Thứ Hai, 02/07/2007 11:11

Thắt chặt khâu định giá

Ngày 26/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 109/2007/NĐ-CP chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thay thế NĐ 187 cũ. Những điểm quan trọng của NĐ này là quy định chi tiết các căn cứ để xác định giá trị DN, nhằm hạn chế việc định giá không chính xác, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Giá của quyền sử dụng đất

Thực tế, trong quá trình CPH theo Nghị định 187 và Thông tư hướng dẫn 126, việc định giá DN mà cụ thể là tính giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) là một trong những vấn đề có thể gây nên những thất thoát lớn.

Để "bịt" các kẽ hở, Thông tư 95 ngày 12/10/2006 đã sửa đổi Thông tư 126 và quy định khá cụ thể vấn đề liên quan đến giá trị QSDĐ. Kế thừa các nội dung liên quan trong Thông tư 95, NĐ 109 đã quy định cụ thể các căn cứ để xác định giá trị đất khi CPH.

Cụ thể, đối với diện tích đất DN đang sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh... đều phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền.

Với diện tích đất hiện có, DN được lựa chọn 2 hình thức: Thuê đất hoặc giao đất theo quy định của Luật Đất đai. Trường hợp DN được giao đất thì phải tính giá trị QSDĐ vào giá trị DN theo giá đất đã được UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi DN có diện tích đất được giao quy định và công bố.

Trường hợp DN chọn hình thức thuê đất, nếu DN trả tiền thuê đất hàng năm thì không tính tiền thuê đất vào giá trị DN. Đối với những DN trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất thì tính tiền thuê đất vào giá trị DN theo giá sát với giá thị trường tại thời điểm định giá được UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư công bố.

Trường hợp giá đất làm căn cứ để xác định giá trị QSDĐ, tiền thuê đất chưa sát với giá thực tế tại thời điểm CPH thì UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ quyết định giá đất cho phù hợp.

Một điểm mới trong NĐ 109 là giá trị lợi thế kinh doanh của DN và các khoản đầu tư dài hạn vào DN khác cũng được xác định. Cụ thể, giá trị vốn đầu tư dài hạn được xác định trên cơ sở tỉ lệ vốn đầu tư của DN trên vốn điều lệ hoặc tổng số vốn thực góp tại DN khác. Đối với phần vốn góp tại công ty niêm yết, giá trị vốn góp được tính theo giá CP đang giao dịch tại thời điểm xác định giá trị DN.

Bỏ ưu đãi về giá cho NĐT chiến lược

Theo quy định tại NĐ 109, NĐT chiến lược sẽ không còn được mua ưu đãi cổ phần của DN CPH với mức giá giảm 20%. Đây là vấn đề được khá nhiều ý kiến tranh luận lâu nay vì thực tế NĐT chiến lược là những tổ chức có mong muốn đồng hành cùng DN và mức ưu đãi về giá không phải là điều kiện quan trọng.

Theo ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc BIDV, NH đang trong giai đoạn CPH - quy định cũ cho phép giảm 20% đối với NĐT chiến lược là một sự bao cấp, chưa phản ánh được tính thị trường.

Theo quy định mới, giá bán theo phương thức bảo lãnh phát hành hoặc thoả thuận trực tiếp với NĐT chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá. Ngoài ra, NĐT chiến lược phải đặt cọc ngay 10% giá trị cổ phần được mua theo giá khởi điểm.

Liên quan đến việc xác định NĐT chiến lược, NĐ 109 cũng chính thức đưa NĐT nước ngoài vào khái niệm NĐT chiến lược. Đây là yêu cầu thực tế, đặc biệt trong việc CPH các DN thuộc lĩnh vực quan trọng tài chính, NH, bảo hiểm...

Theo ông Trần Bắc Hà, đối với NH trong thời gian đầu xác định cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm thu hút được năng lực quản trị, công nghệ thông tin, đào tạo, tài chính... và hưởng thụ một phần thương hiệu của cổ đông chiến lược nước ngoài mà các cổ đông chiến lược trong nước chưa đáp ứng được.

Chú trọng đến yếu tố này, NĐ 109 quy định rõ: "NĐT chiến lược là các NĐT trong nước và nước ngoài có năng lực tài chính, quản trị DN; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với DN".

Trong trường hợp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nếu nhất thiết phải chọn NĐT chiến lược sẽ tổ chức đấu thầu riêng giữa các NĐT chiến lược theo quyết định của Thủ tướng.

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): "NĐ tạo thời cơ cho EVN thu hút cổ đông chiến lược là NĐT nước ngoài"

Điểm quan trọng nhất của Nghị định (NĐ) 109 là trao quyền cho HĐQT phê duyệt tất cả quyết định liên quan đến CPH như phương thức bán cổ phần (CP), xác định giá trị DN CPH, xử lý tài chính, công nợ... thay vì phải trình lên bộ quản lý ngành như trước đây. Quy định này vừa tạo thuận lợi cho DN trong việc đẩy nhanh tiến trình CPH, nhưng đồng thời đặt ra trách nhiệm rất cao đối với HĐQT.

Ngoài ra, việc quy định mở rộng đối tượng NĐT chiến lược gồm cả NĐT nước ngoài và xoá bỏ cơ chế ưu đãi giảm 20% giá bán cổ phần so với giá đấu bình quân là điểm thuận lợi cơ bản, tạo điều kiện cho EVN thu hút cổ đông chiến lược là NĐT nước ngoài.

Hiện nay, EVN đang làm việc với một số đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc là những NĐT có tiềm lực tài chính, công nghệ, đồng thời là những đối tác có khả năng cung cấp nhiên liệu cho các nhiệt điện của Việt Nam, mời họ vào cùng tham gia theo tỉ lệ góp vốn thoả thuận. Vì vậy tới đây, các nhà máy trong diện CPH của EVN như NĐ Phú Mỹ, Cần Thơ, Thủ Đức, TĐ Hàm Thuận - Đa Mi, Đa Nhim, Đại Ninh đều là những nhà máy có khả năng kêu gọi đối tác nước ngoài cùng tham gia.

Ông Đỗ Duy Phi, Tổng giám đốc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem): "Phải nâng cao chất lượng cán bộ"

Theo lộ trình CPH đến năm 2010, Vinachem sẽ CPH công ty mẹ - Tổng công ty Hoá chất, song tại thời điểm này, chúng tôi đang tiến hành khẩn trương việc CPH các công ty thành viên và bộ phận công ty thành viên.

NĐ 109 ra đời là một bước tiến bộ so với NĐ 187 trước đây về trao quyền cho HĐQT Tổng công ty phê duyệt các bước tiến hành CPH, tuy nhiên để thực hiện được việc này, chúng tôi phải tập trung mọi nỗ lực cố gắng, nâng cao năng lực cán bộ để hoàn thành nhiệm vụ, vì tới đây những đơn vị CPH đều là những đơn vị lớn thuộc Tổng công ty.

Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc BIDV: Xác định đối tác chiến lược là căn cứ vào lợi ích dài hạn

Hoạt động NH như xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện công tác quản trị, điều hành theo thông lệ quốc tế để vận hành theo mô hình NH hiện đại lại chưa có bài bản, mang tính tự phát, chưa đáp ứng chuẩn quốc tế. Do đó, việc lựa chọn cổ đông chiến lược (CĐCL) nước ngoài là đúng đắn.

Tôi đồng tình với quan điểm sở hữu của CĐCL nước ngoài không quá 20%. Nên tính toán, cân nhắc 1, 2 cổ đông chiến lược. BIDV có thể lựa chọn 1 CĐCL là NH toàn cầu hoặc khu vực, đồng thời cũng cần có CĐCL trong nước không xung đột về lợi ích và có khả năng hỗ trợ phát triển thương hiệu của NH.

Đối với NH, CĐCL không những mua bằng giá đấu bình quân trên thị trường mà còn có thể mua cao hơn vì đối với CĐCL, tham gia góp vốn là một quyết định quan trọng, được tính toán cẩn trọng dựa trên những lợi ích dài hạn, hơn là việc giảm giá trước mắt. BIDV dự kiến sắp tới cũng sẽ đệ trình phương án xin thành lập một liên minh tổ hợp công nghiệp - xây dựng bao gồm nhiều tập đoàn lớn của quốc gia để tạo ra sức mạnh.

Các tin tức khác

>   MEKOPHAR chi trả cổt tức đợt 1/2007 (02/07/2007)

>   Ban hành nghị định mới về cổ phần hóa (01/07/2007)

>   Cổ phiếu ngân hàng: “Mùa vàng” có trở lại? (29/06/2007)

>   Bình Định: CPH 14 Doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (29/06/2007)

>   Ra mắt Công ty Cổ phần Xi măng VLXD xây lắp Đà Nẵng (29/06/2007)

>   Công ty CP Nhà Rồng hoãn bán đấu giá cổ phần (29/06/2007)

>   Nhà nước được gì từ cổ phần hóa? (29/06/2007)

>   Phát hiện vụ 'in thừa' 700 cổ phiếu trị giá 7 tỷ đồng (29/06/2007)

>   PVI được định giá thấp? (29/06/2007)

>   CPH thời chứng khoán: Thị trường cần cổ phiếu nhưng CPH quá chậm (29/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật