WTO đưa ra đề xuất tháo gỡ bế tắc cho Vòng đàm phán Đôha
Trong nỗ lực tháo gỡ những bế tắc cho Vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu Đôha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chủ tịch Uỷ ban Nông nghiệp WTO, Crawford Falconer, ngày 17/7 đề xuất tỷ lệ các mặt hàng nông sản "nhạy cảm" mà các nước phát triển muốn bảo vệ bằng thuế nhập khẩu cao chỉ chiếm nhiều nhất là 6% tổng số mặt hàng nông sản phải chịu thuế.
Đề xuất trên là một "cú đấm" mạnh đối với Nhật Bản và một số nước nhập khẩu nông sản đang vận động để đưa tỷ lệ mặt hàng nhạy cảm này lên 10-15%, buộc nhóm các nước thành viên này phải cắt giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhạy cảm chính trị. Nhật Bản đã lên tiếng phản đối này với lập luận đề xuất mới không đụng chạm đến vấn đề hạn mức thuế nhập khẩu đối với nông sản.
Dự thảo đề nghị trên cũng yêu cầu Mỹ cắt giảm trợ cấp nông nghiệp từ 48,1 tỷ USD xuống 13-16,4 tỷ USD, tức là giảm 66-73%, nhiều hơn so với dự đoán của Chính phủ Mỹ. Còn EU, do trợ giá nông nghiệp nhiều hơn nên biên độ giảm trợ cấp cũng cao hơn, ở mức75-85%. Đề xuất này đã đuợc Brúcxen chấp nhận, song Oasintơn mới hứa sẽ nghiên cứu một cách nghiêm túc, đồng thời đề nghị các nước đang phát triển giảm thuế hải quan cho nông sản xuất khẩu của Mỹ và mở cửa hơn nữa thị trường trong nước cho hàng chế tạo của Mỹ.
Mỹ chỉ chi 11 tỷ USD trợ cấp năm ngoái nhưng chính quyền của Tổng thống Bush muốn có sự linh hoạt bằng cách ấn định hạn mức cao hơn, phòng trường hợp giá nông sản sụt giảm và nông dân cần trợ cấp lớn hơn.
Cùng ngày, Don Stephenson, chủ tịch phụ trách đàm phán tiếp cận thị trường phi nông nghiệp (NAMA), cũng đưa ra một đề nghị khác về cắt giảm thuế nhập khẩu hàng công nghiệp.
Văn bản NAMA này sử dụng một công thức để xác định tỷ lệ cắt giảm thuế hàng công nghiệp, ví dụ như hệ số 8-9 cho các nền kinh tế phát triển và hệ số từ 19-23 cho các nước đang phát triển (số càng nhỏ thì cắt giảm thuế càng lớn).
Các nước đang phát triển như Braxin đã đòi hỏi hệ số 30 nhưng các quốc gia phát triển lập luận rằng hệ số này không đủ mạnh để tạo được dòng chảy thương mại mới. Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị hệ số 10 cho các nước công nghiệp hoá và 15 cho các nước đang phát triển.
Các nguồn tin ngoại giao cho hay, các thành viên WTO sẽ bắt đầu đàm phán dựa vào các đề xuất trên từ tuần tới, và sẽ tạm nghỉ vào cuối tháng này trước khi nối lại đàm phán vào ngày 3/9.
Nếu có bất cứ thành viên nào không chấp nhận lấy các văn bản này làm gốc để đàm phán thì Vòng đàm phán Đôha có thể sẽ bị đình trệ lại trong vài năm nữa do những nhượng bộ về trợ cấp nông nghiệp và thuế nhập khẩu sẽ không khả thi trong năm 2008, khi Mỹ tiến hành bầu cử, và năm 2009, khi bầu cử diễn ra ở Ấn Độ.
Tổng giám đốc WTO, Pascal Lamy, cho biết không phải tất cả các thành viên WTO đều hài lòng với các đề xuất mới nói trên, những "những điều gây chia rẽ đã ít hơn những điều làm họ xích lại gần nhau,. Ông hy vọng các nước thành viên sẽ đạt được một thoả thuận, bởi các phương án này là cơ sở đúng đắn và hợp lý để tiến tới các hiệp định lớn hơn và công bằng hơn cho tất cả.
Kyodo, AP, AFP
|