Thứ Ba, 24/07/2007 11:05

Vì sao cổ đông chủ chốt ồ ạt bán cổ phiếu?

Từ đầu tháng 7/2007 đến nay, việc hàng loạt các nhân vật chủ chốt hoặc người có liên quan tại các doanh nghiệp niêm yết đồng loạt thông báo bán số lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân hoang mang.

Phải chăng cổ phiếu nào bị bán theo kiểu này đang mất giá và còn xuống nữa?

Ồ ạt bán ra

Giao dịch đáng chú ý nhất là việc ông Hoàng Minh Châu, Phó Chủ tịch HĐQT FPT thông báo bán đến 225.000 cổ phiếu FPT từ ngày 23/7.

Không chỉ bán với số lượng lớn mà việc bán ra hàng trăm ngàn cổ phiếu FPT trong thời điểm nhạy cảm “ FPT bị xả hàng” đã làm nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi phải chăng FPT đang có vấn đề?

Đáng chú ý hơn là mới đây, ông Châu đã thay mặt FPT trấn an các nhà đầu tư rằng mọi việc ở FPT vẫn bình thường, FPT đang đi đúng hướng. Nhưng liệu mấy người tin khi chính ông Châu bán số lượng cổ phiếu với giá trị lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Trước đó, một quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ra gần 1,2 triệu cổ phiếu FPT . Mặc dù kết quả kinh doanh của FPT khá tốt, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2007 lên đến 506 tỷ đồng nhưng đến ngày 23/7, giá cổ phiếu FPT đã rớt xuống còn 272.000 đồng/ cổ phiếu, thấp nhất 52 tuần qua!

STB cũng đang ở tình trạng tương tự giống FPT, sau khi hàng loạt cổ đông lớn, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và người nhà bán ồ ạt loại cổ phiếu này, SBT hiện chỉ còn 60.500đồng/ cổ phiếu, gần sát với giá thấp nhất 52 tuần qua là 58.500 đồng/cổ phiếu.

Lợi nhuận khổng lồ 530 tỷ đồng đầu 5 tháng đầu năm 2007 của STB cũng chưa giúp giá STB trở thành “hiện tượng” của năm 2007 như dự đoán đầu năm nay.

Mới đây nhất, ông Trần Văn Ngọc đã đăng ký bán hơn 500.000 cổ phiếu STB sau khi người nhà ông là bà Lê Thị Yến vừa mới bán xong gần 200.000 cổ phiếu STB! Ngay như những cổ phiếu blue - chip hay đang được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng như SSI, VHS, ITA, CII, BBC... cũng bị bán ra khá lớn.

Hai thành viên Ban kiểm soát SSI bán ra 90.000 cổ phiếu SSI, cổ đông sáng lập VHS bán 500.000 cổ phiếu VSH, thành viên ITA bán 282.800 cổ phiếu ITA, cổ đông nước ngoài bán 129.600 cổ phiếu CII, thành viên HĐQT BBC bán 100.000 cổ phiếu BBC...

Tìm kênh đầu tư khác?

Nhà phân tích chứng khoán Đặng Ngọc Thắng cho biết: “Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân luôn chờ xem thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của tổ chức niêm yết bán, mua gì để họ đặt lệnh theo vì tin rằng có chuyện gì đó, tốt hay xấu thì các vị ấy mới làm vậy”.

Nhà đầu tư Trần Thị Thành Huyền (sàn VCBS TPHCM) nói: “Mấy vị trong HĐQT FPT cứ bán ra mà bảo chúng tôi không sao đâu ai  thì tin sao nổi”. Bà Huyền bảo: “Cả mấy ông Tây cũng bán ra cả triệu cổ phiếu này nên nhà đầu tư chúng tôi cũng phải bán theo thôi”. Đầu tuần trước bà Huyền cùng bạn bè bán FPT, STB cao hơn hàng chục giá so với phiên 23/7 nên họ càng tin mình đúng.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu cổ phiếu đó đang có triển vọng, sắp tới sẽ lên giá thì chẳng đời nào mấy vị biết rõ thông tin như trong HĐQT, Ban kiểm soát lại bán đi nhiều như thế. Nhà đầu tư Vũ Ngọc Dũng (sàn SSI TP HCM) đặt vấn đề: “Họ thông báo bán vì mục đích chi tiêu cá nhân gì mà chi tiêu hàng chục tỷ?”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chứng khoán lại có cái nhìn khác và cho rằng nên xem đó là thông tin tham khảo hơn là quyết định mua bán của cá nhân nhà đầu tư. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư lớn nhận định: “Tại các TTCK lớn, việc cổ đông lớn, thành viên HĐQT bán số lượng lớn cổ phiếu của mình là chuyện bình thường. Có thể họ muốn có tiền để đầu tư vào ngành khác hay cơ cấu lại danh mục của mình chứ chưa hẳn do cổ phiếu ấy sắp xuống giá hay có tin xấu”.

Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước cũng khuyên nhà đầu tư nên bình tĩnh, nghiên cứu và xem xét cả các thông tin khác chứ đừng dựa vào mỗi nguồn tin như trên. Ông Tước dẫn chứng, cổ phiếu STB dù bị bán ra nhiều nhưng số người mua vào cũng không ít, như phiên 23/7 có đến hơn 465.000 cổ phiếu này giao dịch thành.

Bên cạnh đó việc nhiều doanh nghiệp như FPT muốn bành trướng sang các lĩnh vực khác và gọi vốn từ các nhân vật chủ chốt của mình cũng khiến họ phải bán bớt cổ phiếu để có tiền góp vốn vào lĩnh vực mới.

Hầu hết những “người giàu nhất Việt Nam” đều góp vốn vào các doanh nghiệp khi còn trong “trứng nước” nên “mạo hiểm” một lần nữa với hy vọng tài sản tại các doanh nghiệp mới tăng gấp đôi, ba trong vòng vài năm tới cũng là một động lực giúp họ bán bớt cổ phiếu đã đạt tới ngưỡng.

TP

Các tin tức khác

>   TTCK chuyển mình về công nghệ (24/07/2007)

>   Lập cập khớp lệnh liên tục (24/07/2007)

>   93% DN niêm yết có chỉ số xếp hạng tín dụng khá tốt (23/07/2007)

>   VIS Báo cáo tài chính Quý II/2007 (25/07/2007)

>   HMC Giải trình biến động giá cổ phiếu (23/07/2007)

>   Thông tin về việc chấp thuận niêm yết cho Cty Cp Quốc tế Hoàng Gia (23/07/2007)

>   DXP Báo cáo tài chính QII/2007 (25/07/2007)

>   TAC giải trình biến động giá cổ phiếu (23/07/2007)

>   DHG niêm yết bổ sung cổ phiếu (23/07/2007)

>   Nghị quyết Hội đồng Quản trị của NHC (24/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật