Cho vay đầu tư chứng khoán: Ý kiến quanh việc ngân hàng rút vốn
Quan điểm của một số quan chức và lãnh đạo ngân hàng quanh việc hạ mức vốn cho vay đầu tư chứng khoán xuống dưới 3%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy:
“Khi khách hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng thì giữa họ với ngân hàng là căn cứ theo hợp đồng tín dụng vay vốn và thời hạn trên hợp đồng để giải quyết nợ, không có chuyện là Ngân hàng Nhà nước đưa ra Chỉ thị và các ngân hàng gọi anh đến yêu cầu trả nợ ngay.
Như vậy áp lực chỉ có ở những người đang có ý định lâu dài dùng vốn vay ngân hàng để đi chơi chứng khoán chứ không phải đối với những người đã vay rồi. Còn đã vay thì đến hạn trả nợ là đương nhiên, và có thể không còn được vay tiếp. Không có ngân hàng nào cam kết là anh vay tôi đi rồi đến hạn trả nợ tôi lại cho anh vay tiếp.
Nếu ngân hàng nào chưa đến 3% thì tự hành xử. Những ngân hàng đã vượt quá thì căn cứ vào thực tế để yêu cầu khi đáo hạn thì thu nợ chứ không được cho vay tiếp và dự kiến của chúng tôi là đến cuối năm nay thì phải thu hồi về hết.
Chúng tôi đánh giá đây thường là những khoản vay ngắn hạn nên quy định một lộ trình như vậy chắc chắn sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động các ngân hàng cũng như hành xử của người đi vay”.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán:
“Tôi thấy tỷ lệ 3% mang tính áp đặt và có nhiều ý kiến không đồng tình. Và khi đưa ra những chủ trương, chính sách can thiệp mạnh đến hoạt động của các ngân hàng, có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán và nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cần phải lấy ý kiến của chính họ và các bên liên quan như Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Còn về cụ thể, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra một hệ số rủi ro ở hoạt động cho vay này và các ngân hàng sẽ tự lo liệu”.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Incombank):
“Đây là một hoạt động cho vay có nhiều rủi ro và cần phải thận trọng. Chỉ một ngân hàng nhỏ gặp rủi ro cũng gây ảnh hưởng tới cả hệ thống. Thị trường chứng khoán còn mới mẻ, có nhiều biến động khó lường, nên rủi ro lớn và có tỷ lệ khống chế là cần thiết.
Tất nhiên, hiện có nhiều ngân hàng đang thừa vốn khả dụng lớn, không cho vay đầu tư, kinh doanh CK nữa (vì đã vượt trần) thì chưa biết dùng vốn đó như thế nào. Cũng cần đặt ra câu hỏi là: có vì tỷ lệ 3% mà làm cho thị trường chứng khoán thiếu vốn không? Còn việc rút vốn về, theo tôi không gây xáo trộn lớn bởi có lộ trình và có sự chủ động từ phía ngân hàng”.
Ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB):
“Với Chỉ thị 03, các ngân hàng quốc doanh sẽ chịu tác động không lớn, nhưng với các ngân hàng thương mại cổ phần là lớn.
Chỉ thị này không quá bất ngờ vì cũng đã từng có cảnh báo trước đó, từng có ở hoạt động cho vay đầu tư bất động sản... Tuy nhiên, tôi thấy khi xây dựng Chỉ thị 03, Ngân hàng Nhà nước chưa được cẩn thận một cách cần thiết.
Chỉ thị không phải là một văn bản quá phức tạp để phải có văn bản hướng dẫn nữa. Tôi cho rằng trong hoạt động cho vay này không nên áp dụng tỷ lệ hạn chế theo tổng dư nợ mà nên theo tổng tài sản có của các ngân hàng, như thế hợp lý và cụ thể hơn ở mỗi ngân hàng”.
TBKTVN
|