Đa dạng dịch vụ chứng khoán
Với gần 60 Cty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động và nhiều bộ hồ sơ xin thành lập CTCK mới đang chờ phê duyệt, thị trường cung cấp dịch vụ CK đang diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, lượng giao dịch giảm đáng kể và việc không ít NĐT rời sàn để "nghe ngóng" đã buộc các CTCK - đặc biệt là những CTCK mới thành lập - phải có chiến lược đa dạng hoá các loại dịch vụ, nhằm thu hút NĐT và tăng thị phần.
Giảm phí giao dịch
Ông Nguyễn Đ.N - NĐT mở tài khoản tại CTCK Thăng Long từ cuối năm 2006 - đã quyết định chuyển tài khoản sang CTCK khác có mức phí giao dịch thấp hơn. Theo ông N, mức phí 0,4% cho giao dịch có giá trị dưới 100 triệu đồng là cao, bởi trong giai đoạn điều chỉnh của TTCK VN hiện nay, ông cũng như rất nhiều người thường giao dịch không quá 100 triệu đồng một ngày. C
hương trình khuyến mãi giảm 50% phí giao dịch của CTCK Thăng Long chỉ được áp dụng trong 15 ngày đầu của tháng 8 và không được giải thích rõ ràng về cách thức nên nhiều NĐT đã không được tham dự chương trình này.
Trong khi đó, ngay sát dưới CTCK Thăng Long, chương trình khuyến mãi (áp mức phí 0,2% cho tất cả các giao dịch trong ngày) của Cty "hàng xóm" Kim Long lại kéo dài một tháng (từ 1.8-31.8). Ông N và một nhóm NĐT đã quyết định cùng nhau bán hết CP trong quỹ để chuyển sàn.
Hiện nay, nhiều CTCK - chủ yếu là những CTCK mới thành lập - đã đưa ra những chương trình khuyến mãi về phí giao dịch rất hấp dẫn. Tính đến thời điểm này, đã có trên 10 CTCK tuyên bố giảm phí giao dịch cho khách hàng, đơn cử như CTCK Hà Thành giảm 0,1% phí cho tất cả các giao dịch; CTCK Chợ Lớn áp dụng mức phí ưu đãi 0,1%, CTCK Phương Đông áp dụng mức phí ưu đãi 0,2%...
Mạnh tay hơn là CTCK Việt Tín với chương trình khuyến mãi "Tặng ngay 5 triệu đồng khi mở tài khoản" (số tiền này sẽ được trừ dần vào phí giao dịch với biểu phí 0,35%).
Dịch vụ hút khách hàng
Bên cạnh việc giảm phí giao dịch, hầu hết các CTCK hiện nay đều tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự cải thiện về tinh thần, thái độ phục vụ khách hàng, về công nghệ (một số CTCK đang và sẽ tiến hành triển khai dịch vụ đặt lệnh qua mạng, thông báo kết quả khớp lệnh qua tin nhắn SMS), về cơ sở vật chất (mở thêm phòng giao dịch và đại lý nhận lệnh) đã được nhiều Cty thực hiện.
Tuy nhiên, mỗi Cty cũng cố gắng tìm ra hướng đi riêng nhằm thu hút khách hàng: Sàn Tân Việt có dịch vụ "càphê CK", khách hàng có thể vừa theo dõi tình hình thị trường vừa uống càphê thư dãn, trao đổi với các NĐT khác trong một khung cảnh đẹp; sàn Quốc tế có dịch vụ cung cấp thông tin cần biết cho khách hàng trên bảng điện tử lớn trước mỗi phiên giao dịch; sàn Tràng An và sàn An Bình có dịch vụ nhắn tin SMS thông báo kết quả khớp lệnh thành công, sàn Tràng An còn có thêm dịch vụ gặp mặt hàng tháng những khách hàng có khối lượng giao dịch lớn để thắt chặt quan hệ với Cty...
Bà Cao Thị Hồng - GĐ khối dịch vụ kinh doanh CK, CTCP CK Quốc tế VN (VIS) - cho biết: "Niềm tin và sự hài lòng của NĐT là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến". Anh Chiến - một NĐT trên sàn Tân Việt - cũng có cùng quan điểm: "Đầu tư CK là một nghề khá vất vả; vì vậy, tôi muốn được sử dụng một dịch vụ tốt để có tâm lý thoải mái khi quyết định đầu tư". Anh cũng nhận xét: "Bây giờ việc chọn một CTCK để mở tài khoản phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dịch vụ ở đó".
Theo ông Nguyễn Tiến Thành - GĐ môi giới CTCK Tân Việt - việc khuyến mãi giảm phí giao dịch chỉ là biện pháp trước mắt nhằm nhanh chóng tăng thị phần. Còn về lâu dài, đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng mới là điều sống còn của các CTCK. Những CTCK sớm nhận ra điều này sẽ có cơ hội để phát triển trong bối cảnh chất lượng dịch vụ đang trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn của các NĐT.
lđ
|