Kiểm toán: Dấu hỏi về đạo đức nghề nghiệp
Thông tin Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán kiểm toán phía Nam (AASCS) bị phạt 40 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đang dấy lên nỗi lo về tính chính xác của các báo cáo tài chính.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) Andrew Harding đã chia sẻ với ĐTCK xung quanh câu chuyện đạo đức nghề nghiệp kiểm toán.
Trong lĩnh vực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp được nhìn nhận quan trọng thế nào, thưa ông?
Một bài học kinh điển về việc nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp kiểm toán có thể thấy trong câu chuyện sụp đổ của Tập đoàn Enron bởi những kỹ năng chuyên môn đã không được sử dụng vì lợi ích của công chúng. Càng ngày các nhà đầu tư và đối tác sẽ tìm kiếm bằng chứng cho đạo đức nghề nghiệp của các chuyên viên tài chính chứ không đơn thuần dựa trên những kỹ năng chuyên môn của họ. Một trong những lý do quan trọng nhất là họ nhận ra rằng, nếu thiếu nhận thức về việc “tự giác làm điều đúng với lương tâm nghề nghiệp”, người có trình độ chuyên môn càng cao thì mức độ gian lận càng tinh vi, dẫn đến những hậu quả càng nghiêm trọng.
Có ý kiến cho rằng, việc thiếu hụt nhân lực là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng kiểm toán có vấn đề. Ông nhìn nhận thực trạng này ở Việt Nam như thế nào?
Ở một khía cạnh nào đó, ý kiến này đúng song không vì thế mà có thể bào chữa cho những sai sót trong các báo cáo kiểm toán. Theo tôi được biết, nhân lực đang là vấn đề nóng bỏng với kiểm toán Việt Nam, cho đến thời điểm này có 244 người đã nhận chứng chỉ ACCA, song chỉ khoảng 180 người còn trụ lại Việt Nam.
Một thực tế nữa là sự bùng nổ của TTCK Việt Nam kéo theo hàng loạt công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… được thành lập. Để có đủ lượng nhân sự cần thiết trong khi không có thời gian đào tạo chuyên gia, các công ty đã chọn cách giải quyết nhanh nhất là chiêu dụ các kiểm toán viên (KTV) về làm cho mình với mức lương và quyền mua cổ phiếu ưu đãi hấp dẫn.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư nước ngoài mới đổ vào Việt Nam cho thấy, rất nhiều dự án đầu tư sẽ được triển khai trong thời gian tới. Các dự án này ngay cả trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng đã cần phải có một đội ngũ KTV nhất định mà không đợi đến khi đưa dự án vào vận hành. Việt Nam hiện mới chỉ có gần 1.500 người có chứng chỉ KTV Việt Nam, do đó lượng người có trình độ nghiệp vụ kế toán tốt, nhất là kế toán theo chuẩn mực quốc tế, đang cực kỳ hiếm hoi.
Và như vậy, một hệ quả có thể thấy được là việc tập trung đào tạo cũng như giám sát về mặt đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ hành nghề chuyên môn khó có thể triển khai một cách đầy đủ và hữu hiệu. Tôi vẫn ủng hộ cách quản lý về đạo đức nghề nghiệp thông qua các hội nghề nghiệp, vì nếu hoàn toàn dựa trên tính tự giác của từng cá nhân hành nghề thì cũng khó, mà dựa vào các biện pháp chế tài của pháp luật còn khó hơn vì khó thể có được những quy định luật pháp đủ chặt chẽ và cập nhật để đối phó với tất cả các khả năng xảy ra gian lận.
Vậy ông có lời khuyên gì để cải thiện tình hình trên?
Các doanh nghiệp kiểm toán cần nỗ lực cải thiện môi trường làm việc và các chính sách nhân sự để giữ chân những nhân viên có năng lực. Ngoài ra, để có đội ngũ kế thừa đủ năng lực, các công ty kiểm toán cần nhanh chóng đào tạo trình độ nghiệp vụ cho nhân viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như ACCA, CPA của Mỹ, Úc, Singapore. Đối với một số công ty, ban điều hành ở nước ngoài có thể chi viện cho công ty tại Việt Nam bằng cách cử chuyên gia sang đảm nhận những vị trí chủ chốt và đào tạo lại nhân viên Việt Nam để thay thế trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, điều này phụ thuộc nhiều vào hoạt động của hiệp hội nghề nghiệp. Bản thân ACCA, chúng tôi đang nỗ lực hết mình để được nhìn nhận là một tổ chức xây dựng nên một thế hệ những chuyên gia kế toán tài chính mới, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp sẽ là trọng tâm của chương trình đào tạo đã được ACCA cập nhật và sẽ đưa vào áp dụng kể từ kỳ thi tháng 12/2007. Trong đó, môn học về đạo đức nghề nghiệp sẽ là một trong ba yếu tố bắt buộc để có bằng ACCA.
đtck
|