Thứ Sáu, 27/07/2007 17:41

Xu hướng “3 trong 1”

Thị trường tài chính mở cửa, cạnh tranh ngày một khốc liệt đang tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, tận dụng lợi thế của nhau để gia tăng sức mạnh. Xu hướng này đang được các ngân hàng, CTCK và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai mạnh mẽ.

Tiền thân là ngân hàng nông thôn, phạm vi hoạt động chủ yếu tại Tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười đã chuyển đổi mô hình lên ngân hàng cổ phần đô thị, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn quốc và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc PG Bank cho biết, tham gia góp vốn vào PG Bank có hai cổ đông lớn là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và CTCK Sài Gòn (SSI). PG Bank sẽ khai thác tối đa và phát triển các sản phẩm dịch vụ mang tính khác biệt dựa trên lợi thế của các cổ đông này, trong đó tập trung vào mảng thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đã có mối liên kết với Petrolimex và SSI. Trong đó, Petrolimex là đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn nhất cả nước với hệ thống bán lẻ xăng dầu từ Bắc vào Nam, còn SSI là một trong những CTCK, ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tới đây, khi quy định CTCK phải ủy quyền quản lý tiền của nhà đầu tư tại ngân hàng có hiệu lực, PG Bank sẽ có cơ hội đón nhận một lượng tài khoản không nhỏ từ các nhà đầu tư đã “chọn mặt gửi vàng” tại SSI.

Còn “ông lớn” BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) thì đang tận dụng lợi thế về hệ thống điểm giao dịch rộng khắp cả nước để hỗ trợ các mũi kinh doanh chiến lược. Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc BIDV cho biết, 500 điểm giao dịch của Ngân hàng tới đây sẽ là những điểm giao dịch của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIC) và CTCK BSC. Với tham vọng phát triển thành một tập đoàn tài chính ngân hàng hùng mạnh, BIDV sẽ tập trung hoạt động trên 4 trụ cột, gồm: kinh doanh ngân hàng, đầu tư tài chính, chứng khoán và bảo hiểm.

Nhận lệnh mua bán chứng khoán tại các điểm giao dịch ngân hàng là một hướng phát triển của Tập đoàn Tài chính Đại Dương. Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Đại Dương Group cho biết, các CTCK mở thêm một điểm nhận lệnh là không dễ bởi việc tìm kiếm địa điểm gặp nhiều khó khăn, chi phí thuê văn phòng, nhân lực đắt đỏ, vì thế tới đây các điểm giao dịch của Ngân hàng Đại Dương sẽ được kết hợp làm điểm nhận lệnh của CTCK Đại Dương. Doanh nghiệp này còn phối hợp sản xuất chương trình cung cấp thông tin cập nhật về chứng khoán trên kênh Info TV để phục vụ nhà đầu tư. “Thay vì đến sàn, nhà đầu tư có thể theo dõi diễn biến giao dịch trên truyền hình và đến bất kỳ điểm giao dịch nào trong hệ thống Ngân hàng để đặt lệnh”, ông Thắm nói.

Xu hướng liên kết, tận dụng lợi thế của nhau còn được thể hiện rõ qua việc các doanh nghiệp chạy đua ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong thời gian qua. Bỏ qua mục đích đầu tư tài chính, việc chạy đua thu hút cổ đông chiến lược cũng chính là hướng đến mục tiêu thu hút khách hàng, đây là con đường nhanh nhất để tiếp cận, thâm nhập những mảng thị trường mà lâu nay doanh nghiệp chưa khai thác được.

Tại buổi lễ nhận giấy phép thành lập công ty con ở Việt Nam, khi được hỏi một trong những bí quyết thành công của Tập đoàn Société Générale (SG), tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu châu Âu, ông Jean Francois Gautier, Giám đốc dịch vụ tài chính đặc biệt của SG mỉm cười nói: “Đó là nhờ khả năng hợp tác”. Tại Ukraina, thành lập công ty 100% vốn cách đây một năm, Société Générale đã phát triển với 1.300 nhân viên và chiếm thị phần đáng kể nhờ tận dụng mạng lưới hệ thống bưu điện trải khắp cả nước. Tại Việt Nam, Công ty Tài chính Việt SG, vốn điều lệ 20 triệu USD, dự kiến hoạt động trong quý III năm nay đang tìm kiếm các đối tác để có thể liên kết, phối hợp triển khai dịch vụ tín dụng tiêu dùng ở các thành phố lớn.

Cái lợi từ sự “bắt tay” của các doanh nghiệp có thể thấy rõ qua việc tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng khi giao dịch và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho họ. Tuy nhiên, rủi ro về thương hiệu là một trong những yếu tố các bên cần cân nhắc. “Giới thiệu cho anh khách hàng ruột của tôi, cho anh tận dụng hệ thống các điểm giao dịch của tôi, nếu anh không làm tốt, thương hiệu của tôi sẽ bị ảnh hưởng trước cả khi thị trường chê trách sản phẩm của anh. Đây là lý do không phải công ty mẹ nào cũng sẵn sàng cho phép doanh nghiệp con tiếp cận khách hàng của mình”, ông Thắm cho biết.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Lập ngân hàng mới: Gay cấn từ phút đầu (27/07/2007)

>   5 triệu đồng sống chưa đủ, sao áp thuế? (27/07/2007)

>   Hà Nội: Phát hiện đường dây chuyên mua bán hóa đơn (27/07/2007)

>   Hưng Yên: Giám đốc doanh nhân lưu hành 1.500 hoá đơn khống (27/07/2007)

>   Lập ngân hàng: Vượt được rào thì hãy qua! (27/07/2007)

>   Những “lạc điệu” của lãi suất (27/07/2007)

>   Mỗi chỉ vàng giảm từ 5.000-8.000 đồng (26/07/2007)

>   Bảo hiểm cháy nổ: doanh nghiệp cạnh tranh nhau để hút khách hàng (26/07/2007)

>   Tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới sẽ thăm Việt Nam: Việt Nam là một điển hình mà nhiều nước đang phát triển khác có thể học hỏi (26/07/2007)

>   Doanh nghiệp khát vốn, vốn lại nằm chờ (26/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật