TP.HCM: Bán vàng = Cân sai + gian lận tuổi
Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra 5 công ty kinh doanh vàng bạc đá quý và phát hiện có 11 cân sai.
Trước đây, trong một đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành (Thanh tra Sở Khoa học- Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Quản lý thị trường) kiểm tra 88 cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại các chợ: An Đông, Hòa Bình, Bà Chiểu cũng phát hiện có 84 cửa hàng vi phạm cân vàng bạc không có kiểm định.
Thực tế, còn rất nhiều thủ đoạn gian lận khác của các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý mà người tiêu dùng không biết được…
Tại TP.HCM, vàng nữ trang chiếm khoảng 70% mức tiêu thụ của cả nước với sản lượng ước tính 2.500.000 sản phẩm/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người tiêu dùng khiếu nại liên quan đến chất lượng vàng phần lớn là vàng nữ trang. Một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở chợ Tân Bình khẳng định: Hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng bạc vừa và nhỏ đều phải... gian lận thì mới sống được.
Phổ biến nhất là gian lận tuổi vàng trong các sản phẩm nữ trang. Chẳng hạn như, sản phẩm đóng dấu 18k nhưng thật ra tuổi vàng chỉ đạt 68%, 65% hoặc có khi chỉ có 51%; còn vàng trắng, thường tương đương 14k, nhưng được đóng dấu 18k, tuổi vàng chỉ đạt 50%, có khi 30% hoặc vàng nữ trang kém chất lượng do có độn lót bên trong...
Để ngăn chặn gian lận - có khó không?
Trong một cuộc hội thảo đánh giá về tình trạng gian lận vàng trong kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Thuận - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho rằng: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc gian lận trong kinh doanh vàng.
Thứ nhất, xuất phát từ chính sách thông thoáng của Nhà nước và thông lệ quốc tế, vàng nữ trang là hàng hoá thông thường không thuộc phạm trù quản lý ngoại hối nên Nhà nước chỉ quy định doanh nghiệp tự đăng ký chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký. Lợi dụng quy định này, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp tuổi vàng.
Thứ hai, do việc thả nổi trong cạnh tranh và thiếu kiểm tra trong giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, do tâm lý của khách hàng khi mua trang sức thích mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn cùng loại, chứ ít quan tâm đến tuổi vàng...
Vì vậy, để quản lý chất lượng vàng thì Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản riêng quy định cụ thể về tiêu chuẩn hàm lượng vàng cho từng loại sản phẩm trang sức, mỹ nghệ cho các nhà sản xuất, kinh doanh vàng để làm cơ sở pháp lý xử lý những vi phạm hay khiếu kiện xảy ra.
Chẳng hạn, với nữ trang vàng 24k, không được sản xuất dưới mức 95%; vàng 18k không dưới mức 65% hay vàng 14k không được sản xuất dưới mức 45%... Phải đóng dấu đúng hàm lượng vàng trên sản phẩm (không ghi ký hiệu tắt, lập lờ trên sản phẩm) và bán giá đúng với tuổi vàng.
Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm các đơn vị làm ăn gian dối (cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu sản phẩm hoặc rút giấy phép vĩnh viễn), thành lập tổ chức kiểm định quốc gia với các chuyên viên và phương tiện chuẩn, hiện đại để thực hiện tốt việc giám sát...
CAND
|