Tập hợp cổ đông thiểu số để khoả lấp khiếm khuyết
Ý tưởng thành lập những câu lạc bộ, diễn đàn của cổ đông thiểu số mà ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đưa ra tưởng như chỉ khởi nguồn từ thực trạng còn nhiều bất cập về trình độ tiếp cận, phân tích thông tin cũng như khả năng tạo nên những sức ép cần thiết để tự bảo vệ mình của các cổ đông thiểu số hiện nay.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Cung cho rằng, bản chất vấn đề ở đây không chỉ là sự tập hợp tạo nên số đông để các nhóm cổ đông thiểu số có được tiếng nói bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà còn là xu thế tất yếu để khoả lấp những khiếm khuyết hiện có của thể chế.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam và xu thế chung của thế giới, cổ đông thiểu số được pháp luật bảo vệ bằng những quy định cụ thể. Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ…, các điều khoản của pháp luật và việc thực thi thực sự đủ mạnh để cổ đông thiểu số bảo vệ quyền lợi của mình. Song, vấn đề này ở nhiều nước ở châu Á và ngay cả Việt Nam lại không được như vậy. “Ở Hàn Quốc, những năm trước đây, do tình trạng cổ đông thiểu số bị chèn ép quá mức đã tạo nên phong trào của những cổ đông thiểu số đứng lên kêu gọi bảo vệ quyền lợi của họ trước cổ đông lớn. Mô hình câu lạc bộ của cổ đông thiểu số xuất hiện và lan rộng, tạo đối trọng với các nhóm cổ đông lớn. Nhiều vướng mắc đã được giải quyết từ hoạt động này”, ông Cung cho biết.
Riêng Việt Nam, mặc dù đây là đối tượng mới xuất hiện và đã có nhiều điều khoản của pháp luật bảo vệ, hỗ trợ, song việc thực thi lại đang gặp trở ngại lớn. Đơn cử như quy định về bầu dồn phiếu để bảo vệ nhóm cổ đông thiểu số trong các ĐHCĐ cho dù được quy định trong luật và được tuyên truyền khá nhiều song việc thực hiện dường như vẫn rất khó khăn. Việc cổ đông thiểu số có được các thông tin đầy đủ và kịp thời từ công ty mà mình được ghi danh là chủ sở hữu rất hiếm hoi… Vướng mắc không hẳn bởi trình độ của chính cổ đông thiểu số mà bởi xu hướng tập trung sở hữu của các công ty cổ phần.
Thực tế là, cho dù việc tập trung sở hữu này thuộc về tư nhân hay Nhà nước thì với mô hình này, quyền lực sẽ rơi vào một nhóm người. Khả năng xảy ra tình huống các nhóm cổ đông lớn cấu kết, thâu tóm quyền hành để phục vụ lợi ích của họ, có nghĩa là sẽ gây nên những tác động bất lợi cho cổ đông thiểu số, là hoàn toàn thực tế và không phải hiếm gặp. Hàng loạt trường hợp khiếu kiện liên quan tới việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược, cổ đông lớn… hay “mốt” thành lập các công ty con của nhiều công ty cổ phần trong thời gian vừa qua là những minh chứng rõ ràng. Và trong phần lớn trường hợp này, quyền lợi của cổ đông thiểu số bị loại ra ngoài. Dường như cổ đông lớn thường tìm cách khai thác một cách triệt để lợi nhuận cho mình, bất chấp thiệt hại thuộc về ai.
Đương nhiên khi pháp luật thiếu những cơ chế để thực thi thì các cổ đông thiểu số buộc phải tập hợp nhau lại cùng với sự góp mặt của các chuyên gia, luật gia… Đã có khá nhiều luật gia ủng hộ ý tưởng này với mục tiêu tạo nên một kênh thông tin linh hoạt để nâng cao trình độ của các cổ đông thiểu số cũng như tạo được tiếng nói chung trong những trường hợp cần thiết. Ý tưởng mới bắt đầu song có thể các cổ đông thiểu số đang gặp phải những vướng mắc sẽ khởi động bằng việc lên tiếng đề nghị sự hỗ trợ từ phía các luật gia, chuyên gia nghiên cứu và báo chí. Sự lên tiếng lẻ loi của một vài cổ đông sẽ không đủ tạo áp lực bằng một tập hợp người có cùng quyền lợi.
Điều đáng nói là sự tập hợp theo hình thức câu lạc bộ hay diễn đàn là một tập hợp mở, linh hoạt, không có ràng buộc pháp lý, hoạt động theo sự tự nguyện của các thành viên. Điều này có nghĩa, có được phong trào mạnh hay không trong nỗ lực bảo vệ cổ đông thiểu số hoàn toàn phụ thuộc vào tính chủ động và ý thức của chính các đối tượng này. Ý tưởng của các chuyên gia chỉ bắt nguồn từ những nghiên cứu chính sách và thực tiễn, còn tính khả thi lại nằm trong sự quyết định của mỗi cổ đông thiểu số. Cần phải nói rằng, trên thực tế, nhiều diễn đàn, nhiều nhóm cổ đông đã xuất hiện. Nếu như những nhóm cổ đông thiểu số này có được sự định hướng rõ ràng trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình thì việc tạo dựng một phong trào các cổ đông thiểu số tự bảo vệ mình là hoàn toàn khả thi.
ĐTCK
|