Thị trường CP tài chính - ngân hàng: Băng sẽ tan?
Nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh vẫn ít người mua.
Trải qua cơn sốt vào cuối năm 2006, đầu năm 2007, CP NH giờ đây đang khiến rất nhiều NĐT lâm vào cảnh mất ăn mất ngủ dù kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, một loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh rất tốt.
Đi tìm nguyên nhân
Mức giảm giá này tuy không gây sốc cho nhiều NĐT có kinh nghiệm, nhưng cũng đang làm đau lòng không ít người đang nắm giữ CP này. Có thể thấy nguyên nhân trực tiếp nhất là do từ tháng 4 đến nay, thị trường niêm yết liên tục điều chỉnh theo xu hướng giảm. Cả chỉ số VN-Index và HaSTC-Index trong vài tháng qua đều đã giảm hơn 100 điểm. Điều này không có gì khó hiểu, bởi CP tài chính-NH vốn là "hàn thử biểu của nền kinh tế".
Một nguyên nhân khác là do tác động của chỉ thị 03 của NHNN quy định về việc khống chế cho vay CK ở mức 3% tổng dư nợ. Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, quyết định này sẽ hạn chế rất nhiều lượng vốn bơm vào chứng khoán và tạo áp lực cho NĐT. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý NĐT, đặc biệt ở VN, khi tác động tâm lý đến giá CK vẫn còn rất rõ rệt.
Thêm vào đó, trong năm 2007, các NH TMCP đua nhau tăng vốn. Chỉ làm phép tính đơn giản cũng có thể ra được đáp số trên 100.000 tỉ đồng giá trị CP sẽ được phát hành và huy động từ cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, sắp tới, sẽ có một loạt NH lớn thực hiện các đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Tác động cộng gộp này khiến nhiều NĐT lo ngại thị trường CP ngành tài chính-NH (TCNH) sẽ bị pha loãng.
Suy giảm trong ngắn hạn?
Mặc dầu tâm lý chung của các NĐT lúc này là rất e ngại, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đánh mất hy vọng ở tương lai khi đầu tư vào CP TCNH. Vẫn còn nhiều điểm tựa mà chúng ta có thể tin tưởng sẽ vực giá CP TCNH lên trong thời gian tới.
Thứ nhất, xét trong dài hạn, CP TCNH vẫn là một trong những loại CP ổn định và sinh lời nhiều nhất (mức sinh lời có lẽ chỉ sau CP bất động sản). Tham khảo số liệu từ CTCK Biển Việt, chỉ số CBV-tài chính hiện tại đang đứng thứ hai chỉ sau CBV-nhà đất. Tính từ đầu năm 2007 đến nay, chỉ số CBV-tài chính tăng 43,84 điểm, tương ứng với mức tăng 43,84% so với lãi NH.
Hơn thế nữa, kết quả kinh doanh của các NH trong thời gian vừa qua cũng rất khả quan. Tốc độ phát triển của các NH VN trung bình là 50%. Nếu đem so sánh với tốc độ tăng trưởng trung bình của các NH trong khu vực thì con số này thực sự rất ấn tượng. Còn xét về tính ổn định thì cũng có thể yên tâm, bởi NH vốn là một ngành kinh tế rất nhạy cảm. Chính phủ và đặc biệt là NHNN sẽ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giám sát và duy trì sự ổn định của NH, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thứ hai, mối lo lắng về việc thị trường sẽ bị pha loãng khi hàng chục NH lớn tiến hành IPO không hẳn đáng ngại, bởi nếu nhìn vấn đề một cách khác đi, việc các NH tham gia TTCK sẽ khiến cho lượng hàng hoá phong phú lên rất nhiều và thị trường khi đó chắc chắn sẽ sôi động lên, do được kích cầu bởi chất lượng hàng.
Một động lực khác để các NH VN phát triển hơn nữa trong thời gian tới là việc các NH nước ngoài vào VN từ 1.4.2007. Sự kiện này chắc chắn sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và thúc đẩy các NH VN tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hoá dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Trong một tương lai không xa, ngành NH VN hứa hẹn sẽ có những bước phát triển lớn mạnh, xứng tầm với các NH trong khu vực.
Trên cơ sở các phân tích này, có thể nói, việc các CP NH hiện đang bị rớt giá mạnh, thậm chí đóng băng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Xét về dài hạn, chúng ta có quyền tin tưởng hoạt động giao dịch các CP TCNH sẽ sôi động trở lại và sẽ lại là sự lựa chọn tốt cho các NĐT.
LĐ
|