"Nếu thu thuế chứng khoán cao, nhà đầu tư sẽ bỏ sàn"?
Các nhà đầu tư nói rằng nếu thu thuế thu nhập chứng khoán đến mức 25% lợi nhuận, có thể thị trường sẽ sập(?)
Hiểu thế nào là lợi nhuận?
Ông Thắng, một nhà đầu tư trên sàn VCBS, cho rằng mức thuế 25% mà Luật Thuế thu nhập cá nhân đưa ra là quá cao so với việc kinh doanh chứng khoán.
Một số nhà đầu tư cho rằng khi sản xuất kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp (DN) có thể báo cáo để được giảm thuế hoặc chuyển sang năm sau. Còn chứng khoán, về phía nhà đầu tư đây không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo quyết toán thuế, nên không có sơ sở để báo cáo chi phí, đầu ra đầu vào, nên tất cả mọi chi phí nhà đầu tư phải gánh chịu chứ không được khấu trừ như DN.
Từ đó hiểu thế nào là lợi nhuận có lẽ cũng không hề đơn giản. “Lãi chứng khoán không chỉ đơn giản là lấy chênh lệch của giá bán trừ đi giá mua” - một nhà đầu tư trên sàn SSI lập luận.
Nhà đầu tư này cho biết, để tiến đến một quyết định giao dịch, họ phải bỏ ra khá nhiều chi phí, tuy nhiên không có chứng từ cho các chi phí này. Vì vậy, việc tính thuế cần phải cân nhắc thêm khoản chi phí.
“Đó là một điểm cần phải tính lại. Khi lãi thì Nhà nước thu thuế, còn khi lỗ thì có được bù lỗ?”. Ông Thắng nói.
Chính vì vậy, theo nhà đầu tư tên Hùng trên sàn chứng khoán ACB, Bộ Tài chính, cơ quan tính thuế cần đưa ra một phương pháp tính toán, nên trưng cầu được ý kiến của các nhà đầu tư. Ông Hùng cho rằng, nếu thu thuế trong từng phiên giao dịch sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư, vì khoản lãi trong 1 phiên hoàn toàn không ổn định do thị trường lên xuống liên tục. Theo ông Hùng, nên tính một lần vào cuối năm.
Nhà đầu tư tên Chính trên sàn VCBS cho rằng, vừa thu thuế như mua bán tài sản, lại vừa thu trên lãi kinh doanh, là hiện tượng đánh thuế 2 lần. “Doanh nghiệp cũng chỉ nộp một lần cho thuế thu nhập doanh nghiệp mà thôi” - ông Chính nói.
Chỉ nên thu ở mức 5-10%
Với góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI cũng cho rằng, phương pháp tính để thu thuế lĩnh vực chứng khoán còn sơ sài và nhiều bất cập. Chẳng hạn thị trường phi tập trung cũng là một thị trường lớn, nhưng không có phương pháp tính thu nhập chịu thuế.
Quan trọng hơn, luật không thể tạo ra cơ sở pháp lý để xây dựng được phương pháp tính các khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Cụ thể, các khoản chi phí mua bán chứng khoán bao gồm chi phí môi giới, chi phí thông tin, chi phí tiền lãi vay… Trong đó chi phí vay là một khoản không nhỏ.
Vì vậy, theo ông Hải, quan điểm của Bộ Tài chính đưa ra là thu thuế suất 25% để phù hợp với thuế thu nhập doanh nghiệp, thực chất không phù hợp. Phương pháp tính thuế như trong dự thảo thì sẽ không xác định được các khoản chi phí mua bán CK. Nếu chỉ căn cứ vào giá mua, giá bán có nghĩa là xem chi phí bằng 0, thì trên thực tế nhà đầu tư có thể phải chịu thuế suất từ 40 đến 100% thậm chí lớn hơn.
Chính vì không thể xác định được các chi phí mua bán CK nên theo thông lệ quốc tế, các nước chỉ tính thuế dựa trên chênh lệch về giá mua, giá bán CK và với mức thuế bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với thuế suất của DN, thường thuế suất từ chênh lệch mua bán CK từ 5% đến 10%.
Trong một lần lấy ý kiến về dự luật thuế TNCN tại TP.HCM, VAFI đã cảnh báo, việc tính thuế trong CK phải đảm bảo cho TTCK phát triển, doanh nghiệp vẫn dễ dàng huy động được vốn từ công chúng đầu tư. "Nếu áp đặt thuế cao thì TTCK sẽ rất khó phát triển, DN khó thu hút vốn từ công chúng và các khoản thuế từ khu vực DN sẽ không tăng nhanh, nhà đầu tư thua lỗ" - theo VAFI.
Nhà đầu tư sẽ bỏ thị trường?
Theo ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ đầu tư nước ngoài Dragon Capital, việc đánh thuế thu nhập cá nhân là điều đương nhiên, và các nước trên thế giới đều thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện chính xác và khoa học, tất cả đều phải có định nghĩa. Định nghĩa thế nào là thu nhập chịu thuế, thế nào là khấu trừ gia cảnh, và trường hợp này là “thế nào là lợi nhuận”. Ông Dominic còn cho rằng, Việt Nam cũng cần có những cách làm phù hợp với khu vực, có thể khảo sát xem các nước trong khu vực có đánh thuế chứng khoán không, và nếu có thì họ thu như thế nào, vì lĩnh vực chứng khoán không khác nhau về phép tính toán.
Theo nhà đầu tư Hùng, trước đây ngành tài chính cũng đã có lần đặt vấn đề thu thuế với cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nếu việc này được áp dụng, lại sinh ra nhập nhằng, chồng chéo với thuế TNCN, vì ngành thuế lúc đó đang nhìn việc thu đánh thuế cổ tức bằng nghiệp vụ quản lý kinh doanh. Ông Hùng chấp nhận mức thu 25% trên lãi khi đã tính chính xác, nhưng cho rằng việc thu trên cổ tức là hoàn toàn sai.
“Cổ tức chia bằng cổ phiếu thì sau khi chia, thị trường đã tham chiếu lại. Còn cổ tức bằng tiền mặt thì DN đã đóng thuế TNDN” - ông Hùng lập luận.
Theo ông Thắng, việc mua bán CK có rất nhiều rủi ro so với các loại hình sản xuất kinh doanh thông thường. Nếu đánh thuế chuyển nhượng mua bán mà không căn cứ vào lời lỗ thì sẽ khó khăn cho nhà đầu tư. “Những tháng gần đây, đa số nhà đầu tư bị lỗ, nếu bị đánh thuế chuyển nhượng, họ sẽ không tham gia thị trường” - ông Thắng nhận định.
Ông Hùng cho rằng, nếu đánh thuế mà tính toán không khoa học, thu thuế không công bằng với quyền lợi của nhà đầu tư thì thị trường sẽ sập ngay vì nhà đầu tư sẽ bỏ thị trường.
VNN
|