Thứ Hai, 02/07/2007 13:34

Thị trường ảm đạm: Công ty chứng khoán vẫn nở rộ

Mặc cho thị trường chứng khoán (TTCK) đang ảm đạm, giá trị giao dịch giảm mạnh, nhưng hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) mới liên tục ra đời. Từ năm 2000, khi TTCK Việt Nam ra đời đến đầu năm 2006 mới chỉ có hơn 10 CTCK được thành lập. Nhưng từ đầu năm 2007 đến nay, con số này đã lên khoảng 65 công ty và theo ước tính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có thể đến hết năm sẽ có hơn 100 CTCK nếu được cấp phép hết.

Siêu lợi nhuận

Chỉ cần nhìn vào mức lợi nhuận của năm 2006 và quý 1/2007 của một số CTCK, nhiều người đã "choáng". Lợi nhuận ròng của các CTCK dao động từ 50 - 70%, đặc biệt là những CTCK có tên tuổi. Cụ thể như lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu của CTCK Sài Gòn (SSI) năm 2006 là 242 tỉ đồng/378,5 tỉ đồng; VCBS 108 tỉ đồng/234 tỉ đồng; BVSC 50,8 tỉ đồng/92,2 tỉ đồng, ACBS 84 tỉ đồng/113 tỉ đồng... Một số CTCK mới ra sau này cũng đạt mức lợi nhuận rất cao như HSC đạt lợi nhuận 91 tỉ đồng/120 tỉ đồng; SBS 4,8 tỉ đồng/10,5 tỉ đồng... Chỉ tính trong quý 1/2007, lợi nhuận của SSI đã là 465 tỉ đồng (vốn điều lệ là 500 tỉ đồng), BVSC đạt lợi nhuận 123 tỉ đồng (vốn điều lệ 150 tỉ đồng)... Đây là những con số "trong mơ" đối với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Lý do là với nghiệp vụ môi giới, dù thị trường lên hay xuống, tăng hay giảm thì nhà đầu tư (NĐT) khi giao dịch đều phải trả mức phí cho các CTCK: ít thì 0,2%/một giao dịch, nhiều thì 0,3 - 0,5%/một giao dịch. Tính trung bình thị trường TP.HCM và Hà Nội hiện nay dù tổng giá trị giao dịch mỗi phiên chưa đến 1.000 tỉ đồng nhưng mức phí giao dịch mà các CTCK thu được cũng đều đều 1,5 - 2 tỉ đồng.

Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM thừa nhận dịch vụ môi giới và tự doanh vẫn là nguồn thu lớn nhất của các CTCK. "Việc tư vấn hay bảo lãnh phát hành chủ yếu để tạo uy tín cho công ty vì hiện tại ở Việt Nam, những cuộc phát hành của doanh nghiệp nào dường như cũng đạt được thành công 100% nên vai trò của công ty bảo lãnh phát hành chưa thể hiện được. Tuy nhiên, trong tương lai việc bảo lãnh phát hành sẽ trở thành nguồn thu chính của các CTCK" - vị tổng giám đốc này nói. Ông Bùi Văn Tuynh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt cũng cho biết công ty đang cố gắng từng bước để nâng tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận từ các dịch vụ như môi giới, bảo lãnh phát hành, tư vấn lên trên 50% trong tổng doanh thu của công ty. "Hoạt động của các CTCK tương tự như ngân hàng, các mảng dịch vụ ngày càng phát triển thì sẽ mang tính ổn định và thể hiện sự chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, muốn nâng cấp phần dịch vụ thì phải nâng cấp nhiều thứ như nhân lực, uy tín, sự chuyên nghiệp của công ty" - ông Tuynh nói. Theo Luật Chứng khoán, mức vốn điều lệ tối thiểu để các CTCK được cấp phép thực hiện hết các nghiệp vụ là 300 tỉ đồng. Đây không phải là một chỉ tiêu quá khó. Hiện nay, không kể các ngân hàng hầu hết đều có CTCK, nhiều công ty trong những lĩnh vực khác đang đổ xô vào lĩnh vực này như FPT, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Công ty dầu khí...

Cạnh tranh gay gắt

Số lượng NĐT mở tài khoản mới tại các CTCK nhìn chung từ đầu quý 2 đến nay chỉ tăng rất ít, trong khi số lượng CTCK lại tăng gấp đôi, gấp 3 lần trước đó. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng diễn ra gay gắt hơn. Trước hết là cuộc chạy đua về nhân lực. Một CTCK có ít nhất 2 văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi chi nhánh cần tối thiểu 30 nhân viên để thực hiện dịch vụ môi giới. Đó là chưa kể nhân sự cần cho thực hiện nhiều dịch vụ khác nữa. Ông Nguyễn Ngọc Tươi, Tổng giám đốc CTCK Đà Nẵng cho biết: Nhân lực cho các CTCK hiện đang trong tình trạng khủng hoảng. Những người có năng lực, kinh nghiệm từ các CTCK cũ hiện đang rất "có giá" khi hàng loạt CTCK mới ra đời. Trong khi đó, việc cung cấp nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán chưa phải là nhiều. Mới đây, việc UBCKNN chấp nhận cho 5 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán được xem là một giải pháp tốt. Thế nhưng ít nhất phải đến năm 2008, số nhân lực này mới bắt đầu cung ứng cho thị trường. Còn từ nay đến cuối năm thì các CTCK phải tự cứu lấy mình. "Các CTCK phải tự đào tạo là chính. Một nhân viên mới tuyển vào phải mất ít nhất là 3 tháng để có thể thực hiện được công việc thuần thục và tham gia vào hoạt động thực tế được. Những lớp đào tạo của CTCK thường do các nhân viên đã có kinh nghiệm dạy lại cho người mới", ông Nguyễn Ngọc Tươi nói.

Bên cạnh đó, do số lượng NĐT mới không nhiều nên các CTCK mới thành lập phải có nhiều giải pháp để thu hút khách hàng như giảm phí môi giới, khuyến mãi phí môi giới trong 1-2 tháng đầu tiên mà theo giám đốc một CTCK thì "đây là sự cạnh tranh không lành mạnh vì điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng dịch vụ mới giữ chân được NĐT gắn bó với mình".

Để có thể tồn tại trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, các CTCK mới phải có sự chuẩn bị tốt hơn về cơ sở vật chất lẫn trình độ công nghệ, nguồn nhân lực... Theo đánh giá của một chuyên gia, trong thời gian tới các CTCK không cần phải mở sàn giao dịch thật rộng, cần nhiều nhân viên mà điều quan trọng nhất là phải đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, tiến đến thực hiện giao dịch qua mạng để đáp ứng được nhu cầu mọi lúc mọi nơi của NĐT. CTCK nào thực hiện tốt được điều này sẽ chiếm ưu thế.

TN

Các tin tức khác

>   CK Đệ Nhất tạm ngừng giao dịch tại TTGDCKHN (02/07/2007)

>   Bridge Securities và Haseco ký hợp tác chiến lược (02/07/2007)

>   Tin vắn chứng khoán niêm yết ngày 2/7 (02/07/2007)

>   Cho vay đầu tư chứng khoán: Ý kiến quanh việc ngân hàng rút vốn (02/07/2007)

>   Cty niêm yết phải chủ động công bố thông tin quan trọng (02/07/2007)

>   UBCKNN: ngăn chặn giao dịch nội gián (02/07/2007)

>   Tầm nhìn đầu tư dài hạn (01/07/2007)

>   VIETSTOCK hỗ trợ doanh nghiệp công bố thông tin miễn phí (29/06/2007)

>   VTC Niêm yết bổ sung cổ phiếu (29/06/2007)

>   SDN: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (29/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật