giới, không có quy định nào bắt buộc các CTCK phải bồi thường các thiệt hại. Không có sàn GDCK nào dám bảo đảm rằng hoạt động của sàn là chắc chắn 100% không xảy ra sự cố, rủi ro. Và vì vậy luật cho phép các sàn GDCK không phải bồi thường".
Ông Lê Nhị Năng - Phó Giám đốc HoSE thì cho rằng: "Không có một TTCK nào trên thế giới dám cam kết là hệ thống giao dịch của họ không bao giờ gặp sự cố. Cụ thể, TTCK Nhật Bản, một TTCK hoạt động lâu đời, có hệ thống IT hiện đại, cũng đã gặp sự cố 3 lần trong năm vừa qua. HoSE đang vừa làm vừa học. Hơn nữa, số lệnh giao dịch quá lớn trong khi hệ thống chưa được nâng cấp, sự cố xảy ra là chuyện không ngạc nhiên”.
HoSE vừa thông báo về lộ trình giao dịch bỏ sàn, dự kiến sẽ được thực hiện trong quý 1/2008, nhưng không ít nhà đầu tư băn khoăn và nghi nghờ về sự “trôi chảy” của phương pháp này, bởi họ đã hơn một lần phải chịu sự thiệt hại về hạ tầng CNTT.
dddn
|