Mua bán DN nở rộ trong môi trường chứng khoán
Hoạt động tập trung kinh tế mà biểu hiện rõ nhất là mua bán, sáp nhập DN (M&A) tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã có sự phát triển nhanh chóng. Với sự phát triển của thị trường chứng khoán, mua bán DN đã trở thành một hình thức được nhiều DN quan tâm như là một cách nhanh chóng để phát triển về quy mô.
Số lượng và quy mô đều tăng
Nhận định về tốc độ phát triển của hoạt động mua bán DN Việt Nam, các chuyên gia thuộc Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương nhận định, hoạt động mua bán, sáp nhập DN ở Việt Nam tiếp tục trên đà tiến kịp các nước trong khu vực, với giá trị giao dịch năm 2007 có thể sẽ gấp 3 lần năm 2006.
Bà Trần Phương Lan - Trưởng ban Giám sát và quản lý, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, năm 2007 đánh dấu sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động mua bán DN ở Việt Nam. Số liệu mà Cục Quản lý cạnh tranh có được cho thấy, tổng giá trị của 46 vụ giao dịch trong nửa đầu năm 2007 là 626 triệu USD. Con số này đã gấp đôi so với tổng giá trị trong năm 2006 và gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động M&A ở Việt Nam cũng đã có thêm nhiều yếu tố đa dạng khi có thêm nhiều vụ M&A của DN trong nước và có cả những vụ mua bán, sáp nhập có yếu tố nước ngoài. Trong 46 vụ mua bán, sáp nhập thành công có 16 vụ trong nước và 30 vụ nước ngoài. Các vụ mua bán, sáp nhập diễn ra đối với DN trong nhiều lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp cho đến thực phẩm, giải khát...
Trong số hoạt động M&A đã diễn ra có thể kể đến vụ Eximbank bán 17,8% cổ phiếu cho 16 đối tác chiến lược với giá trị 248 triệu USD. Và ngân hàng này cũng đang chuẩn bị bán tiếp cho Tập đoàn Sumitomo.
Kế đến là vụ Indochina Capital mua 20% cổ phiếu của Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân với giá 20 triệu USD và mua cổ phần của Công ty cổ phần Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân - Mekong với tổng số tiền 12 triệu USD.
Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản mua 20% cổ phần của Interflour Viet Nam với giá 80 triệu USD để có cổ phần trong công ty bột mỳ lớn thứ 2 của Việt Nam. VinaCapital mua 70% cổ phần của khách sạn Omni Saigon giá 21 triệu USD. Trong khi đó, vào tháng 4, DN trong nước Anco đã mua lại toàn bộ nhà máy sữa Nestlé ở Sơn Tây. Mới đây, vào tháng 6, HSBC là ngân hàng nước ngoài đầu tiên được chấp thuận mua 15% cổ phần của Techcombank và đang nộp đơn để mua thêm 5% nữa. Deutsche Bank cũng đạt được thỏa thuận mua 20% cổ phần của Habubank.
Đáng chú ý là hai vụ mua bán DN có nguồn vốn nhà nước quản lý là Daiichi mua lại toàn bộ Bảo Minh CMG; Qantas Airlines (Australia) mua 30% cổ phần của Pacific Airlines. Đây là hai vụ mua bán được đánh giá cực kỳ thành công không chỉ về giá trị hợp đồng mà còn có ý nghĩa lớn trong việc cơ cấu lại các DN Nhà nước đang gặp khó khăn. Qua hai vụ M&A thành công này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã bước đầu khẳng định được uy tín của mình trên một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam: đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Theo bà Bùi Thanh Ngà - Phó trưởng Ban Pháp chế - Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thì tập trung kinh tế đã xuất hiện kể từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) ra đời, hoạt động tập trung kinh tế trên TTCK chủ yếu xuất hiện trong hoạt động góp vốn mua cổ phần, góp vốn liên doanh, mua bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư... Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy điều đó, các hoạt động M&A gia tăng cùng với sự phát triển của TTCK và chứng khoán thực sự là môi trường để các hoạt động M&A phát triển và đúng hướng.
Cần những quy định pháp lý riêng và cụ thể về M&A
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đều tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua quá trình tự lớn lên của chính mình như nâng cao năng lực tài chính, cải tiến trình độ quản lý, phát triển khoa học công nghệ... Sự lớn lên này của các doanh nghiệp được gọi là tăng trưởng nội sinh. Nhưng trên thực tế, sự lớn lên của các doanh nghiệp bằng con đường nội sinh là không đáng kể mà chủ yếu thông qua con đường tăng trưởng ngoại sinh tức là tập trung kinh tế.
Có những tập trung kinh tế tạo ra sức mạnh phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những tập trung kinh tế làm kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có những tập trung kinh tế làm thay đổi cơ cấu thị trường và có nguy cơ xuất hiện những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, những doanh nghiệp độc quyền, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Do vậy, tất cả các nước đều quy định rất chặt chẽ về kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế và pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều quy định cụ thể về vấn đề này trong Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật DN.
Trong đó, Luật Chứng khoán có nhiều quy định cụ thể như về cổ đông lớn trong DN; quy định về hành vi bị cấm trong giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán nhằm hạn chế tập trung kinh tế trên TTCK để ngăn chặn những hành vi trục lợi bất chính, thao túng thị trường gây bất ổn TTCK.
Luật Chứng khoán cũng quy định công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết tại SGDCK/TTGDCK khi mua lại cổ phiếu của chính mình phải công khai thông tin mua lại. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân chào mua công khai số cổ phiếu dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên của một công ty đại chúng phải gửi đăng ký.
Luật Chứng khoán quy định việc hạn chế đầu tư đối với quỹ đại chúng như: không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán để đầu tư trong một số trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có những quy định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam như: không được nắm giữ quá 49% cổ phần của tổ chức niêm yết trên TTCK Việt Nam...
Luật Đầu tư cũng có những quy định về đóng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới hoặc để tham gia quản lý hoạt động đầu tư...
Theo các chuyên gia, việc tập trung kinh tế trên TTCK là hết sức cần thiết, giúp thúc đẩy thị trường phát triển nhưng bên cạnh đó vẫn phải có sự quản lý của Nhà nước để tránh tình trạng một tổ chức, cá nhân nào đó tập trung quá nhiều quyền lực để thôn tính hay gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác bằng con đường cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới lũng đoạn thị trường.
Thị trường mua bán, sáp nhập DN cũng như TTCK Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu phát triển. Chúng ta đã cố gắng để có một hành lang pháp lý cho các DN hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả những kẽ hở trong quản lý có thể bị lợi dụng. Vì vậy, việc xây dựng những quy định pháp lý riêng và cụ thể về mua bán, sáp nhập DN là điều cần thiết.
VNN
|