Thứ Năm, 05/07/2007 15:53

"Thế giới đang có cái nhìn trông đợi vào Việt Nam"

Tại Mumbai, trung tâm kinh tế của Ấn Độ, các DN Ấn Độ bày tỏ niềm tin, sự trông đợi vào triển vọng phát triển và những chính sách thuận lợi hoá kinh doanh của Việt Nam. Các DN mong muốn được tham gia vào sự năng động và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tối qua, 4/7, kết thúc ngày làm việc đầu tiên bận rộn với 4 chuyến bay, và hành trình vất vả trong thời tiết khắc nghiệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đã rời Kolkata đến Mumbai, trung tâm kinh tế của Ấn Độ. Trong ngày làm việc thứ 2 tại Ấn Độ này, Thủ tướng tiếp lãnh đạo tập đoàn JP Morgan Chase, đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp, thăm khu công nghệ thông tin Knowledge City. Buổi chiều, đoàn sẽ đến New Delhi, đến thăm Qutub Minar, thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ...

Việt Nam: Địa chỉ đầu tư tin cậy

Thành phố Mumbai (thường được biết đến với tên gọi Bombay là thủ phủ của bang Maharashtra, thành phố đông dân nhất Ấn Độ và cũng là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới với 18 triệu dân (2006). Đây là trung tâm thương mại của Ấn Độ, giống như New York của nước Mỹ, và là nơi đóng đô của các thể chế tài chính quan tọng như Ngân hàng RBI, trung tâm chứng khoán Bombay BSE, trung tâm chứng khoán quốc gia Ấn Độ NSE...Trụ sở các tập đoàn lớn của Ấn cũng đóng tại đây.

Diễn đàn doanh nghiệp đã thu hút được gần 1000 đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tham dự.

Chủ tịch liên hiệp công nghiệp Ấn Độ đã thay mặt phía Ấn Độ ca ngợi Việt Nam vì những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập vào nền kinh tế thế giới hiện nay. Ông nói: "các doanh nghiệp Ấn đều rất quan tâm và muốn tìm cơ hội đến với Việt Nam, học hỏi các kinh nghiệm của Việt Nam".

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông tin cho doanh nghiệp về tình hình kinh tế, các chính sách của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, quan tâm tới quyền lợi của nhà đầu tư và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi nhất có thể.

Việt Nam "kiên trì, nhất quán, thực hiện cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế thị trường đầy đủ. Kinh tế thị trường đó bao gồm tài chính, vốn cũng như hoạt động của các ngân hàng thực sự theo quy luật kinh tế thị trường. Riêng trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam chủ trương cổ phần hoá toàn bộ các ngân hàng thương mại quốc doanh, để hoạt động mạnh hơn và hiệu quả hơn. Việt Nam cũng quan tâm đến kinh nghiệm cổ phần hoá của các quốc gia, để tiến hành thành công. Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập khu vực, thế giới, trở thành nền kinh tế gắn bó với nền kinh tế thế giới, hoạt động theo khuôn khổ của WTO. Việt Nam chủ trương tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng cao đi liền với tiến bộ công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi theo thông lệ quốc tế cho các nhà đầu tư", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Với Ấn Độ, Thủ tướng khẳng định, "hai nước Việt Nam - Ấn Độ có điều kiện đặc biệt thuận lợi để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và kinh doanh... dựa trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống lâu đời và tốt đẹp". Từ năm 2001 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 20-30% mỗi năm. Vài tháng gần đây, với những dự án đầu tư của hai tập đoàn Essar và Tata, Ấn Độ đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh "Việt Nam sẽ làm hết sức để thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Ấn Độ". "Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường có mối quan hệ rộng mở với các quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới. Hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam".

Với nền kinh tế thị trường phát triển năng động, nền chính trị - xã hội ổn định, dân số đông với chất lượng ngày càng cao và trẻ, Việt Nam sẽ là địa chỉ đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư Ấn, đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, và cho hai nước.

"Thế giới đang có cái nhìn trông đợi vào Việt Nam"

"Việt Nam là một câu chuyện thành công, quốc gia đã tăng gấp đôi GDP của mình trong 20 năm qua. Việt Nam đang vươn lên vị trí hàng đầu về tốc độ tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài", Chủ tịch liên hiệp công nghiệp (LHCN) Ấn Độ phát biểu tại diễn đàn. "Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong khu vực phát triển năng động hiện nay".

Chủ tịch liên hiệp công nghiệp Ấn nhấn mạnh, Ấn Độ đang nhìn vào Việt Nam không chỉ bởi những thành tựu kinh tế, mà còn nhìn vào đội ngũ những nhà lãnh đạo mới, trẻ của Việt Nam, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ, người tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng...

Cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ lâu dài với Việt Nam và các quốc gia láng giềng, Chủ tịch LHCN Ấn nhấn mạnh.

Chia sẻ nhận định của Chủ tịch LHCN Ấn, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Morgan Chase, ông Gaby Abdelnour cho rằng, hiện nay, thế giới đánh giá rất cao vai trò, vị trí của Việt Nam cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. "Thế giới đang có cái nhìn trông đợi vào Việt Nam", ông Gaby đánh giá.

"Hiện nay, môi trường của Việt Nam rất thuận lợi, và cả thế giới quan tâm tới Việt Nam". Bản thân tập đoàn JP Morgan Chase đang trong giai đoạn chuẩn bị và rất nỗ lực để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. "Chúng tôi đang rất nôn nóng và mong sớm được tham gia vào những nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt trong cổ phần hoá doanh nghiệp", ông nói. "Chúng tôi tin tưởng rằng quá trình cổ phần hoá sẽ là bước đi quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam". Ông Gaby bày tỏ mong muốn của JP Morgan Chase được tham gia vào những giao dịch dài hơn và lớn của Việt Nam.

Ông nói: "Chúng tôi rất hoan nghênh dự kiến phát hành trái phiếu ra nước ngoài của Việt Nam. JP Morgan Chase đã có những trao đổi liên tục với Bộ Tài chính và các quan chức của Việt Nam. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu của chúng tôi đã tham gia. Chúng tôi hết sức quan tâm mong muốn giúp Việt Nam tiếp cận nhanh với thị trường tài chính, vốn quốc tế... Đã đến thời điểm chín muồi: lãi suất, thái độ của thị trường, và mong muốn mua trái phiếu của Việt Nam", ông nói.

"Thành công của Việt Nam cũng là thành công của chúng tôi"

Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại các quốc gia Đông Á và "đang khởi động tiến trình thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng". Khi còn là Thống đốc ngân hàng nhà nước, nhân cuộc họp thường niên ở IMF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm trụ sở của Chase Morgan. Hiện nay, tập đoàn này có hai văn phòng đại diện ở Việt Nam và gần đây đã quyết định tăng cường sự có mặt ở đây. Ông Gaby lý giải, việc này "không chỉ vì việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại của Việt Nam, và tham gia rộng hơn vào thị trường tài chính, mà quan trọng hơn, xuất phát từ Việt Nam, tập đoàn này có thể thực hiện chiến lược hoạt động dài hạn của mình trong 10-15 năm.

Ông khẳng định "các nhà lãnh đạo của chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc về cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi muốn trở thành một phần của những biến đổi nhanh chóng, của sự năng động của các bạn. Xuất phát từ quan hệ hợp tác truyền thống, chúng tôi muốn có mối quan hệ lớn tốt dựa trên tầm nhìn dài hơi. Lãnh đạo tập đoàn Chase Morgan tin rằng, "với tầm nhìn dài hơn, vị trí của chúng tôi ở Việt Nam và khu vực sẽ tăng".

Ông nói thêm, "thực tế trong 10 năm làm việc ở Ấn Độ, chúng tôi đã thường xuyên có mối liên hệ hợp tác với Việt Nam thông qua các doanh nghiệp Ấn. Chúng tôi đã giúp nhiều doanh nghiệp Ấn đến làm ăn ở Việt Nam. Morgan Chase đã đưa ra những lời khuyên mang tính chiến lược cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dầu khí, tài chính, viễn thông..., giúp họ có định hướng và suy nghĩ tốt về Việt Nam".

"Chúng tôi vui mừng nếu Việt Nam sử dụng kiến thức, năng lực và các mối quan hệ của chúng tôi để kết nối các doanh nghiệp với nhau. Chase Morgan mong muốn tham gia nhiều hơn nữa để xây dựng một khối mạnh mẽ, lâu dài và bền chặt ở Việt Nam phục vụ cho hoạt động ở khu vực".

Chỉ cách đây hơn hai tháng, vị Chủ tịch của Tập đoàn đã sang Việt Nam để tìm hiểu về những cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Khi sang Việt Nam và tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ở Hà Nội, Chủ tịch tập đoàn đã khẳng định, Chase Morgan không bao giờ làm ăn ngắn hạn ở Việt Nam. "Chúng tôi muốn làm ăn với Việt Nam, khi Việt Nam đang thuận lợi và ngay cả khi Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong hoàn cảnh đó đi nữa, chúng tôi cũng sẵn sàng khẳng định cam kết làm ăn dài hơi tại Việt Nam". "Làm ăn kinh tế luôn có những khó khăn, và khi đó, Việt Nam sẽ tìm thấy Chase Morgan như một người bạn làm ăn lâu dài".

"Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội lớn. Chúng tôi đang nghiên cứu và xem xét khả năng đưa các nguồn lực, tài chính của chúng tôi vào Việt Nam. Nhưng chúng tôi muốn làm tìm hiểu thật kỹ càng, để xây dựng một chiến lược làm ăn đúng đắn và lâu dài tại Việt Nam".

Giám đốc khu vực châu Á  - Thái Bình Dương của tập đoàn khẳng định: "tập đoàn sẽ đảm bảo mọi điều kiện để Việt Nam tận dụng mạng lưới toàn cầu, huy động mọi nguồn lực của Chase Morgan nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của mình". "Chase Morgan không chỉ coi Việt Nam là khách hàng mà là đối tác để hoạt động và phục vụ".

"Với các tập đoàn như Chase Morgan, thành công của Việt Nam cũng chính là thành công của chúng tôi", ông Galy khẳng định.

Trong khi đó, ông Chủ tịch LHCN Ấn Độ cũng khẳng định, hợp tác với Việt Nam, các DN Ấn Độ muốn học tập và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong đầu tư, kinh doanh và thương mại, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ thông tin.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đến thăm thành phố Knowledge. Sau đó, đoàn sẽ tới New Delhi, thăm Qutub Minar, thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thăm khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo các đảng, chào xã giao Tổng thống Abdul Kalam, Chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi, lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện Shri LK Advani...

VNN

Các tin tức khác

>   Tranh chấp thương mại nên nhờ trọng tài kinh tế (05/07/2007)

>   Bà Rịa-Vũng Tàu tạo điều kiện cho doanh nghiệp Đài Loan (05/07/2007)

>   Ứng dụng công nghệ sinh học để tăng lượng thuỷ sản (05/07/2007)

>   Vùng kinh tế phía Nam đẩy mạnh khai thác dầu thô và khí (05/07/2007)

>   Vietnam Airlines sẽ bán vé điện tử trên diện rộng (05/07/2007)

>   Hoá chất trong bồn chứa inox hay trong nước vượt tiêu chuẩn? (05/07/2007)

>   Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp dệt gia dụng xuất khẩu vào EU (05/07/2007)

>   Nga sẽ kiểm tra các cơ sở chế biến thuỷ sản VN (05/07/2007)

>   Phát triển mới hơn 11 triệu thuê bao điện thoại (05/07/2007)

>   Về việc xây dựng Quy chế quản lý, tổ chức hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổ hợp công ty mẹ-công ty con (05/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật